In bài này

RÈN LUYỆN TÂM KHÔNG SỢ HÃI

Lượt xem: 9717

TRƯỞNG LÃO THÍCH THÔNG LẠC

GIÁO ÁN TU ĐẠO PHẬT

II.- GIAI ĐOẠN XUẤT GIA

(Tỳ khưu Từ Quang biên tập lời Trưởng Lão giảng trong mùa an cư 1997, được ghi âm ở 61 cassette 90)


Bài đọc thêm 8: RÈN LUYỆN TÂM KHÔNG SỢ HÃI

Trong những tháng Thầy ở một mình tu tập trên Hòn Sơn, Thầy một mình sống tại những nơi hoang vu vắng vẻ để rèn luyện tâm không sợ hãi. Những người tại Hòn Sơn gọi trên đỉnh núi của đảo là Ma Thiên Lãnh, thế mà Thầy đã chấp nhận lên nơi gọi là Ma Thiên Lãnh đó và ở đó một bóng một mình tu hành. Trong thời gian đó Thầy rèn luyện cho mình tâm không sợ hãi là tâm vô úy không biết sợ hãi một cái gì. Có rèn luyện, có giữ gìn mình như thế nào mới không sợ. Các con hiện giờ lúc nào cũng sợ hãi.

Tại sao Thầy biết các con cũng như mọi người sợ hãi mà Thầy thì không sợ hãi. Có người lên ở trong hang Ma Thiên Lãnh đó trong hai ba bữa là phải xuống khỏi, không dám ở trong hang đó, còn Thầy ở suốt gần cả năm trời không sợ một cái gì hết. Tại sao vậy? Tại vì một người giữ gìn giới luật của Phật nghiêm chỉnh, chẳng bao giờ vi phạm thì chẳng sợ hãi gì cả. Giới luật của Phật rất vi diệu. Theo Thầy biết đời sống của một người tu theo đạo Phật mà giới luật nghiêm chỉnh thì không bao giờ sợ gì cả, bởi vì chính giới luật đã hướng dẫn cho chúng ta 3 y một bát. Đời sống chúng ta đã bỏ hết, cuộc sống không còn gì nữa rồi, cho nên chúng ta không còn sợ một cái gì cả.

Thầy đã rèn luyện mình sống đúng giới hạnh của Phật, Thầy chẳng bao giờ sợ, các con nên biết giới hạnh có uy lực như thế nào. Có nhiều con chim biển to lớn như con chó hay to hơn nữa mà người ta gọi là chim đại bàng, nửa đêm chúng bay vào đáp xuống núi trên Hòn Sơn. Tiếng kêu của loại chim này dữ tợn như là tiếng hét của một con vật gì, người nào nhát gan là phải sợ hãi, thế mà Thầy vẫn thản nhiên sống chung với chúng trên đỉnh Hòn Sơn như bạn bè thân thuộc.

Hồi sáng Thầy có nói trên bước đường tu tập, khi Thầy về Trảng Bàng nhập thất tu ở đây trong thời gian chiến tranh chưa kết thúc, tức là từ 1971-1975. Trong thời gian đó chiến tranh rất khốc liệt. Giữa khu xóm Thầy ở, nửa đêm quân đội của Cách Mạng về, họ đào hố đào hầm đầy tràn trong xóm này, và ngoài hàng rào. Dân xóm biết thế nào cũng sắp xẩy ra chiến trận tại đây, họ sợ chết nên rút đi hết, mẹ và em Thầy cũng đều bỏ đi, riêng Thầy quyết tâm nhập thất tu tập, không rời khỏi thất dù tình huống có như thế nào. Vừa sáng thì trận chiến nổi lên, hai bên đánh nhau, súng đạn kinh khủng, nào máy bay bắn róc két, bỏ bom, xe tăng bắn, đại pháo nổ dồn dập. Chung quanh thất của Thầy nhà cửa của dân cháy lửa ngùn ngụt, mà Thầy vẫn an nhiên ngồi tu không hề lo lắng. Thầy nghĩ rằng một người tu giữ gìn giới luật của Phật thì chắc chắn giới luật sẽ hộ trì, cho nên Thầy không sợ gì cả. Chiến cuộc đi qua chỗ Thầy ở, những xe tăng của quân đội Quốc Gia, những lính bộ binh đều la mắng Thầy. Ai nói gì cũng mặc, Thầy vẫn ngồi tu với tượng Phật trước mặt trong thất. Cả tượng Phật và chỗ tu của Thầy chỉ lớn gần bằng phòng này. Lúc đó tượng Phật đặt trên tòa sen còn Thầy thì ngồi trên chiếc chiếu trải trước tượng Phật. Tượng Phật ngày trước là tượng Phật hiện nay đặt trên bệ trước Tổ Đường mà các con thấy đó.

Nhà dân chung quanh bị máy bay trực thăng bắn cháy sạch, bụi tre chỗ hàng rào có hầm hố của quân đội Cách Mạng cũng bị bắn tan nát thế mà chỗ thất của Thầy không cháy. Thầy đã phát nguyện không rời thất thì nhất định là không rời, dù có chết cũng chết trong sự tu hành, Thầy chỉ tin tưởng người tu giới luật nghiêm chỉnh là có sự hộ trì đến mức độ không ngờ được. Thầy biết rằng không có ai che chở cho Thầy. Các con thấy sự vô úy của Thầy đến mức độ Thầy xem thân mạng này nhẹ như lông hồng. Nhưng đáng thương mẹ và em của Thầy, ở xa nhìn thấy khu vực này bị bắn phá, lửa cháy họ khóc lóc đau khổ, riêng Thầy vẫn an tâm tu hành, thế mà cuối cùng Thầy an toàn vô sự, không chết. Lần cuối cùng giải phóng, khi Thầy hết phát nguyện không rời thất, nên mẹ và em Thầy không chịu để Thầy ở lại trong chiến trận, họ tìm mọi cách mời Thầy ra khỏi thất.

Thầy nói người tu mà như Thầy thì bất kỳ ở đâu cũng no cơm ấm áo, không bao giờ đói. Thậm chí như thế này, khi ở trên núi ở Hòn Sơn mỗi lần xuống núi để xin gạo mang lên núi. Xin gạo thì rất dễ nhưng vát gạo lên núi ăn thì nhọc nhằn khó khăn vô cùng, cho nên Thầy tập sống bằng lá cây rừng hay rau do Thầy trồng trên núi, không thèm xuống núi xin gạo nữa. Chắc chắn các con vắng gạo thì sẽ không chịu đựng nổi.

Cho nên tùy duyên của các con, ở đâu mà các con tổ chức được cách thức đi khất thực sống, đừng nấu nướng nấu ăn, nếu có người nào giúp cho các con được phần ăn uống thì các con sẽ tu hành tốt.

Hiện giờ cô Út chọn người phù hợp với cô ấy, chứ các con thấy cô Út có thèm học, thèm nghe cái gì của Thầy đâu, nhưng cô tu chỉ tìm đường giải thoát của chính cô ấy, cô biết đại khái Phật pháp nhân quả như thế nào, rồi cô nỗ lực tu cũng mong làm sao cho được giải thoát, cũng mong làm sao ra khỏi con đường sanh tử của cuộc đời này. Cô đã hiểu cuộc đời là khổ, nhưng cô không chịu nhẩm lại lối mòn của người khác, mà cô chỉ tu theo cách riêng của cô ấy.

Cô nói đời này đâu phải là đời của ông Phật mà đi xin ăn được, mình phải tu như thế nào, mà sự sống của mình được tạm đủ, không cần phải đi xin ai. Đó là một sáng kiến của cô ấy chứ Thầy không nghĩ điều đó có làm được hay không. Nhưng Thầy tin rằng người cương quyết như cô Út, cũng như Thầy cương quyết trong đường tu hành nỗ lực thực hiện giới luật của Thầy thì Thầy không sợ chết, không sợ cả đói khát nữa. Vì vậy Thầy trèo lên núi ngồi chẳng sợ, bom đạn cũng chẳng sợ. Thì cô Út nỗ lực qua cách của cô ấy, thì Thầy tin rằng người nào tin và sống theo cô ấy thì cô ấy cũng sẽ đưa họ đến giải thoát; bởi cô tìm cách thế nào để thực hiện đường li dục li ác pháp. Bởi cô nắm được đại khái cái yếu lí của đạo Phật, nhưng thời đại này không phải là thời đại của đức Phật, cho nên cổ muốn vạch ra một lối sống cho phù hợp thời đại của mình mà cũng được giải thoát, cũng được thiền định, cũng làm chủ được sự sống chết.

Đường lối của cổ là ai cũng phải làm hết, có nghĩa là làm lao động như thế nào, tu như thế nào để ai cũng được giải thoát, cũng làm chủ sanh tử, cũng không còn đắm mê, không còn đắm đuối trong cái danh cái lợi, cái ăn ngon mặc đẹp nữa.

Hầu hết chúng ta nhẩm lại lối mòn tu tập của người khác chứ người tự vạch riêng lối cho mình cách thức tu tập riêng thì ít lắm. Chẳng hạn như đức Phật đâu dạy chúng ta ăn rau ăn cỏ, nhưng trong hoàn cảnh khó khăn trên Hòn Sơn buộc lòng Thầy phải tạo cách ăn rau để sống chứ khỏi phải ăn cơm. Cho nên cô Út nghĩ làm sao chúng ta thực hiện được giải thoát mà không phải sống đi xin ăn như đức Phật ngày xưa. Đó là tự môi trường mà ta phải tạo lấy cuộc sống tu hành cho ta.

Bây giờ ôm bình bát đi xin thì quá khó. Cho nên Thầy có ý muốn xin mấy người cư sĩ lập một tiệm cơm chay, mướn người đứng bán rồi hằng ngày lấy số tiền lời người ta ăn cơm ở tiệm trả công cho người bán cơm; còn người tu, thí dụ có 100 người tốn cho họ là 5 triệu một tháng thì quý vị cư sĩ giao số tiền đó cho người nấu cơm để họ cúng dường cơm ngày một bữa cho người tu đến xin cơm trưa trong ngày. Cứ mỗi tháng quý vị cư sĩ đưa thêm 5 triệu nữa chi phí cho phần cúng dường người tu, là tạo cái thế chúng ta ở trong một khu vực yên ổn tu, rồi tới giờ ăn chúng ta chỉ ôm bát ra quán đó xin. Cho nên chúng ta phải nghĩ như thế nào? Bởi vì người cư sĩ không tu, người ta làm công quả hoặc người bán quán cơm làm chuyện đó để người ta sống thì phải có lợi lạc nào đó cho họ sống, do vậy mà họ hằng ngày mới nấu cơm cho mình ăn để tu hành. Nếu họ không có thu nhập thì họ lấy gì nuôi vợ con họ cho nên mình phải trả lương cho họ, thay vì mình chỉ đưa 5 triệu để nấu cơm cho, thí dụ 100 người tu, thì mình đưa họ 10 triệu và nói rõ họ có 5 triệu để họ nuôi sống thêm cho gia đình họ, như vậy mình đâu lợi dụng họ làm việc. Do vậy chúng ta phải tổ chức thế nào cho phù hợp với lí của sự công bình.

Cũng như bây giờ các con sáng đúng giờ ra chỗ cô Út soạn sẳn, lấy cơm chứ không có bận tâm trong vấn đề nấu nướng cơm nước, cho gì ngon dở cũng ăn. Cho nên gần đây các con cũng thấy, người đau bịnh như Thầy mà cô Út cho ăn toàn măng. Các con Thấy vậy, làm thức ăn này kia đến giờ đem riêng cho Thầy. Làm như vậy là sai luật đi khất thực rồi, người bịnh mà còn đi xin được, chưa phải là người nằm một chỗ, người khác xin cái đó ăn thì mình cũng xin cái đó ăn. Nếu cái đó mình ăn không được thì ăn cơm với muối hay cái khác chứ đâu làm riêng biệt như vậy. Nếu làm riêng như vậy thì các thầy khác nói ông này bịnh nhưng còn đi được, ông đâu nằm liệt đâu mà ông ăn hơn mình, ăn đồ ngon hơn mình như vậy, như vậy ông này lợi dưỡng quá. Như vậy làm mất giới luật của Phật đi.

Đó là Chí Thiện đã làm cái đó sai quy luật của người đi khất thực ở đây. Trừ ra người đó đi không được, ăn uống cái đó không được thì các vị tỳ kheo ở đây mới đến nhà bếp xin. Chẳng hạn như Thầy xin cho thầy Chí Thiện, hôm nay thầy Chí Thiện ăn không được muốn được xin cháo hoặc bát canh hoặc là li sữa để thầy Chí Thiện uống thuốc trị bịnh. Như vậy Thầy hay một vị tăng nào ở trong khu vực này đến trực tiếp xin nhà bếp thì đúng. Còn ở đây các con làm rồi đưa vô là trật. Ông thầy của mình thì phục vụ, còn bao nhiêu ông thầy khác trong tu viện bị bịnh có ai phục vụ cho họ không? Các con thấy bất bình đẳng phải không?

Cho nên phục vụ riêng là sai. Nếu không giữ gìn như vậy thì cái tu viện của chúng ta mất kỹ luật lắm. Từ cái sai đó sanh ra nhiều cái sai khác, vì vậy mà người tổ chức giữ gìn được kỹ luật rất là khó chứ không dễ. Mỗi người đều có ý muốn riêng mà mỗi ý muốn đó dẫn dắt đến chỗ sai lệch đạo Phật dữ lắm, nó làm chúng ta mất giới hạnh của người tu.

Sau này cô Út phải lo tất cả đời sống cho những người ở trong này. Sức cô Út như thế nào thì các con hợp với cô Út mà sống, chứ khi Thầy đi rồi thì chắc chắn phật tử họ không đến đây đâu. Khi Thầy còn ở đây thì họ đến cúng dường, chứ khi Thầy ẩn bóng rồi thì chắc chắn họ không đến đây đâu. Thầy biết chắc chắn như vậy. Họ cúng dường cho Thầy chứ họ không muốn cúng dường cho ai hết. Có Thầy thì Thầy như cây bồ đề tỏa ra nhành lá cho nên không bao giờ các con bị đói, không có Thầy các con bị đói thì chịu chứ xin họ không được đâu.

Nếu bây giờ các con bị đói, Thầy chỉ nói, viết, hoặc điện thoại nói với phật tử hiện trong tu viện có một số tu sinh bị đói, các con cho Thầy xin gạo cho họ ăn thì họ cho liền, chúng ta ăn không hết đâu. Nhưng hiện giờ chúng ta đủ ăn thì thôi, Thầy không gọi xin họ.

Các con đã nghe bài kinh nói chỗ đó có cơm ăn áo mặc đầy đủ mà vị thầy hướng dẫn cho mình tâm chưa vô lậu được vô lậu, tâm chưa an tịnh được an tịnh thì dù có bị đuổi cũng không đi; nhưng nếu ở đó mà vị thầy dạy đạo cho mình tâm chưa vô lậu được vô lậu, tâm chưa an tịnh được an tịnh mà chỗ đó cơm ăn áo mặc rất khó khăn cực khổ, dù có bị đuổi cũng không đi.

Bây giờ Thầy đi ẩn bóng rồi, thì chắc chắn cơm ăn áo mặc sẽ thiếu rồi, nhưng pháp Thầy còn để đây, các con tu theo pháp Thầy thì được nhưng không khéo các con đói bụng nhăn răn, tu không vô thì cũng chết. Khi các con học theo Thầy thì phải đi khất thực, phải sống theo đúng như hạnh của Phật; còn cô Út nghĩ khác, các con phải làm, già trẻ gì cũng phải làm hết để sống chớ không lẻ bây giờ cô đi xin ai, cô nghĩ Thầy mà đi rồi thì khó mà xin người khác. Cô không thể một mình làm mà nuôi nổi rất đông được.

Thầy nói như vậy để các con hiểu là bây giờ các con hiểu được pháp của Thầy, nếu các con tạo được chỗ tốt, chỗ nào yên ổn để tu, là vì mình có sống mới tu được chứ chết thì làm sao tu. Do đó các con có được pháp để tâm chưa vô lậu được vô lậu, tâm chưa an tịnh được an tịnh thì các con phải nắm cho vững pháp, rồi tạo môi trường cho mình sống cho được, đừng để phải nấu nướng ăn như Thầy đã nhắc nhở dù mình đi khất thực sống không được.

Ở đây có cô Minh Cảnh là người đã từng ở núi trong một thời gian rất lâu, cô đã từng tự nấu cơm ăn. Không những cô tự nấu ăn mà còn phải đi hái đu đủ, hái mãn cầu bán để có tiền gởi mua gạo?

Thầy đã dạy thân mình niệm Phật thì Phật đi khất thực, mình cũng phải đi khất thực. Mình đã đi khất thực rồi thì chỗ ở của mình nếu có cây ăn trái nào có trái, lúc nó chín mình đừng hái để ăn thêm trong bữa ăn khất thực ngày đó, vì Thầy chưa từng nghe nói ông Phật hái trái cây chín trong vườn để ăn thêm trong bữa ăn khi đi khất thực về. Cho nên một người đi khất thực đúng hạnh xin ăn của Phật thì xung quanh thất chúng ta ở, có những cây trái già chín thì kêu người cư sĩ hộ thất cho mình hái và tùy nghi sử dụng theo ý họ, mình không có quyền hái trái cây đó ăn mà chỉ ăn cái gì nhận được trong khi đi khất thực thôi. Nếu ăn thêm, hay bán buôn cây trái có trong vườn am thất là một lối chạy theo dục lạc, mà hạnh của người tu đi khất thực là hạnh giải thoát li dục li bất thiện pháp. Ăn thêm là chạy theo dục chứ không li.

Cái khó của thân niệm Phật là ở chỗ này. Không giải thích rõ chỗ này thì các con cứ nghĩ chung quanh thất có cây trái gì già chín, tự mình muốn làm gì thì làm, là sai. Thôi thì trồng thêm lúa gạo để ăn chứ cần gì đi xin cho cực. Cho nên các con nhớ là khi nào giữ gìn chánh nghiệp đúng thì không làm một cái gì, không hái trái cây, không buôn bán gì hết. Mình không được làm như vậy. Nếu mình ở đâu có cây trái thì đừng tự hái tự ăn như vậy, mình làm sao cho hợp với hoàn cảnh khất thực của mình để tu tập giải thoát.

Khi cô Út tổ chức cuộc sống như thế nào mà phù hợp với giáo pháp của Thầy về hạnh đi khất thực thì được. Trong thời đại chúng ta có nhiều khác biệt với thời đại của đức Phật, vả lại hoàn cảnh đất nước chúng ta ngày nay không giống với đất nước Ấn Độ ngày xưa. Vậy thì tùy ở các con biết cách vận động như thế nào để phù hợp với bước đường thực hiện giáo pháp của Phật để đi đến chỗ giải thoát; không khéo các con bị lầm lạc, cuối cùng bị động tâm, không tu tập được gì hết.

Chẳng hạn như bây giờ các con thấy lối tổ chức của cô Út trong tu viện như thế này để Thầy và các con sống theo kiểu như đi xin ăn, thì Thầy hỏi như thế này: Bây giờ mình ngồi đây tu hành mà các cô ở bếp 4, 5 giờ sáng thức dậy nấu cơm cho mình ăn, trong khi các cô đâu phải là cư sĩ, các cô cũng là người tu như mình, cũng muốn giải thoát, tại sao mình muốn họ nấu cơm cho mình ăn, mình tu có giải thoát cho họ được không, nếu giải thoát cho họ không được thì quý thầy đừng xúc cơm vào bát của mình. Nếu mình tu mà người ta giải thoát được thì người ta nấu cơm cho mình là đúng; còn đằng này mình tu giải thoát cho mình chứ không phải giải thoát cho người ta, vậy thì mình phải làm sao, chứ không khéo quý thầy cứ nghĩ rằng mình ngon, mình sướng có mấy cô đó lo cho mình, nhưng mình tu hành mình giải thoát, mình làm Phật, còn họ thì làm chúng sanh thì cái đó nó như thế nào, không công bằng chút nào.

Tại sao Thầy không còn nương tựa một chỗ để dẫn dắt các con tu đến nơi đến chốn. Tại vì từ lâu tới giờ các con thường thường cứ nghĩ nương tựa vào Thầy để tu tập cho nên hầu như là các con không chịu nỗ lực rốt ráo, để bây giờ khi Thầy tuyên bố ẩn bóng thì các con mới vội vàng tự lực tìm lấy cách thức sống trong cuộc sống cũng như trong sự tu hành. Từ đó các con mới chịu động não để khai triển ra những cái gì trước kia làm biếng chưa chịu khai.

Từ hồi nào tới giờ về đây sống thì các con nhờ Thầy tất cả mọi cái, do đó người nào cũng cứ ở trong thất mà tu thôi, ai cũng muốn sung sướng chỉ biết cho mình tu thôi, không nghĩ đến người khác. Người cư sĩ ở ngoài làm ra đồng bạc rất vất vả, họ cực khổ lắm mà vì họ nghĩ rằng mình tu hành quá cực khổ, họ biết rằng các con thức đêm thức hôm tu hành chứ không phải các con ngủ suốt đêm, vì chỗ đó mà họ cúng dường cho mình. Nhưng mà mình đâu biết rằng mình có tu tới nơi tới chốn chưa, vì hằng ngày mình cũng còn lơ đểnh, chưa phải thật sự cố gắng, vì vậy khi Thầy ẩn bóng rồi thì các con mới chịu động não khai triển ra. Còn các con không chịu động não, Thầy vẽ làm sao thì các con làm vậy thôi, nhiều khi còn làm sai làm trật nữa và theo ý muốn của mình nữa. Cho nên Thầy nói các con tu hành mà kiểu như có một ông cha giàu có có con không chịu làm ăn, cứ ỷ vào ông cha giàu của nó. Bây giờ ông cha chết rồi, buộc lòng nó phải kiếm sống. Cũng vậy, không biết chừng Thầy ẩn bóng thì trong chúng các con đây mới có người tu giải thoát được, chứ các con cứ nương tựa Thầy kiểu này hoài, cho đến khi các con già đến chết, hay khi Thầy chết, các con tu cũng không tới đâu.

Trong thời đức Phật người ta nương tựa pháp của Phật, người ta nương vào cái hạnh của Phật để tu chứ người ta không có nương vào Phật để sống. Các con thấy rõ rồi phải không? Ông Phật bảo phải kiếm cái bình bát, đi xin được thì ăn, xin không được thì đói chịu chứ không có nương tựa Phật được. Ông Phật đâu có lo cơm lo nước cho ai, còn Thầy thì lo cơm lo nước cho các con, cho nên các con cứ ngồi khoanh chân khỏi lo. Cô Út nói đúng, các con không chịu nghĩ đến chuyện sống của các con để thực hiện cái sống.

Thời của ông Phật thì các tỳ kheo chỉ tin vào cái pháp của ông Phật để thực hiện sự giải thoát, còn về cái ăn cái sống của mọi người thì ông Phật không lo, cho nên đến với ổng bao nhiêu cũng được hết, 100 ngàn người cũng được, ông không có lo đời sống cho ai hết. Ông cũng sáng ôm bình bát đi xin, có thì ông ăn mà không có thì ông chịu đói như ai vậy. Tất cả các đệ tử của ông 1250 vị tỳ kheo này cũng đều y như vậy, người nào xin được thì về ăn, xin không được thì về đói chứ không nói bữa nay con đói quá, bữa nay Phật xin được thì trút cho con ăn đi. Không bao giờ có chuyện đó. Các con đâu thấy có chuyện đó phải không, đâu có phải chơi cái kiểu như quý vị tỳ kheo ngồi ở hàng rào rình chờ bà Liên Hoa Sắc tỳ kheo ni đi xin về rồi nhãy ra bảo bà trút đồ khất thực vào bát cho mấy ông về ăn.

Không biết trong giới bổn nói vấn đề đó có hay không, nhưng Thầy không có nghĩ rằng Phật pháp mà như vậy. Trong giới bổn nói trong mùa hạn hán nọ, bên ni họ đi khất thực để sống, thì mấy ông tăng này lười biếng mà khôn lắm, mấy ông ngồi núp trong hàng rào chờ cho mấy bà ni đi xin về thì mấy ông giả đò ôm bát đi ngay lại, mấy bà ni thấy bát của mấy ông tăng trống trơn không có gì hết, mấy bà trút hết cơm vào bát của mấy ông, mấy ông khỏi cần đi xin ăn. Thậm chí bà Liên Hoa Sắc Tỳ kheo ni liên tiếp 3 ngày liền bị mấy ông tăng lấy hết đồ ăn khất thực cho nên bà bị đói, khổ sở, bà té xỉu bên đường, vì vậy mà một vị trưởng giả thấy mới đưa bà về cho ăn uống, hỏi ra mới biết nguyên do nên vị trưởng giả mới đến trình Phật, nên Phật chế giới để mấy ông tăng đừng chơi kiểu ăn trên đó.

Những câu chuyện như vậy, Thầy nói cho các con thấy rằng trên bước đường tu tập của chúng ta không phải giống như thời xưa của đức Phật, thời đó đức Phật không lo kinh tế cho ai hết. Còn như bây giờ chắc chắn Thầy không để xẩy ra cho các con đói. Cái đức của Thầy là có thể rộng rải xin người ta. Một lời nói của Thầy có thể xin số gạo hằng vạn để trong kho cho chúng ta sống rất dễ dàng.

Thời đức Phật, tuy đức Phật có uy tín, có thể xin các vua chúa, nhưng đức Phật không xin mà để cho chúng tỷ kheo đi xin ăn. Vấn đề này có những nguyên nhân mà Thầy đọc trong kinh sách thấy rõ ràng, đó là ông sống để cho chúng tỷ kheo phải tự mình sống, phải suy ngẩm cuộc sống tu hành của mình.

Giải quyết được cuộc sống đúng hạnh của Phật là giải quyết được phân nửa đường tu rồi đó. Mà giải quyết không được cuộc sống, các con sống như cuộc sống thế tục thì các con không thể tu giải thoát được.

Như cô Minh Cảnh về ở trên núi Long Hải tu. Cô cũng quyết vào núi tu nhưng giải quyết cuộc sống không được, cô bị kẹt trong cuộc sống, rồi bắt đầu chạy theo dục lạc của đời sống ăn uống của con người. Cuộc sống trong chòi lá ở trên núi không có gì, thế rồi cô bắt đầu trồng đu đủ, mãng cầu. Rồi hằng ngày có người đến mua, thế là trở thành cái chợ ở khu thất cô ở trên núi. Trên bước đường tu tập không khéo thất của chúng ta lại lập thành quán, thành tiệm hết. Cho nên chúng ta phải tổ chức như thế nào để tu cho được. Nhưng các con nên nhớ rằng đó là vấn đề mới mẻ, là vấn đề khó khăn chứ không dễ, không đơn giản đâu.

Vì vậy mà sau mùa Hạ An Cư này thì các con, mỗi người phải tự liệu lấy cho mình cuộc sống tu hành của mình. Khi sống với cô Út thì phải sống như thế nào để tạo được cuộc sống tu tập của chúng ta, chứ chúng ta không còn ở trong cuộc sống thế gian nữa, cũng đừng như cô Minh Cảnh về núi tu hành nhưng cuối cùng thì đời sống không li được đời sống thế gian, đời sống tu hành mà không đi tới đâu được hết.

Như vậy các con đã hiểu được chỗ tu tập của Phật pháp khó nhất là về đời sống. Đời sống mà giải quyết được thì tu tập rất dễ dàng, không còn khó, nhưng phải giải quyết cho đúng cách. Thí dụ chúng ta có tiền rồi bỏ ra ăn để sống mà tu thì cũng không tới đâu. Cái đó còn bị sa vào trong tiền bạc nữa thì cũng không đúng cách của người tu. Làm sao mà như thời đức Phật đi xin ăn, đừng biết ngày mai chúng ta sẽ ăn gì, ai cho gì thì ăn nấy, thì mới giải thoát.