giáo án tu đạo Phật - Thọ Tam Quy - Ngũ Giới
(Tỳ khưu Từ Quang biên tập lời Trưởng Lão giảng trong mùa an cư 1997, được ghi âm ở 61 cassette 90)
THỌ TAM QUY - NGŨ GIỚI
LÝ DO THỌ TAM QUY
Chúng ta sẽ thọ giới nào trước tiên. Thông thường ta nghe nói ngũ giới, rồi bát giới, thập thiện, rồi 250 giới, 348 giới, Bồ tát giới; nhưng chưa chắc thọ ngũ giới trước tiên là đúng vì người mới vào đạo Phật chưa phải thọ ngũ giới của Phật liền mà phải thọ Tam Quy rồi mới thọ Ngũ Giới. Cho nên chúng ta phải hiểu thọ Tam quy là sao, thọ Ngũ Giới là sao. Tại sao không nói thọ ngũ giới mà lại kèm thêm Tam quy.
Có người bảo "Tin Phật chỉ cần thành tâm, hà tất cần phải quy y". Thoáng nghe qua dường như có lí. Thật ra cái lí đó chẳng vững. Thí dụ như học sinh muốn vào học trường nào thì phải làm các thủ tục đăng ký nhập học. Một học sinh không có đăng ký, không có trường học, không có học tịch, thì chiếu cái gì biết được đã học năm học đó. Chúng ta cũng phải đăng ký thọ tam quy, đăng ký thọ ngũ giới,... chưa đăng ký thọ tam quy thì chưa đăng ký thọ ngũ giới. Muốn tu theo Phật thì phải đăng ký thọ Tam quy.
Vậy Tam quy là giới luật Phật đầu tiên. Như vậy thọ giới đầu tiên là giới Tam quy.
Cư sĩ nào cũng thọ ngũ giới hết, mà Tam Quy thì không hiểu sao hết. Các cư sĩ chỉ nói Tam Quy là Phật, Pháp, Tăng chứ không biết đó là giới. Phật không phải là giới sống động sao, Pháp không phải là giới sao, mà Tăng không phải sống giới sao. Phật, Pháp, Tăng là giới thực tế, cụ thể, linh động. Ba giới này không phải là giới đầu tiên chúng ta quy theo sao.
Hôm nay Thầy nói cho quý thầy biết rằng chúng ta sẽ quy giới Tam Quy trước, chứ không phải nói tôi thọ cụ túc 250 giới tăng hoặc 348 giới ni. Các giới 250 giới tăng hoặc 348 giới ni không phải là giới căn bản của người tu sĩ phải thọ giới trước mà chính là Phật, Pháp, Tăng. Học giới mà không rành giới thì làm sao biết thọ giới nào trước. Hỏi ông giới sư giới nào thọ trước thì ông nói Ngũ giới. Ông này thật là quê mùa vì không hiểu, cứ tưởng người cư sĩ theo Phật tu là thọ Ngũ giới trước.
Thọ Tam Quy tức là thọ 3 giới đầu tiên trong đạo Phật. Tam Quy được xem là pháp thiện thứ nhất trong đạo Phật. Bằng hành động cao quý và gương hạnh tuyệt vời của 3 giới này đem lại cuộc sống an lành, tràn đầy thiện pháp cho người cư sĩ đệ tử của Phật. Như vậy thọ Tam Quy là giới luật thứ nhất để tiến vào cửa ngõ đạo Phật. Nếu chẳng đi bước thứ nhất này thì đâu thể đi bước thứ hai, thứ ba, thứ tư... Muốn đi bước thứ hai, thứ ba,... ắt phải đi bước thứ nhất là thọ Tam Quy.
Cấp bực tu hành của đạo Phật lấy theo thứ lớp của giới luật mà quy định. Thọ 10 giới thì được gọi là sa di, thọ 250 thì được gọi là tỳ kheo. Thọ Tam Quy là cấp bực chỉ mới bước vào cửa ngõ của đạo Phật. Như vậy phải có sự đăng ký rõ ràng, chứ không thể nói tôi tin Phật, tôi chỉ tu theo pháp Phật thôi, chẳng cần quy y.
Quy y Tam Bảo là lớp cơ bản đầu tiên học về đạo đức nhân quả giải thoát của hàng đệ tử Phật. Bao nhiêu giới luật và pháp môn của Phật cũng do ba giới đầu tiên này mà xuất ra. Bởi vậy tất cả giới luật đều lấy Quy Y Tam Bảo làm căn bản, không quy y Tam Bảo thì không còn pháp môn hay giới luật của Phật nữa.
Có người cho rằng mình có đủ năng lực xem kinh thì tự mình trực tiếp hướng vào kinh Phật tìm ra con đường thành Phật chứ cần gì phải Quy Y Tam Bảo. Điều này trên lý thuyết nghe như thông, mà về thực hành thì sai hoàn toàn vì sự nghiên cứu Phật Pháp muốn hiểu cho đúng còn khó khăn và đôi khi còn chẳng hiểu gì cả, có khi lại hiểu méo mó làm lệch lạc Phật pháp từ giới đến kinh. Một người được trang bị kiến thức đầy đủ như các ông tiến sĩ nhưng đối với giáo lí của đạo Phật mà để kiến thức tiến sĩ này nghiên cứu thì sẽ biến thành một thứ giáo lí khô khan cằn cổi. Kiến thức tưởng giải này biến Phật giáo thành bóng ma trong đêm tối.
Người muốn hiểu giáo lí của đạo Phật phải là một hành giả tới nơi tới chốn, người này phải được một vị đạo sư hay vị minh sư có kinh nghiệm hành trì tri hành hợp nhất dạy bảo qua những kinh nghiệm của họ để cho người đệ tử học Phật này tu hành, thì học Phật này mới hiểu được giáo lí nhà Phật. Vì mục đích của giáo lí này là đem lại cho mọi người một cuộc sống thực sự an lành hạnh phúc. Kẻ nào nói giáo lí suông thì đương nhiên không hiểu giáo lí. Lời dạy của Phật là lời dạy hành động chứ không phải là lời dạy suông.
Hiện giờ kinh sách hiện hành là lời dạy suông cho nên những ý kiến nói trong các sách đó đều sai hết. Một người chẳng thọ Tam Quy mà tự xưng là Phật giáo đồ thì họ như những trang giấy trắng chưa có viết gì trên đó. Tư tưởng này là tư tưởng không dứt khoác. Kẻ này là kẻ vui đâu xâu đó, thích thì tự xưng là Phật giáo đồ mà không thích thì thôi. Đó là thái độ thăm dò chứ chưa thực sự hướng tâm theo hướng thiện của đạo Phật. Những người này thường dùng câu tự quy y Phật, họ chỉ hiểu Phật giáo một cách cạn cợt, họ đã đưa Phật giáo xuống mê tín thần quyền hay lạc vào đỉnh núi khoa học, khoa tâm lí học. Tất cả những sự tự quy y này đã đưa Phật giáo từ chỗ sai lệch này đến chỗ sai lệch khác.
Những bậc thầy đứng ra đại diện ba ngôi Tam Bảo để làm lễ quy y mà các vị thầy ấy giới luật chưa nghiêm túc và tu tập chưa chứng đắc gì, những vị thầy này không có giới đức, chưa có thiền định sâu mầu, họ ví như người mù mà dẫn đám người mù đi vào rừng thẳm thì chắc chắn cả ông thầy cùng đám người mù đó sẽ chết dưới vực thẳm trong rừng âm u, có thể không còn ai sống sót.
Bởi vậy người mới bắt đầu vào đạo Phật, đừng vội quy y Phật Pháp Tăng, mà hãy tìm những bậc minh sư có giới đức, có thiền định sâu mầu, chỉ dạy cho cách nghiên cứu kinh điển Phật giáo trước, chứ kinh điển Phật giáo bây giờ nhiều mà cuốn nào cũng nói là của Phật thuyết.
Do sự chỉ dạy của các bậc này cho mình, người mới vào đạo mới hiểu biết Phật giáo chơn chính, từ đó mới thấy Phật giáo tuyệt vời như thế nào, nó phù hợp đúng với ước vọng của mình như thế nào, rồi mới tìm đến bậc minh sư đó xin quy y. Ông ta đứng ra đại diện cho ba ngôi Tam Bảo, chứ không phải mình quy y với ông ta. Nếu ông tự thấy mình chưa đủ đức hạnh thì sẽ chỉ cho ta đến một người có tư cách hơn ông, bởi những vị giới đức nhường lại cho vị có đức hạnh cao hơn họ khi họ thấy mình còn yếu. Còn những người danh lợi dễ dàng chấp nhận người đến xin quy y, họ muốn có nhiều người phục vụ đời sống cho họ đầy đủ. Đó là họ chỉ thấy những cái lợi danh của họ chứ họ không thấy cái lợi ích của người quy y. Còn người có giới sợ người đệ tử của mình không giữ giới nổi nên phải có trách nhiệm làm sao cho người đệ tử của mình phải sống theo thiện pháp trong giới luật Phật, cho nên vì sợ đệ tử mình giữ không trọn giới luật Phật mới đưa người này đến bậc có giới đức cao hơn để cảm hóa người đệ tử này trở thành người tốt, người đệ tử Phật nghiêm chỉnh. Nếu thấy mình đủ tư cách thì ông sẽ tự mình đứng ra đại diện ba ngôi Tam Bảo làm lễ quy y.
Người thầy là một tấm gương sống cho quý vị trên bước đường theo Phật giáo tu hành. Thời nay người chưa đủ tư cách mà vội vàng đứng ra làm lễ quy y là cầu danh. Họ quy y cho đệ tử càng đông thì càng tốt, càng làm giàu, càng có danh có tiếng nhiều.
Một lễ quy y chỉ nên làm cho nhiều lắm là ba người. Làm lễ thọ Tam Quy cho nhiều người chỉ là gieo nhân Phật pháp cho họ mà thôi, chứ không được thanh tịnh, không được nghiêm chỉnh, cho nên những người này không thể đắc Tam Quy. Trong Phật giáo hiện giờ có những bậc thầy thống kê số đệ tử quy y của mình, lấy con số tín đồ càng đông đảo càng hãnh diện, chứ không quan trọng số đệ tử này có chất lượng của Phật giáo.
Quy y Tam Bảo chẳng phải là vấn đề trên hình thức mà còn là một vấn đề nội tâm. Quy y Tam Bảo giúp cho người đó nhớ mãi không quên những pháp thiện là Phật Pháp Tăng, những hình ảnh thiện khi thọ tam quy với một bậc thầy thanh tịnh giới luật. Ngày thọ tam quy có tánh cách trang nghiêm và trọng yếu với bậc thầy có giới hạnh nghiêm chỉnh, thiền đức sâu mầu, lực tuệ cao siêu thì vẻ trang nghiêm và trọng yếu tăng lên gấp bội. Điều này khiến cho người thọ Tam Quy ghi mãi trong tâm hình ảnh từ bi vô lượng của Phật Pháp Tăng thể hiện trong ngày hôm đó.
Vậy thọ tam quy là gì? Giải thích theo từ ngữ thì thọ là hưởng lấy, chấp nhận; tam là ba, quy là quay đầu về, quay về. Thọ tam quy là chấp nhận trở về ba nơi. Thọ tam quy là nói tắt, nói đầy đủ là "Thọ quy y Tam Bảo" nghĩa là chấp nhận trở về nương tựa ba nơi quý báu; nói dễ hiểu hơn là trở về chấp nhận nương tựa ba nơi thiện pháp cao quý. Nói một cách khác nữa là quyết tâm tu tập ba thiện pháp cao quý; nói một cách khác nữa là quyết tâm sống đúng ba giới hạnh tuyệt đỉnh.
Như vậy thọ tam quy là phải tự mình tu tập ba thiện pháp, tự mình sống đúng ba giới hạnh tuyệt đỉnh đó, tự mình chấp nhận nơi thiện pháp đó để trau dồi thân tâm mình được như những bậc Phật Pháp Tăng đó, nghĩa là tự cứu mình, chứ không có nghĩa quy y để được Phật độ mình hay được Phật rước khi mình có tai nạn gì.
Phật giáo xây dựng trên đạo đức nhân quả chứ không phải xây dựng trong tinh thần thần linh hộ độ tai nạn bịnh tật tiêu trừ. Cho nên Tam Bảo là những thiện pháp mà ta thực hiện chứ không phải là ba ông thần. Nhân quả có thiện có ác; thiện đem lại phước báu, còn ác đưa lại tai họa hoạn nạn.
Ở đây nói thọ quy y Tam Bảo cũng còn nói tắt, nói đủ là thọ "quy y Phật Pháp Tăng" tức là nương vào ba pháp thiện này. Phật Pháp Tăng là gì? Phật là chỉ đức Phật, một con người y như chúng ta mà đã sống được viên hạnh với thiện pháp siêu việt, sống toàn thiện chơn thiện; Pháp là lời dạy của đức Phật, lời dạy toàn thiện, chơn thiện; Tăng là những đệ tử của đức Phật, là những con người bằng xương bằng thịt như chúng ta theo Phật tu hành, sống đúng toàn thiện, chơn thiện. Gom lại những chữ này giải thích thọ quy y Phật Pháp Tăng là quay về nương tựa đức Phật, vâng theo lời dạy của Ngài và theo gương hạnh các bậc thánh tăng tu tập. Như vậy chúng ta lấy ba gương hạnh của ba ngôi Tam Bảo này mà tu tập, chứ không phải là nhờ ba ngôi Tam Bảo gia hộ cho chúng ta tai qua, nạn khỏi, bệnh tật tiêu trừ.
Ở đây phải hiểu Phật Pháp Tăng là ba giới luật sống động, vì thế Phật còn sống tại tiền thì tất cả chúng tỳ kheo nương vào Phật tu tập, đức Phật dạy sao thì họ nghe theo và tu tập đúng lời dạy của đức Phật, tu tập không sai. Cuộc sống của Phật là cuộc sống giới luật nghiêm chỉnh, không sai phạm một lổi nhỏ gì. Phật đã chế ra giới luật để nói lên viên hạnh sống giải thoát của Ngài qua hành động sống của Phật.
Cho nên phải thấy giới luật là một điều quan trọng trong việc hành trì theo đạo Phật, vì thế đức Phật phải quan tâm đến giới luật, cho nên Ngài phải chế giới sao cho giới luật phù hợp và thích nghi được với không gian và thời gian của bất cứ thời đại nào. Ngài quan tâm và hoàn chỉnh giới luật trước khi Ngài nhập diệt. Ngài biết rằng sau khi Ngài nhập diệt không có một vị thánh tăng đệ tử nào của Ngài đủ tư cách làm thầy cho các vị tỳ kheo. Từ lâu Ngài đã có ý định giới luật sẽ thay Ngài để dẫn dắt những người tu sau này chớ không phải đợi đến khi gần chết Ngài mới di chúc giới luật là thầy của chúng tỳ kheo đâu. Chỉ có giới luật mới đầy đủ đại oai lực, đại thần lực và đại minh lực để làm thầy của chúng tỳ kheo, và giới luật không bao giờ có sự thay đổi nào được vì giới luật tròn đủ không thiếu không thừa.
Chúng ta nên biết rằng một người như đức Phật không nông nổi bộp chộp quyết định mà có sự đắn đo suy xét kỹ lưỡng: Chỉ có giới luật cầm vận mệnh tiền đồ thịnh suy của Phật giáo sau này, cho nên Ngài mới di chúc "Giới luật còn là Phật giáo còn, giới luật mất là Phật giáo mất".
Bây giờ quý thầy thấy tu sĩ rất nhiều mà không tròn giới luật, có nghĩa là Phật giáo không còn. Ngày xưa, khi đức Phật còn tại thế có một tỳ kheo ở nơi xa có ý muốn đến ở gần bên Phật. Khi đức Phật nghe sự việc, Ngài bảo một tỳ kheo khác đến nói với vị tỳ kheo đó rằng "Nếu vị tỳ kheo đó giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh thì như ở gần bên Ta, còn những tỳ kheo hằng ngày thấy Ta mà không nghiêm chỉnh giới luật thì cũng như sống xa Ta". Như vậy ta thấy ngay khi Phật tại thế Ngài đã xác nhận "Giới luật còn là Phật còn, giới luật mất là Phật mất".
Vậy chúng ta là những đệ tử của Phật mà muốn Phật giáo còn thì phải nghiêm trì giới hạnh, giới đức và giới tuệ. Do thấy trước và hiểu biết đó nên Ngài đã hoàn chỉnh giới luật trước khi nhập diệt "Này các thầy tỳ kheo, hãy lấy giới luật Ta làm thầy, làm chỗ nương tựa vững chắc tu hành. Giới luật còn là Phật pháp còn, giới luật mất là Phật pháp mất". Ngài di chúc lời này tức là Ngài đã chuẩn bị cho đời sau một ông thầy có đầy đủ 3 lực như đức Phật (oai lực, thần lực, minh lực). Giới luật còn là Phật còn, giới luật mất là Phật mất, cho nên lúc Phật còn tại thế, Phật truyền dạy: "Các ông sống gần bên Ta mà giới luật không nghiêm chỉnh thì như sống xa Ta ngàn dặm, nếu các ông sống xa Ta ngàn dặm mà giới luật nghiêm túc thì như sống gần bên Ta".
Phật còn tại thế tượng trưng giới luật toàn chơn toàn thiện, và khi Phật nhập diệt thì giới luật là ông thầy toàn chơn toàn thiện. Trong kinh ghi lại đầy đủ những lời Phật dạy này thì làm sao chúng ta là những tu sĩ của đạo Phật lại quên được, làm sao chúng ta sống không giữ gìn giới hạnh mà gọi là tu sĩ Phật giáo được. Thế mà có kẻ ngu si dám đem giới luật của Phật sửa tới sửa lui, đốt phá tạng luật kết tập lần đầu tiên tại hang Thất Liệp của Ngài Upali (Ưu ba li), rồi bảo rằng việc kết tập không viết thành văn bản. Trong các bộ kinh cũng thường nói như vậy.
Luật phải chỉ có một bộ thôi, sao lại có nhiều bộ thế. Giới luật là ông thầy thì chỉ có một ông thầy thế mà sao nay có quá nhiều ông thầy vậy. Ông thầy nào là chơn, ông thầy nào là giả, nghĩa là chúng ta không biết bộ luật nào là ông thầy của mình vì có quá nhiều bộ luật. Trong Phật giáo hiện giờ có 6 bộ luật có những điểm dị biệt nhau.
Các thầy tỳ kheo sợ giới luật của Phật, họ chạy theo dục lạc thế gian, tham đắm danh lợi thực thùy, cho nên họ mới đặt ra giới luật mới để làm khác đi giới luật của Phật, để chạy theo dục lạc của đời, làm đảo lộn Phật pháp. Tu sĩ không biết ông thầy giới luật là ông nào, khi Phật giáo chia làm 20 bộ phái với 20 bộ luật khác nhau. Vậy các tu sĩ biết chọn ông thầy nàolàm thầy như lời đức Phật đã di chúc. Trong khi Phật giáo có 20 ông thầy, ông thầy được kết tập lần đầu thì bị phế rồi, còn 20 ông thầy mới này biết ai là thầy của mình. Ngày nay chỉ còn lại 6 ông thầy. Đây là tên của 6 ông thầy mới:
1.- Thập tụng luật
2.- Tứ phần luật
3.- Tăng kỳ luật
4.- Ngũ phần luật
5.- Giải thoát giới bổn kinh
6.- Nhứt thiết ngũ bộ luật
Từ 20 ông thầy luật giờ còn lại 6 ông, thì thử hỏi ai trong 6 ông này là thầy của chúng ta.
Như chúng ta đã học, trong giới kinh chia làm 3 loại giới là giới hạnh, giới đức, giới tuệ gọi chung là giới định tuệ. Giới định tuệ không phải là ngoài giáo pháp của Phật. Giáo pháp của Phật là pháp thiện: sơ thiện, trung thiện và hậu thiện. Vậy giới định tuệ là pháp thiện của đạo Phật, mà pháp thiện của đạo Phật là giới hạnh, giới đức, giới tuệ, ba giới này là giới luật của Phật, còn gọi là giáo pháp của Phật; giới bổn chỉ là những oai nghi tế hạnh li dục li ác pháp của phần giới hạnh trong giới kinh mà thôi. Nghĩa là 6 bộ giới luật này nằm trong giới bổn chứ không phải nằm trong giới kinh. Giới bổn này chỉ cho chúng ta biết những oai nghi tế hạnh để giữ gìn li dục li ác pháp ở trong phần giới hạnh mà chúng tahọc ở phần giới kinh.
Giới kinh có chia ra làm ba giới vức rõ ràng: giới hạnh, giới đức, giới tuệ. Giới bổn chỉ là oai nghi tế hạnh li ti để giúp chúng ta li dục li ác pháp trong phần giới hạnh, chứ không được nằm trong phần giới đức, cũng không được nằm trong phần giới tuệ. Cho nên giới bổn dù có đến trăm ngàn bộ thì nó chỉ là giới hạnh mà thôi, chưa đủ sức làm thầy của chúng tỳ kheo, không thể xem nó là giới luật của Phật. Chỉ có giới kinh mới là thầy của các vị tỳ kheo, mới là giới luật của Phật.
Có một bài kinh nói khi Phật còn tại thế có người Bà la môn hỏi đức Phật sau này ai là người thừa kế đức Phật lái con thuyền đạo Phật. Đức Phật trả lời người thừa kế phải có đại oai lực, đại thần lực, đại minh lực. Thầy có nhắc cho quý thầy biết đại hạnh lực là giới hạnh hay đại oai lực, còn đại thần lực là giới đức, đại minh lực là giới tuệ. Giới hạnh, giới đức, giới tuệ gọi chung là giới luật của đạo Phật, cho nên trong kinh Di Giáo đức Phật di chúc "Này các thầy tỳ kheo, khi Ta diệt độ các thầy hãy lấy giới luật của Ta làm thầy, làm chỗ nương tựa tu hành".
Nhưng trong kinh A-hàm cũng như trong kinh Nguyên thủy ở bài kinh Di Giáo này lại có nói thêm chỗ này "hãy lấy giới luật và giáo pháp của Ta làm thầy, làm chỗ nương tựa tu hành", thành ra giáo pháp và giới luật chia làm hai. Điều này không đúng đâu. Đó là người sau lấy tên giới luật chỉ cho giới bổn. Thật ra toàn bộ giáo pháp của đức Phật là giới luật chứ không có gì khác hơn.
Tuy có 37 phẩm trợ đạo nhưng 37 phẩm trợ đạo là giới hành, là những hành động để chúng ta giữ giới chứ đâu phải là pháp gì. Họ hiểu 37 phẩm trợ đạo là giáo pháp; còn những điều kê ra như pháp luật trong giới bổn là giới luật. Người sau không hiểu, vì vậy họ đem giáo pháp của Phật chia ra có giới luật, rồi có giáo pháp. Thật ra không có giới luật và giáo pháp riêng như vậy.
Lời di chúc của Phật, họ thêm vào hai chữ giáo pháp vào. Trong kinh Di Giáo Phật bảo lấy giới luật, mà trong giới luật có giới hành là 37 phẩm trợ đạo. Vì họ không hiểu như thế nên họ lấy 37 phẩm trợ đạo làm giáo pháp.
Trong giới kinh có đầy đủ pháp hành là 37 phẩm trợ đạo. 37 phẩm trợ đạo là giới hành, là giới luật của đạo Phật, chớ không phải ngoài giới luật mà có 37 phẩm trợ đạo. Vì vậy các kinh ghi lời di chúc "hãy lấy giới luật và giáo pháp của Ta làm thầy" trong đó "và giáo pháp" là thừa. Người ghi câu trên không hiểu giới luật của Phật là pháp thiện phải có đủ giới hạnh, giới đức, giới tuệ. Giới luật là pháp thiện. Giáo Pháp của đức Phật được xây dựng trên nền tảng của nhân quả cho nên nó phải toàn là thiện pháp, mà thiện pháp là giới luật.
Trong giới luật phải có giới hành. Có giới hành tức hành động tu mới gọi là giáo pháp. Trong giới bổn không có giới hành, mà không có giới hành thì không tu. Toàn bộ các giới trong giới bổn là pháp luật bắt buộc người tu phải giữ gìn, phải tuân theo mà không tu.
Giới luật của đạo Phật có giới hành. Muốn làm cho mình được thiện thì phải có sự trau dồi trong hành động tức có sự tu tập, còn trong giới bổn đâu có trau dồi cái gì, cho nên nó là pháp luật. Muốn không tham lam thì phải sống như thế nào để không tham nghĩa là mình phải trau dồi tuần tự cho không tham, do đó trở thành sống trong thiện pháp. Vì vậy giới luật của Phật không khô khan, cằn cổi như pháp luật, như giới bổn.
Giáo pháp không phải là giáo điều, mà không phải là giáo điều thì không phải là pháp luật. Pháp luật có sự bắt buộc, bắt ép, gò bó trong khuôn khổ kỷ luật. Pháp luật không có pháp hành. Trái lại giới luật của Phật có pháp hành nên khi đưa ra một điều nào làm việc lành tránh việc ác thì có giới hành rèn luyện, tu tập, trau dồi thân tâm con người cho đến khi thuần hóa điều lành đó.
Người tu học giới luật vì có giới hành nên họ thấy cuộc sống thoái mái dễ chịu, thanh thản, an lạc thật sự. Cho nên đức Phật nói "thiết thực cụ thể không có thời gian". Đến với đạo Phật thì ngay đó chúng ta đã thấy liền sự giải thoát; đến với giới luật của đạo Phật có pháp hành chứ không phải thiếu pháp hành. Đạo Phật hay là chỗ đưa con người đến cái thiện phải rèn luyện cái thiện cho con người chứ không phải nói suông hay cũng không đưa ra một giáo điều nào bắt ép ai hết.
Một người muốn vào lộ trình của người tu sĩ nhưng chưa đủ trình độ để vào thì người này vẫn đứng trong lộ trình của người cư sĩ nhưng họ vẫn có những pháp hành thiện cho lộ trình của họ để giúp cho xã hội, cho đất nước, nghĩa là họ vẫn đem lại cái tốt cho mọi người.
Nếu ai biết lấy giới luật của Phật mà tu tập thì thoái mái, an lạc, yên vui và hạnh phúc từng giới luật một, hễ tu được giới nào thì có sự an lạc của giới đó, tâm hồn họ luôn luôn hân hoan, vui tươi, chẳng biết buồn giận thương ghét ai, cũng chẳng lo lắng sợ hãi ai; dù có bất cứ điều gì không tốt xẩy ra, họ chỉ có một tình thương yêu trầm lặng, bao la khắp cùng, sống hòa chung cùng vạn vật muôn loài.
Sau khi nghe lời giảng này, quý thầy đã biết giới luật nào là thầy của quý thầy chứ không phải 6 bộ luật hiện hành của Phật giáo hiện giờ mà quý thầy đã đọc và hiểu nó. Sáu bộ luật đó không đủ oai lực, thần lực, tuệ lực thì làm sao làm thầy của quý thầy được. Chúng chỉ là một phần lượm lặt trong giới hạnh của giới kinh viết ra, lại còn thêm thắt làm lệch lạc oai nghi tế hạnh của người tu sĩ đạo Phật.
Người tu sĩ đạo Phật ngang nhiên ăn thịt chúng sanh, nuôi thân mình bằng tà mạng rồi đặt ra giới. Lấy giới để che đậy oai nghi tế hạnh của người tu sĩ đạo Phật, lấy giới để ngang nhiên chạy theo dục lạc. Các ngài thêm bớt vào giới bổn, nói Phật cho ăn thịt chúng sanh không thấy, không nghe, không nghi để ngang nhiên chạy theo dục lạc thế gian, nuôi tà mạng. Những người tu sĩ này phá hũy đạo Phật giữa ban ngày, chẳng có vị tu sĩ nào nhập định được cả, và chẳng bao giờ có được tam minh. Họ lí luận đời mạt pháp chẳng có ai chứng quả Alahán. Không nương vào ông thầy giới luật chơn chính của mình thì tu hành làm sao chứng quả được. Ông thầy giới luật không chơn chính thì làm sao thân tâm thanh tịnh, mà thân tâm không thanh tịnh thì làm sao nhập được định, làm sao có được tam minh. Pháp của đạo Phật muốn đi vào thiền định là phải li dục li bất thiện pháp.
Sau này Thầy đọc lại bài kinh để quý thầy biết li dục li bất thiện pháp có nhiều cấp độ. Có nhiều giai đoạn li dục li bất thiện pháp chứ không phải khi li dục li bất thiện pháp là chúng ta hoàn toàn sạch hết dục đâu. Đức Phật đã nói rõ các trường hợp này trong một bài kinh. Chỗ li dục li bất thiện pháp nào mà chúng ta biết khi nhập vào bào thai, hay li dục li bất thiện pháp nào thì khi nhập vào bào thai mà chúng ta không biết.
Các tu sĩ đạo Phật ngày nay không có thầy tu chứng lãnh đạo nên chẳng biết đường tu, hầu hết tu theo tưởng giải của học giả. Giới luật là giới bổn thì làm sao có giới hành mà tu được. Giới bổn chỉ là một loại pháp luật khô cằn như cây khô không nhựa. Đụng tới giới luật của giới bổn vị nào cũng le lưỡi, người nào ráng lắm thì cũng như người tu khổ hạnh của ngoại đạo, họ tu chẳng đi tới đâu, nghĩa là dù có ráng giữ gìn giới luật của giới bổn cho nghiêm chỉnh thì trởthành người tu khổ hạnh, mà là khổ hạnh của ngoại đạo, cho nên sự tu hành của họ chẳng đi tới đâu, cuối cùng bị chết ở trên sự khổ hạnh đó, chẳng ra ôn gì hết, chẳng làm chủ sanh tử được.
Như chúng ta đã thấy có một số tu sĩ bên Khất sĩ, họ chấp hành giới luật của giới bổn rất nghiêm chỉnh, họ đi khất thực với chân trần không giày dép, ở trong hang trong núi, nhưng họ không biết giới hành cho nên họ không thực hành giới luật đúng pháp, cuối cùng họ chết mòn ở trong hang trong hóc chứ không giải thoát được gì.
Đức Phật có nói khi chúng ta khổ hạnh như con bò thì sẽ thành con bò, mà khổ hạnh như con chó thì thành con chó chứ không thành ông Phật, ông Tiên được. Cho nên khi chúng ta khổ hạnh ăn rau thì nữa sẽ thành rau thành cải chứ không thành gì được. Đó là vì giới luật không có pháp hành nên không thành gì hết. Chúng ta nói ăn rau cải là sống thiện pháp rồi. Chúng ta không giết hại chúng sanh thì cuối cùng cũng thành rau cải thôi chứ thành cái gì. Đó là cái hiểu sai Phật pháp bởi vì Phật nói mình hướng tâm về hướng cái gì thì sẽ tái sanh về hướng cái đó.
Những cái tu hành sai là sự hướng tâm sai, cho nên dù có tu hành nhiều đời thì cũng sanh về cái đó, bởi mình hướng trật. Mình hướng phá giới thì làm sao mình hướng đúng giới được; còn mình hướng đúng giới thì sẽ đúng giới. Cho nên ngay từ bước đầu mình đi đúng thì lộ trình thì nó sẽ đưa đến đúng chỗ, mà bước đầu mình đi trật đường thì lộ trình đó sẽ dẫn mình đến chỗ trật, không thể nào đến đúng chỗ được.
QUY Y TAM BẢO
Tam Bảo là ba giới luật sống động đầu tiên của đạo Phật. Như quý thầy đã nghe Thầy giảng thọ quy y Phật, Pháp, Tăng là quay về nương tựa Phật, nghe lời dạy của Ngài và theo gương hạnh của các bậc thánh tăng, đệ tử của Ngài mà tu tập.
Ví như cháu bé còn nhỏ sà vào lòng mẹ của nó, nương tựa mẹ nó, tin cậy mẹ nó vì thế nó có cảm giác an toàn. Sự sinh ra của cảm giác an toàn này là từ sự bảo bọc, thương yêu của người mẹ. Nhưng trở về nương tựa Phật Pháp Tăng làở trong sự bảo bọc thương yêu vững chắc còn hơn sự bảo bọc thương yêu của người mẹ. Hành vi hướng về tin cậy đặt trọn lòng tin đáng tin cậy có sự bảo bọc an toàn nhất thì gọi là quy y, nghĩa là khi chúng ta quay về thì phải có sự tin tưởng ở nơi sự bảo bọc của cái đó.
Ở đời chúng ta cũng từng thấy con cái có sự tin cậy ở cha mẹ, học sinh tin cậy ở thầy cô giáo, công nhân tin cậy ở ban giám đốc, có người tin cậy ở vận mạng, chánh khách tin cậy ở mưu lược,... những lòng tin đó không được gọi là quy y vì sự nương tựa này không có bảo đảm vững chắc. Ví như bị tai nạn nước lớn, người ta có thể trèo lên một ngọn cây, nóc nhà hay chạy lên gò nhỏ nhưng có thể sóng nước to, gió lớn làm cây ngã, nhà sập, nước ngập gò vì thế nương tựa vào những cái đó không vững chắc nên không thể được gọi là quy y.
Nhưng khi quy y ba ngôi Tam Bảo thì không bị sự bất an đó. Tuy vậy có người vẫn hiểu lầm nên họ thường nói "tôi nhờ Tam Bảo gia hộ" khi họ làm được cái gì, hay thoát được nạn gì, không ngờ chính nhờ mình làm thiện mà được cái đó. Họ đã hiểu sai nhân quả nên mở miệng nói sai nhân quả, do vì vậy họ làm lệch lạc thiện pháp của đạo Phật. Trong hoàn cảnh nước ngập gió lớn, nếu có ngọn núi cao, người khôn có thể lên núi cao đó, trừ những kẻ ngu si. Cũng vậy, người khôn sẽ quy y Tam Bảo, mới thoát nạn khổ sanh già bệnh. Nương vào Tam Bảo, nương vào ba giới thiện mới vững chắc.
Người nào nhận thức được thế gian là vô thường, các pháp đều vô thường, đều do nhân duyên đối đải với nhau mà thành, mà khổ, họ mới quy y Tam Bảo. Người ấy nhận thức rõ ràng rằng nương tựa vào cha mẹ, vào thầy cô giáo, ban giám đốc, vận mạng, mưu lược,....chỉ được an ổn tạm thời. Cha mẹ không đau bệnh thay; tri thức của thầy cô giáo không đáp ứng đủ trong xã hội; vận mạng không đúng với nhân quả; ban giám đốc, trưởng cơ quan thay đổi nhiệm sở,... Có tôn giáo xây dựng cõi trời, người cõi trời có thọ mạng lâu hơn nhưng khi hết phước hữu lậu ở cõi trời đó vẫn bị chết, vẫn bị sanh vào cõi người ở thế gian này. Vì vậy trong góc độ Phật giáo, quy y Tam Bảo là quy y ba giới đầu tiên, đưa chúng ta đến chỗ chấm dứt sanh tử luân hồi. Từ ba giới này sẽ sanh ra nhiều giới khác để chúng ta biết mà trau dồi.
Trong những kinh mà các tổ luận cho ba giới gốc là không tham, không sân, không si. Không phải như thế, vì ba giới gốc đó đâu sanh ra các giới khác được, chỉ có Phật Pháp Tăng mới sinh ra các giới khác. Đức Phật chế giới chứ tham sân si làm sao chế giới, tham sân si chỉ là 3 độc. Cho nên các cư sĩ chưa thọ tam quy mà vẫn thọ Bồ tát giới được. Bồ tát giới là do các tổ đặt ra cho nên mới không cần thọ tam quy. Có Phật Pháp Tăng mới có giới, chứ không có Phật Pháp Tăng làm sao có giới được. Vì vậy các tổ cấm các cư sĩ học giới luật cũng như học kinh sách của tiểu thừa.
Chỉ Phật giáo mới dùng chữ quy y, nghĩa là Phật giáo là chỗ nương tựa vững chắc, bảo bọc an toàn giải thoát mọi nổi đau khổ của kiếp người. Tổng thể giới luật của Phật giáo không ngoài ba ngôi Tam Bảo. Trên thực tế, khuynh hướng của quy y là bắt đầu phải quy y Tam Bảo.
Trong đạo Phật có bảy loại chúng theo giới luật mà ra: tỳ kheo, tỳ kheo ni, sa di, sa di ni, thức xoa ma ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ. Người thọ ngũ giới thì không thể nào tu tập nhiều bằng người thọ sa di 10 giới được, hay bằng vị tỳ kheo thọ 250 giới được. Những tỳ kheo hay sa di đi về phía giải thoát xa hơn người thọ ngũ giới.
Trên thực tế, khuynh hướng quy y là phải bắt đầu từ quy y Tam Bảo ở ngoài thân, nghĩa là hình thức, cách thức tổ chức lễ quy y như bông hoa hương đèn dùng trong lễ quy y. Ngày xưa khi các vị ngoại đạo hay cư sĩ đến nghe đức Phật thuyết pháp xong, có vị muốn làm đệ tử Phật thì quỳ xin đức Phật cho quy y, họ nói "Xin tôn giả Gotama chấp nhận cho con làm ưu bà tắc hay ưu bà di". Lời nói đó là quy y, tức là quỳ trước đức Phật và gọi đức Phật là "Tôn giả Gotama" nhưng không gọi đức Phật là Phật, nhưng chính đức Phật là Phật, Pháp, Tăng, vì đức Phật là "Nhất thể Tam Bảo".
"Nhất thể Tam Bảo" có nghĩa sa môn Gotama là hình sắc của Phật, lời của sa môn Gotama nói là Pháp, hành động sống không tranh luận của sa môn Gotama là Tăng. Một mình sa môn Gotama có đủ ba ngôi Tam Bảo, đứng trước sa môn Gotama mà có đủ 3 ngôi Tam Bảo cho nên xin quy y Phật Pháp Tăng chứ không xin quy y tôn giả sa môn Gotama.
Trong lễ quy y mà có 3 lời thề là không đúng cách quy y của đạo Phật vì đạo Phật không bắt buộc ai thề. Thấy đạo Phật đúng, thấy đạo Phật đoạn dứt được đau khổ cho cuộc đời mình và mình tin tưởng theo đạo Phật thì mình nói lên lời tam quy, nói theo tâm của mình sẽ thực hiện những cái đem lại giải thoát cho mình, là đủ, là đúng. Mấy ông thầy sau này không hiểu lí giải thoát của đạo Phật, lí giới luật của đạo Phật, lí diệu pháp của đạo Phật cho nên mới bày thêm 3 lời thề trong lễ quy y. Ngày xưa người ta đến quy y không thề như vậy mà chỉ nói lên tam quy thôi.
Từ hôm nay chúng ta quay về Tam Bảo lức là quay về thiện pháp. Chỉ có thiện pháp của Phật mới là chỗ an toàn bảo bọc vững chắc cho chúng ta.
TAM BẢO LÀ GÌ?
Tại sao gọi Phật, Pháp, Tăng là bảo? Đây là điều rất quan trọng: một người muốn tin Phật, trước tiên cần phải quy y Tam Bảo. Nhưng trước khi quy y Tam Bảo cần phải hiểu rõ Tam Bảo hay đẹp ra sao, nếu không hiểu sự hay đẹp của Tam Bảo mà quy y thì sự quy y đó không được xem là chơn chánh quy y.
Ngày xưa chỉ sau khi nghe được bài pháp rồi mới xin quy y hay xin xuất gia, vì vậy mà trong kinh có những vị ngoại đạo sau khi nghe đức Phật thuyết pháp xong bèn xin xuất gia. Đức Phật bảo các vị ngoại đạo đó phải ở trong giới luật của đạo Phật 4 tháng để xem bỏ được các tà kiến đã chấp từ trước không. Nếu bỏ được thì chúng tăng cho xuất gia. Các vị ngoại đạo sẳn sàng sống 4 năm. Như thế sau khi được nghe pháp rồi mới xin xuất gia, chứ chưa nghe pháp mà xin xuất gia thì chắc chắn là đức Phật không cho đâu. Không bao giờ đức Phật cho người chưa biết pháp Phật như thế nào mà xuất gia.
Còn hiện giờ có nhiều người xu hướng quy y mà không hiểu Phật pháp như thế nào. Cũng như khi chúng ta xin vào trường học mà chẳng biết tên trường và không biết trường dạy môn gì, thì quả thật đáng buồn cười. Cũng vậy, khi thọ quy y mà không hiểu Tam Bảo, chưa biết Phật Pháp Tăng là giới luật mà chỉ cho đó là Phật Pháp Tăng thôi. Thậm chí như các vị tỳ kheo cũng chưa biết Phật Pháp Tăng là giới luật, chỉ biết ba ngôi Tam Bảo là nơi mình quy y mà thôi. Có người còn cho quy y Tăng là quy y theo các tăng hiện giờ. Cái lổi là các thầy truyền thọ quy y không khai ngộ rõ ràng về đại ý của Tam Bảo.
Hầu hết các thầy đều dựa vào sách Giới Đàn Tăng để làm lễ quy y và giải thích theo trong sách này khiến cho người phật tử chỉ hiểu lờ mờ, cho nên phật tử cũng như các Hòa thượng truyền thọ tam quy biến ông Phật thành ông thần, cho nên họ hay nói Tam Bảo gia hộ thì đủ biết họ xem ba ngôi Tam Bảo như là thần linh.
Đó là những cái hiểu lệch lạc Phật pháp thì làm sao con đường tu của đạo Phật tới đâu. Có hiểu đúng mới tu đúng, hiểu sai thì làm sao tu đúng được. Phật Pháp Tăng là ba giới thiện cao tuyệt nên thường sanh ra công đức vô lượng phước báu, phát huy diệu dụng vô tận, hưởng thọ vô cùng, lấy đó chẳng cạn, dùng nó chẳng hết, vô cực vô hạn, vô bến vô bờ. Trong thế gian chỉ cho vàng bạc châu báu là quý báu nhất, công dụng của nó là rất lớn cho nhu cầu vật chất thế gian. Phật Pháp Tăng có diệu dụng không cùng, thông cả thế gian và xuất thế gian (thế gian là lộ trình thứ nhất của cư sĩ, và xuất thế gian là lộ trình thứ hai của tu sĩ đạo Phật) nên được gọi là Tam Bảo. Tam Bảo là phước báu vô lượng vô biên, vàng bạc của báu chỉ là một phước báu nhỏ của vật chất thế gian, chẳng so được với phước báu Tam Bảo là phước báu rộng lớn phủ trùm cả thế gian và xuất thế gian, vì thế mới đáng gọi là Bảo.
Tam Bảo là pháp môn thiện nên khi đã quy y và nương pháp này thì phải được sự giáo hóa của nó khiến cho cuộc sống được bình an an vui hạnh phúc ở nhân gian và làm cho con người ở nhân gian lìa khổ được vui. Vì thế Tam Bảo là bảo vật quý nhất của loài người, cho nên Tam Bảo vượt qua khỏi mọi thứ quý báu của các thứ quý báu, Tam Bảo quý báu tột đỉnh.
Trước khi đi sâu vào giới luật, Thầy nhắc lại di chúc của đức Phật:
- "Này các thầy tỳ kheo, các thầy hãy sống tự mình làm ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa mình, không nương tựa vào một ai khác, lấy chánh pháp làm nơi nương tựa, không nương tựa vào một ai khác"
- "Này các thầy tỳ kheo, các thầy hãy lấy mình làm hòn đảo, làm chỗ ở vững chắc rồi hãy lấy giới luật của ta làm rào tường bao quanh bảo vệ. Hãy lấy giới luật của ta làm khuôn phép khép mình trong khuôn vàng thước ngọc này. Hãy lấy giới luật của ta làm kỷ luật cho chính mình, không hề vi phạm, trái phạm. Hãy lấy giới luật của ta làm thầy chỉ đạo tu tập, đừng nương tựa vào ai, đừng lấy ai làm thầy, làm tổ của mình".
Đó là lời của Phật ghi chép trong kinh Di Giáo hay kinh Du Hành hoặc là kinh Niết Bàn. Hồi nãy Thầy chỉ trích ra một phần nhỏ để chứng minh cho phần thọ tam quy, để quý thầy thấy giới luật của Phật xem ba ngôi Tam Bảo quý báu như thế nào. Qua lời dạy này của Phật rất đầy đủ và cặn kẽ. Quý thầy phải hiểu đây là lời di chúc cuối cùng trước khi đức Phật nhập niết bàn, Ngài đã lo cho đời sau, cho chúng ta phải lấy ông thầy giới luật làm ông thầy đúng, Ngài nhắc đi nhắc lại cho chúng ta nhớ mãi không quên. Nhưng vì người sau làm lệch lạc mất đi, làm chúng ta không thấy được giới luật mà chỉ thấy pháp dạy tu hành là pháp của Phật. Cho nên bây giờ Thầy hợp lại giới luật là giáo pháp của Phật, mà giới luật lại có giới hành. Giới hành không rời khỏi giáo pháp,cho nên chúng ta không gọi nó là giáo pháp, bởi giới hành là những hành động giới để chúng ta đạt được cái hạnh, cái đức và cái tuệ của giới luật.
Chúng ta tu tập các pháp thiện này với mục đích li tâm ham muốn của chúng ta ra, lìa các ác pháp ra, vì pháp thiện thì ác pháp phải không được xâm nhập vào, mà ác pháp là do lòng ham muốn sanh ra. Lòng ham muốn không có thì ác pháp không có, cho nên phải li dục. Khi li dục được thì ác pháp không có nữa, lúc đó tâm chỉ toàn thiện pháp. Tâm toàn thiện pháp thì bản chất nó là Phật Pháp Tăng. Cho nên chỉ chỗ li dục li bất thiện pháp này mới chấm dứt tái sanh luân hồi, bởi vì không li dục li ác pháp thì phải tái sanh luân hồi, không sao tránh khỏi. Có li dục li ác pháp được thì mới chấm dứt tái sanh luân hồi.
Bây giờ chúng ta biết có 4 cách nhập thai:
1- Người phàm phu khi nhập thai không biết mình nhập vào bụng mẹ, không biết mình trụ trong bụng mẹ, và không biết mình ra khỏi bụng mẹ. Đó là loại nhập thai thứ nhất gọi là bị mê muội nhập thai.
2.- Có người tu Chánh Niệm Tỉnh Giác Định, họ có đủ sức thức tỉnh, khi nhập thai vào bụng mẹ họ biết họ nhập thai vào bụng mẹ, nhưng không biết mình an trú trong bụng mẹ, không biết mình ra khỏi bụng mẹ. Chánh Niệm Tỉnh Giác Định ở mức này chỉ mới li bớt dục. Nghe người khác chửi mình không giận tức là có li dục rồi, li được tâm sân si phiền não của mình rồi. Nhưng đây chỉ mới li một phần nhỏ của bất thiện pháp cho nên mới có sức tỉnh này. Đó là loại nhập thai thứ hai
3.- Người tu tập Định Vô Lậu, nhờ sức tỉnh giác ở Chánh Niệm Tỉnh Giác Định, tâm tỉnh thức rất cao nên xả được bớt các lậu hoặc, và ngũ triền cái xả li được chút ít nên khi chết biết mình nhập thai vào bụng mẹ, biết mình an trú trong bụng mẹ, nhưng không biết mình ra khỏi bụng mẹ. Như vậy người này chỉ li dục li bất thiện pháp chút ít thôi nên còn mê khi xuất khỏi bụng mẹ. Đó là loại nhập thai thứ ba.
4.- Người tu tập Định Vô Lậu, nhờ sức tỉnh giác ở Chánh Niệm Tỉnh Giác Định, tâm tỉnh thức rất cao nên li dục li bất thiện pháp, khi thân hoại mạng chung biết mình nhập thai vào bụng mẹ, biết mình an trú trong bụng mẹ và biết mình ra khỏi bụng mẹ. Đó là loại nhập thai thứ tư. Chỉ có li dục li bất thiện pháp thì vô bụng mẹ biết, an trú trong bụng mẹ biết, ra khỏi bụng mẹ biết; như vậy là ta đi vào con đường Tứ thiền. Bởi đầu tiên chúng ta muốn đi vào Tứ thiền là phải li dục li bất thiện pháp để nhập Sơ thiền; con đường chúng ta đi từ Sơ thiền tới Tứ thiền là phải hoàn toàn li dục li bất thiện pháp cho sạch bóng, cho nên người này phải bắt đầu từ Sơ thiền đi vào.
Trong Tứ thiền, đã li dục li bất thiện pháp thì nhập thai là tự mình đi chứ có nghiệp nào lôi mình được, cho nên chỗ nói "biết" không đúng mà phải hiểu "tự tại" vì đã li hết dục rồi thì đâu có ác pháp nào lôi mình, phải tự mình đi. Trong kinh nói "Có người li dục li bất thiện pháp khi thân hoại mạng chung biết mình nhập thai". Thầy nói không phải "biết" đâu, mà “tự tại” ở trong bụng mẹ, mình muốn (an trú trong bụng mẹ) ba năm là ba năm, muốn hai năm là hai năm, vì đó là tự tại của mình, quyền lực của mình muốn điều khiển như thế nào thì theo ý mình, cho nên khi sanh ra thì mình cũng biết, ở trong bụng mẹ cũng biết mà khi nhập vào bào thai cũng biết, vì mình tỉnh táo, sức tỉnh quá cao. Cho nên khi chúng ta thấy người nào còn ngủ gục thì người đó đâu nhập Tứ thiền được. Người nhập được Tứ thiền thì hoàn toàn ngày đêm không ngủ, người ta nằm đó ngủ nhưng mà không mê, luôn luôn lúc nào cũng tỉnh thức mà trời sét không nghe. Chỗ vi diệu của đạo Phật là như vậy. Cho nên khi chúng ta tu hành được tới chỗ Tứ thiền này, chúng ta được tự tại sanh tử rất dễ.
Vì vậy đọc qua 4 cách nhập thai (tái sanh), chúng ta thấy rõ từ Tam Bảo này lưu xuất ra thiện pháp, tức là từ ba pháp thiện này chúng ta li dục. Li dục tức là đi dần về thiện pháp, càng ngày càng xa ác pháp. Tâm dục càng li thì ác pháp càng xa, mà đến khi toàn thiện li dục li bất thiện pháp thì tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh nhưng chúng ta không ức chế tâm, nên từ đó chúng ta đi vào Tứ thiền một cách rất tự tại, vì vậy mà chúng ta biết một cách rõ ràng.
Cũng như quý thầy ngồi đây, hít thở với hơi thở bình thường của quý thầy mà bắt buộc đừng nghe, đừng biết hơi thở để nhập Tứ thiền thì quý thầy đâu có làm được, vì tâm còn dục, tâm còn ác pháp thì làm sao thanh tịnh được. Cho nên ngồi đây mà không vọng tưởng, không rời hơi thở, mà thở nhẹ nữa thì thở không được vì hơi thở đang ở 3 giây, phải chi hơi thở 10 giây hay 20 giây thì không thấy hơi thở được. Còn quý thầy thở ra vô, ra vô liên tục mà bảo đừng nghe thì làm sao đừng nghe. Quý thầy thấy phương cách và sự tu tập của đạo Phật nó hay là ở chỗ này, cho nên người tu sai là sai, mà tu đúng là đúng. Biết liền.
Như ở đây Thầy biết các thầy như thầy Thiện Thuận, thầy Minh Tông Sơ thiền chưa nhập được, các thầy ấy đang tập sức tỉnh thức, nghĩa là tập sao cho đừng ngủ, mà không ngủ thì si hết, mà si hết thì ngũ triền cái hết tức là li dục li bất thiện pháp thì nhập Sơ thiền được, mà nhập Sơ thiền được thì Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền quý thầy ấy làm cái rẹt. Cho nên quý thầy ấy đang phá cái si của quý thầy ấy, đang tập tỉnh thức đó, hằng ngày quý thầy đang tập những cái đó. Còn các thầy khác chưa chắc làm được như Minh Tông, như Thiện Thuận vì chưa đủ sức tỉnh thức để tập như các thầy Minh Tông, Thiện Thuận được, quý thầy mà nằm xuống chỉ ba bốn hơi thở là đi tuốt luốc rồi. Còn người ta nằm 1, 2 giờ vẫn biết hơi thở ra vô thì đó là sức tỉnh thức cho nên người ta phá được chiêm bao, mà phá được chiêm bao thì người ta li được 18 loại tưởng, chứ nếu không thì bị lọt vào chiêm bao. Bây giờ các thầy ấy còn bị những trạng thái tham sân si đó vật tới vật lui, vô cùng khó khăn.
Trong 3 cái tham sân si thì si rất quan trọng. Người ta đang tập luyện để phá si, mà si không có thì tham không có và sân hết, thì ngũ triền cái bị quét ra hết. Đó là mấu chốt để đi vào li dục li bất thiện pháp.
Cho nên khi nghe nói các thầy này chưa li dục li bất thiện pháp, thì sự thật là họ chưa có đủ sức tỉnh giác. Họ tập riết thì thời gian nữa họ sẽ có đủ sức tỉnh giác. Như vậy quý thầy thấy cái chỗ tu tập của đạo Phật quá rõ ràng và cụ thể, không còn mơ hồ nữa.
Thầy biết rõ Minh Tông, Thiện Thuận chưa nhập được Sơ thiền bởi các thầy ấy hằng ngày chỉ tu tập hơi thở chứ chưa tu định Vô Lậu hay định Chánh Niệm Tỉnh Giác. Nhưng chính định Chánh Niệm Tỉnh Giác này cho chúng ta sức tỉnh thức, nó cho chúng ta nằm ngủ mà không bị mê tức là phá si mê. Những thầy này đang tập để phá cái ngủ của họ tức là phá cái si. Họ phá được cái si thì các lậu hoặc tham sân si bị quét ra sạch hết. Hễ có sức tỉnh thức thì lậu hoặc phải li ra thôi.
Hôm nay Thầy thêm phần này để quý thầy thấy lộ trình tu tập của các bậc thánh tăng thời xưa. Trước hết Thầy sẽ nói về ông Ananda, vì ông Ananda là bậc đa văn mà chưa chứng đạo nên quý thầy phải thấy chỗ tu của ông để lấy kinh nghiệm, sau đó quý thầy mới lấy kinh nghiệm của những bậc tu xong, tu chứng quả Alahán, chứ đầu tiên mà lấy kinh nghiệm của những bậc cao quá thì khi so sánh với sự tu tập của quý thầy thì khó với tới kinh nghiệm của họ. Cho nên Thầy phải sắp xếp từng bực thánh tăng cho phù hợp ở từng giai đoạn tu của quý thầy.
Ông Ananda chỉ nói kinh nghiệm trong khi theo Phật mà thôi. Đây là câu chuyện trong rừng Gosinga, kinh 32 Trung bộ, bài kinh này nói lên những kinh nghiệm của các vị đại đệ tử của đức Phật. Tôn giả Sariputta hỏi ông Ananda:
- "Này Hiền giả Ananda, khả ái thay khu rừng Gosinga! Ðêm rằm sáng trăng, cây Ta la trổ hoa cùng khắp, hương như được tỏa rộng khắp trời. Này Hiền giả Ananda, hạng Tỷ-kheo nào có thể làm chói sáng khu rừng Gosinga?
Quý thầy hãy lắng nghe những kinh nghiệm mà đức Phật khéo sắp xếp bài kinh này cho hợp đường lối tu tập của đạo Phật, bắt đầu phải tu cái gì trước. Đức Phật rất khéo sắp xếp cho ta thấy sự tu tập từ thấp lên cao trong quá trình tu tập. Đây là câu trả lời của ông Ananda:
- "Ở đây, này Hiền giả Sariputta, Tỷ-kheo nghe nhiều, gìn giữ điều đã nghe, tích tụ điều đã nghe".
Vậy ở đây ông Ananda muốn nói kinh nghiệm của ông nghe gì, tích tụ điều gì? "Những pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện". Ông Ananda bảo phải nghe các pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện cho kỹ, cho rõ ràng; nghe rồi thì phải giữ gìn và tích tụ những điều đã nghe, đừng để quên, "văn nghĩa cụ túc, nói lên phạm hạnh hoàn toàn thanh tịnh", Phạm hạnh đó phải thanh tịnh như thế nào, làm sao cho được thanh tịnh "những pháp ấy được vị ấy nghe nhiều và gìn giữ kỹ, được lập lại lớn tiếng, được ý tư duy, được tri kiến khéo quán sát". Sau khi nghe các pháp xong mình phải lập lại nhiều lần lớn tiếng, phải suy tư những điều đã nghe, phải khéo quan sát các tri kiến đó. "Vị ấy thuyết pháp cho bốn hội chúng", sau khi đã hiểu biết rõ ràng nhờ lập đi lập lại, suy tư kỹ càng, quan sát các tri kiến đó thì mình đem ra lập lại cho 4 hội chúng nghe "với văn cú viên dung, lưu loát, với mục đích đoạn trừ mọi tùy miên." Lập lại các văn cú với mục đích đoạn trừ mọi tùy miên.
Như Thầy đã dạy có 7 tùy miên. Như vậy ông Ananda sau khi nghe các pháp thiện của Phật, toàn bộ pháp của Phật là pháp thiện, thì đem ra dạy cho 4 chúng làm sao cho họ đoạn dứt 7 tùy miên. Ham ngủ là hôn trầm tùy miên; vọng tưởng là trạo cử tùy miên; sân kéo dài nhiều ngày là sân tùy miên; tham muốn gì kéo dài cho đến khi thực hiện là tham tùy miên; nghi ai mà kéo dài cái nghi đó là nghi tùy miên; còn lúc nào cũng có cái ngã của mình đó là ngã tùy miên. Mục đích của ông Ananda như vậy, chứ ông không nói thiền nói đạo gì hết, ông chỉ nói làm sao đoạn dứt các tùy miên đó. Đoạn dứt tùy miên chứ chưa hết, chỉ mới bớt tùy miên thôi.
CHỦNG LOẠI TAM BẢO
Đến đây quý thầy đã hiểu rõ Tam Bảo quý báu như thế nào rồi. Bây giờ chúng ta kê ra chủng loại Tam Bảo. Từ trên đại thể mà nói do sự bất đồng của sự tướng và lí thể mà có chủng loại Tam Bảo. Nay Thầy nói rõ để quý thầy nhận ra được chủng loại Tam Bảo cụ thể hơn qua sự tướng và lí thể của Tam Bảo:
1.- Trên sự tướng có trụ trì Tam Bảo và hóa tướng Tam Bảo. Không khéo nghe nói Tam Bảo rồi quý thầy tưởng ông Phật bằng xi măng là Tam Bảo hay kinh sách trong tủ là Tam Bảo, hay các ông thầy đi khất thực ngoài đường là Tam Bảo.
2.- Trên lí thể có nhứt thể Tam Bảo và lí thể Tam Bảo.
Trước tiên quý thầy phải biết nghĩa của Tam Bảo: Phật là người giác ngộ, tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn; Pháp là phép tắc, khuôn khổ khiến cho người ta hiểu được và có khả năng trau dồi, dứt bỏ các pháp ác, trau dồi và tăng trưởng các pháp lành; Tăng là sự hòa hợp mọi sự, chỉ có các vị tăng trong thời đức Phật mới có sự hòa hợp. Tăng bảo là chỉ cho các vị tăng đó, tăng chống trái nhau thì không thể gọi là tăng bảo.
Trên sự tướng Trụ trì Tam Bảo là:
1/ Tượng Phật chạm trỗ ngọc, đá mài khắc, vàng đúc nấu, đất xi măng đắp, gỗ chạm; sơn dầu, mực họa, thêu trên vải, vẽ trên giấy.Tượng Phật ấy là trụ trì Phật bảo.
2/ Tam tạng kinh điển hoặc là kí thực của chư đại đức xưa nay, kinh điển trong tủ, gọi là trụ trì pháp bảo.
3/ Tỳ kheo, tỳ kheo ni cạo tóc, mặc áo nhuộm sống hòa hợp trong chùa là trụ trì tăng bảo.
Sau khi đức Phật nhập diệt, mọi người phải nương tựa vào loại Tam Bảo này để nối tiếp huệ mạng Phật bảo, tinh thần Phật giáo và truyền bá giáo nghĩa Phật giáo. Hình thức này gọi là trụ trì Tam Bảo.
Trong đời nhà Tùy ở Trung Hoa không có trụ trì Tam Bảo vì nhà cầm quyền cấm người tu Phật, đốt kinh sách, sung công chùa, đập phá tượng Phật.
Trên lí thể có Hóa tướng Phật bảo: đức Phật Thích Ca Mâu Ni từ khi xuất gia tu hành thành Chánh Giác cho đến khi nhập diệt, tuy ông Phật mất rồi nhưng cái tướng không hề mất được. Từ khi ông tu hành cho đến khi nhập diệt, đức Phật Thích Ca là Phật bảo, không thể nói ông khác là Phật bảo được, không thể nói Phật Di Đà hay Phật Di Lặc là Phật bảo, không thể nào một tôn giáo mà có hai ba ông giáo chủ được, chỉ có Phật Thích Ca là giáo chủ thôi, chúng ta chỉ biết Phật Thích Ca là Phật bảo thôi. Phật Thích Ca là Hóa tướng Phật bảo. Nhiều người đem ông Phật Di Đà vô nói ông Phật Di Đà cũng là Phật bảo là không đúng vì ông Phật Di Đà có sáng lập cái tôn giáo Phật giáo đâu, ông Phật Di Đà chỉ là Phật được Phật Thích Ca giới thiệu để độ chúng sanh lên cõi Cực Lạc thôi. Cũng như ông Phật Di Lặc được Phật Thích Ca giới thiệu sẽ là vị Phật tương lai trong cõi ta bà này cho nên không thể nào nói Phật Di Lặc là Phật Bảo được. Chỉ có Phật Thích Ca là hóa tướng của Phật, là chỗ chúng ta gọi ông là Phật Bảo.
2.- Các giáo pháp đương thời Phật dạy các đệ tử, nghĩa là các giáo pháp của Phật dạy cho các đệ tử trong thời đức Phật mà bây giờ chúng ta học như Tam vô lậu học, Tứ Diệu Đế, Tứ niệm xứ, Tứ như ý túc,... là những Pháp Bảo.
3.- Các đệ tử của đức Phật Thích Ca đương thời là Tăng Bảo, như các ông Sariputta (Xá Lợi Phất), Moggallana (Mục Kiền Liên), Punna (Phú Lâu Na), Ananda (A Nan),... là cácTăng bảo. Khi họ nhập diệt, các hình ảnh của họ vẫn còn trong tâm chúng ta gọi là Hóa Tướng Tăng Bảo.
Hình ảnh Đức Phật đã nhập diệt, các pháp Phật dạy được truyền tụng, được ghi chép lại trong kinh sách, hình ảnh các Trưởng lão trong thời đức Phật còn trong tâm chúng ta là hóa tướng Tam Bảo.
Nhất thể Tam Bảo nghĩa là chỉ có một mình đức Phật mà có đủ ba bảo nên gọi là nhất thể Tam Bảo, cho nên thời đức Phật, một người cư sĩ đứng trước đức Phật xin quy y Tam Bảo là đủ rồi. Phật trong Tam Bảo Phật Pháp Tăng, mỗi điều riêng đều có công đức của Tam Bảo.
1/ PHẬT BẢO trong Tam Bảo
1a/ Đời sống của Phật thường năng chiếu, nghĩa là đức Phật luôn luôn giác chiếu, không mê mờ nên gọi là Phật Bảo.
1b/ Phật thường hay thuyết pháp, tự tại đối với pháp, có khả năng hũy trừ đau khổ vì thế gọi là Pháp Bảo. Nghĩa là đức Phật nói pháp là pháp bảo có khả năng hũy trừ đau khổ, có khả năng làm cho người ta hiểu rõ ràng, thấy được đường lối giải thoát rất rõ ràng cho nên gọi là Pháp Bảo.
1c/ Phật không tranh cải hơn thua với ai nên gọi là Tăng Bảo.
Cho nên chỉ có một mình Phật Thích Ca mà có đủ Tam Bảo, cho nên tuy quy y chỉ một Phật Thích Ca mà quy y Tam Bảo rất rõ ràng. Đó là quy y nhất thể Tam Bảo.
2/ PHÁP BẢO trong Tam Bảo
2a/ Bản thể của Pháp có đầy tánh sanh chư Phật vì thế gọi là Phật Bảo. Nghĩa là nếu nương vào pháp thì nó sanh ra chư Phật. Ông Phật là thiện mà mình nương vào pháp thiện thì nó sanh ra lòng thiện. Lòng thiện là Phật, vậy gọi là Phật Bảo. Cho nên nương vào Pháp thấy có Phật liền.
2b/ Bản thân của Pháp có công năng ủy trì. Nghĩa là ngay bản thân của pháp làm cho người ta sáng tỏ ra, làm cho người ta hiểu rõ ra gọi là Pháp Bảo, bởi vì bản thân của pháp làm cho người ta hiểu đường lối ác và thiện rất rõ. Như Thầy nói thập ác như thế nào, thập thiện như thế nào thì công năng ủy trì làm cho người ta sáng tỏ cái ấy ra, vì vậy gọi là Pháp Bảo. Tự nó làm cho người ta sáng ra, như không sát sanh thì như thế nào, mà sát sanh thì như thế nào. Sát sanh là làm cho chết con vật này hay con vật khác, không sát sanh thì con vật không chết, người ta thấy rõ ràng như vậy. Cái công năng trong pháp nó sanh ra cho chúng ta biết được pháp thiện là sao, pháp ác là sao, cho nên gọi là Pháp Bảo.
2c/ Pháp pháp thì bình đẳng, chẳng chướng ngại nhau, vì thế gọi là Tăng Bảo. Các pháp không chướng nhau, pháp ác thì rõ ràng pháp ác, mà pháp thiện cũng rõ ràng pháp thiện, như vậy các pháp thiện là thiện, các pháp ác là ác, các pháp không chướng nhau. Pháp thiện chướng nhau như khi mình tu thiền này chỉ trích thiền kia, hay khi mình giữ giới như vầy rồi chỉ trích giới của người khác; như vậy là không thiện, không thể gọi là Tăng Bảo. Ai làm sao thì kệ người ta, không chỉ trích ai thì đó mới là thiện, mới gọi là Tăng Bảo. Trong pháp không khen chê ai hết, ai làm gì thì làm, chẳng có tranh cải với ai hết thì đó mới là Tăng Bảo của Pháp.
3/ TĂNG BẢO trong Tam Bảo
3a/ Tăng thường quán chiếu là Phật Bảo. Tâm tu hành thì phải quán chiếu thì mới xả li, mới li dục li bất thiện pháp; tâm không li được giận hờn thì đâu quán chiếu. Tăng không quán chiếu thì chắc chắn không được gọi là Phật Bảo. Tăng mà quán chiếu li tất cả ham muốn của mình, li các ác pháp ra thì cái đó là Phật Bảo.
3b/ Tăng có cái dụng ủy trừ là Pháp Bảo, tức là tăng có hành pháp, có tùy pháp, có quán pháp, tức là cái dụng để cho mình lìa các triền cái, lìa các lậu hoặc của mình, làm cho tâm mình trở thành thiện pháp, xa lìa cái dục đi. Cái mà tăng tu tập như vậy, hành động như vậy, theo tùy pháp, theo hướng pháp thì cái đó gọi là Pháp Bảo. Ông tăng sử dụng cái đó thì gọi là Pháp Bảo, còn ông tăng không sử dụng cái đó, cứ để tâm giận hờn, tâm tham muốn, tâm phiền não hoài hoài thì không thể nào gọi là Pháp Bảo.
3c/ Tăng có cái thể hòa hợp là Tăng Bảo. Khi tăng biết như vậy thì phải như thế nào, một vị tăng mà đã có nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng thì đó là vị tăng hòa hợp. Biết tu tập để li dục li ác pháp thì đó là vị tăng hòa hợp, mà đã hòa hợp thì vị tăng đó sống luôn luôn lúc nào cũng nhẫn nhục, tùy thuận bằng lòng, lúc nào cũng vui lòng trước mọi đối tượng, vị tăng đó hòa hợp, mà vị tăng hòa hợp thì gọi là Tăng Bảo. Tăng có đủ bản chất của tăng thì gọi là Tăng Bảo.
Các Thầy thấy từ nhất thể của Phật thì nó cũng đủ Phật Pháp Tăng; từ nhất thể của Pháp bảo nó cũng có đủ Phật Pháp Tăng, từ nhất thể của Tăng bảo nó cũng có đủ Phật Pháp Tăng. Nó rõ ràng như vậy chúng ta mới biết nhất thể Tam Bảo rõ ràng.
2.- Trên Lí thể Tam Bảo.
Tam Bảo là thiện pháp sẳn có trong tất cả chúng sanh. Có chỗ nói Tam Bảo là Phật Tánh của chúng sanh. Một người chưa tu thì trong tâm của họ cũng có thiện pháp chứ không phải không, do lòng ham muốn của họ nên mới nãy sanh ra ác pháp, như vậy mỗi con người đều có thiện pháp nhưng do lòng tham muốn mà sanh ra ác pháp. Cho nên ở đây chúng ta không lấy Phật tánh chỉ cho thiện pháp, mà chúng ta đang tu học ở trong thiện pháp của Phật. Ba ngôi Tam Bảo này toàn là thiện cho nên Tam Bảo là thiện pháp sẳn có trong tất cả chúng sanh, bây giờ chúng ta chỉ trau dồi nó thôi, chúng ta tu tập để dứt trừ các ác pháp ra cho khỏi tâm.
Ông Khổng Tử nói "Nhân chi sơ tánh bổn thiện". Khổng tử chỉ nói trong chỗ cạn của ông thôi chứ sự thật chúng ta đã tích trử biết bao cái ác để sanh làm con người chịu quả khổ như vầy, chứ không có ác thì chúng ta đâu sanh làm con người để chịu khổ. Nếu thật sự con người "nhân chi sơ tánh bổn thiện" thì đâu sanh ra trong cõi này mà phải sanh ra trong cõi nào khác hoặc là chấm dứt sanh tử luân hồi rồi. Ông Khổng Tử chỉ thấy đứa bé sanh ra chưa biết gì hết, chỉ thấy nó khóc. Ông đâu biết đứa bé khóc là do nhân quả ác của nó. Nếu nó cười thì chắc là thiện rồi, mà có đứa bé nào sanh ra mà không khóc, có khóc thì các bà mụ mừng, chứ không khóc thì phải làm cho nó khóc.
Do sự tu tập dứt trừ các ác pháp, chuyển mê mà thành ngộ. Chuyển mê thành ngộ gọi là Phật bảo, chuyển khổ thành vui gọi là pháp bảo. Chuyển họa thành phước gọi là tăng bảo.
Trong lí thể Tam Bảo do mình trau dồi dứt trừ các ác pháp chuyển mê thành ngộ. Mình ngộ ra được chỗ thiện pháp thì không còn khổ nữa. Bởi vì giáo pháp của Phật là thiện pháp mà mình biết chuyển nó tức là mình chuyển được nhân quả, mà chuyển được nhân quả thì đó là Phật Pháp Tăng rất rõ ràng, cho nên mới gọi là lí thể Tam Bảo.
1.- Trên sự tướng có trụ trì Tam Bảo và hóa tướng Tam Bảo.
2.- Trên lí thể có nhứt thể Tam Bảo và lí thể Tam Bảo.
Tam Bảo tuy phân ra làm bốn loại, nhưng gồm lại thì có hai thứ tính chất sự và lí mà thôi. Sự tướng Tam Bảo là hiện thực cụ thể, vì thế rất dễ hiểu, còn lí thể Tam Bảo thì trừu tượng rất khó hiểu, nhưng chúng ta cũng dễ nhận ở đâu mà dục hết, ác pháp hết, tức li dục li bất thiện pháp hết, thì ở đó là lí thể Tam Bảo, là Niết bàn. Chúng ta li dục li bất thiện pháp thì đó là lí thể của Tam Bảo, còn nếu chúng ta không li dục li bất thiện pháp thì đâu gọi là lí thể Tam Bảo được.
Tín ngưỡng Phật giáo bắt đầu từ trụ trì Tam Bảo (tức thọ tam quy). Mục đích của tín ngưỡng trụ trì Tam Bảo là li dục li bất thiện pháp thể hiện lí thể Tam Bảo. Chỗ li dục li bất thiện pháp là thực hiện sự giải thoát thực sự. Lìa ra những tâm ham muốn của mình, lìa ra những ác pháp đầy ắp trong đầu óc của mình là thực hiện sự giải thoát thực sự.
Mục đích của trụ trì Tam Bảo (hay thọ tam quy) là li dục li bất thiện pháp, chứ đâu phải là chúng ta biết Phật Pháp Tăng để Phật Pháp Tăng phù hộ chúng ta đâu. Chúng ta biết Phật Pháp Tăng để chúng ta li lòng ham muốn của chúng ta ra, tức là diệt các ác pháp trong tâm chúng ta, thì làm sao còn cầm gươm cầm súng giết người. Lí thể Tam Bảo là vậy. Cho nên li dục li bất thiện pháp là thể hiện lí thể Tam Bảo. Bởi vậy không có trụ trì Tam Bảo thì không làm sao li dục li bất thiện pháp được, nghĩa là nếu không thọ trì trụ trì Tam Bảo tức không quy y Tam Bảo thì làm sao chúng ta biết li dục li bất thiện pháp. Khi nhìn ba ngôi Tam Bảo thì người ta biết đó là những bậc li dục li bất thiện pháp, người ta nương vào đó mà li dục li bất thiện pháp nơi tâm của mình. Như vậy, không có trụ trì Tam Bảo thì không làm sao li dục li bất thiện pháp để thể hiện lí thể Tam Bảo, nghĩa là chúng ta không thọ Tam Quy, không có hình ảnh trụ trì Tam Bảo thì làm sao chúng ta li dục li bất thiện pháp. Mà không nhận thấy được chỗ li dục li bất thiện pháp là lí thể Tam Bảo thì trụ trì Tam Bảo cũng không làm sao an lập được. Nếu không li dục li bất thiện pháp được (Lí Thể Tam Bảo) thì dù có chùa, có kinh sách nhiều đi nữa cũng không thể an lập Trụ Trì Tam Bảo được, cho nên người ta vẫn cầm súng cầm dao giết người được. Đó là người ta không an lập được Trụ Trì Tam Bảo.
Cho nên Thầy kết án loại sư không hiểu Phật pháp, tức không có lí thể Tam Bảo đã làm cho Phật pháp suy đồi, để người ta giết người trong thế gian như thế này. Đó là những nước có Phật giáo được xem là quốc giáo. Chúng ta thấy ở đó có trụ trì Tam Bảo quá rõ ràng (chùa nhiều, kinh sách nhiều) mà lí thể Tam Bảo (li dục li bất thiện pháp) thì không có gì hết, cho nên hình ảnh Tam Bảo ở đó thật là máu xương.
Chùa gì mà nghe mùi sát khí, mùi tanh của thịt cá. Cho nên Hòa thượng Huệ Hưng nói đến khu vực chùa của quý sư Nam tông nghe sát khí lạnh lùng. Ngồi nói chuyện với các sư đó, họ ăn thực phẩm gì thì mồ hôi họ có mùi đó, ăn thịt heo thì có mùi heo, ăn thịt gà vịt thì có mùi gà vịt, vì vậy mà mùi mồ hôi của họ là mùi mồ hôi của phàm phu tục tử, bất tịnh.
Do vậy Trụ Trì Tam Bảo thể hiện không đúng cách li dục li bất thiện pháp thì lí thể Tam Bảo không bao giờ có. Trụ trì Tam Bảo là nhân, lí thể Tam Bảo là quả. Trụ trì Tam Bảo thiện thì mới thực hiện quả thiện. Trụ trì Tam Bảo ăn thịt chúng sanh là quả ác, nên lí thể Tam Bảo là ác, là giết hại chúng sanh; trụ trì Tam Bảo ăn thịt chúng sanh thì không thể nào có lòng từ bi hỉ xả đối với chúng sanh được.
Người cư sĩ tại gia phải hiểu rõ điều này thì mới xin THỌ TAM QUY. Thọ tam quy tức thọ ba giới đầu tiên của đạo Phật.
Ở đây, chúng ta phải hiểu trong Tam Bảo, Phật bảo là tôn kính nhất, Pháp bảo là cao hơn hết, Tăng bảo là trọng yếu hơn hết. Cho nên khi Tăng bảo không ra gì thì nó sẽ làm lệch Phật Bảo và Pháp Bảo. Một vị tăng mà giới luật không nghiêm chỉnh thì đạo Phật bị sa đọa, trái lại một vị tăng giới luật nghiêm chỉnh, thiền đức sâu mầu, trí tuệ tuyệt luân thì Phật giáo hưng thịnh. Dù trong đất nước đó chỉ có một ông thầy thôi thì Phật giáo ở đất nước đó vẫn hưng thịnh. Dù cho đất nước có hằng vạn ông tu sĩ nhưng không có giới luật nghiêm chỉnh, thiền đức không sâu mầu, trí tuệ không tuyệt luân thì Phật giáo ở đất nước đó vẫn bị suy đồi.
Bởi vậy sau khi đức Phật nhập diệt, đạo tràng của Phật giáo phải do Tăng Bảo trụ trì, nghĩa là Tăng Bảo phải giữ gìn giềng mối đạo Phật, kinh điển của Phật phải do Tăng Bảo bảo tồn và truyền bá văn hóa Phật giáo. Nếu không phải là Tăng Bảo truyền bá thì không thể bảo tồn hay truyền bá kinh sách Phật được. Tín đồ Phật giáo phải do Tăng Bảo tiếp dẫn.
Lúc đức Phật còn tại thế, Phật giáo lấy đức Phật làm trọng tâm, nghĩa là lấy đức Phật làm Phật, lấy lời đức Phật giảng làm Pháp, lấy cuộc sống của Phật làm Tăng hòa hợp. Khi đức Phật nhập diệt rồi thì lấy Tăng thay Phật nên tin theo tăng, do vậy ngày nay nói tín ngưỡng Phật giáo phải lấy Tăng Bảo làm chỗ quy y thì phải cung kính Tăng bảo. Trong hàng ngũ tăng sĩ hẳn có rồng rắn lẫn lộn nên trong kinh sách Đại thừa có một câu kinh dạy "tỳ kheo phá giới vẫn có đủ tư cách làm thầy trời người".
Như đức Phật mới có thể làm thầy trời người được vì có đủ 3 đại lực: đại oai lực, đại thần lực, đại minh lực. Nếu chỉ có oai lực thôi thì chưa đủ. Tại sao đức Phật nói đại oai lực, đại thần lực, đại minh lực. Đại oai là oai nghi tế hạnh, một tu sĩ có oai nghi tế hạnh thì khi ra đường chỉ ngó xuống đất, không nhìn qua lại, bước đi nhẹ nhàng thanh thoát; đó là oai nghi của tu sĩ. Đại minh lực là trí tuệ của tu sĩ. Đại thần lực là thiền định. Cho nên chỉ người có đủ 3 đại oai lực đó mới xứng đáng là thầy trời người.
Tam Bảo là nền tảng niềm tin sâu vào thiện pháp của Phật để chúng ta trau dồi thân tâm. Do đó mà Tam Bảo là gương hạnh sống của người tu đạo Phật, từ đó chúng ta ở trong thiện pháp, lấy gương hạnh đó của Tam Bảo để li dục li bất thiện pháp. Cho nên sau khi bước vào cửa Phật thì chẳng được rời nền tảng này, nghĩa là dù chúng ta có tu tới đâu thì nền tảng Tam Quy cũng chẳng rời bỏ được, bởi nó là cuộc sống hằng ngày của tu sĩ, dù cho chúng ta có chứng đạo quả cao siêu (chứng 3 oai lực) thì nền tảng Tam Quy này phải ngày càng rõ nét. Tam quy là viên đá đầu tiên kiến trúc đạo nghiệp thiện. Công trình kiến trúc dù vĩ đại đến đâu thì viên đá đầu tiên này là vẫn là viên đá đứng đầu trong các viên đá khác.
Quy y Tam Bảo có 6 bậc:
1. Khuyên bà Tam Quy. Khuyên bà nghĩa là bắt đầu
2. Ngũ Giới Tam Quy. Sau khi tin Phật, thọ thêm ngũ giới vì ngũ giới này ở trong Tam Quy nên có tên Ngũ Giới Tam Quy.
3. Theo Thầy thấy bát giới quan trai là người cư sĩ tập tu theo hạnh của người tu sĩ. Trong vai trò của người cư sĩ phải thọ Thập Thiện Tam Quy, tức thọ 10 pháp lành sau đó thọ Bát Quan Trai mới đúng. Chỗ này nên thêm phần THỌ THẬP THIỆN TAM QUY, bởi người cư sĩ thọ ngũ giới rồi thì phải thọ thập thiện mới đúng. Khi thọ Bát Quan Trai là tập dần để người cư sĩ trở thành người tu sĩ.
Theo giới bổn chỉ có 5 bậc, nhưng trong giới hạnh, đức Phật dạy thập thiện rất rõ về các hành động thân có 3 thiện, khẩu có 3 thiện, và ý có 4 thiện. Trong giới bổn người ta coi thường thập thiện, người ta sơ sót nên không thấy thập thiện, họ bỏ thập thiện. Thầy căn cứ giới kinh thêm phần thập thiện vào chỗ này chúng ta mới thấy quy y Tam Bảo có 6 bậc chứ không phải chỉ có 5 bậc như trong giới bổn. Trong sách giới của giới bổn chỉ để 5 bậc thọ tam quy ngũ giới. Vì không biết nên họ đã bỏ thọ Thập Thiện Tam Quy, Thầy thấy người cư sĩ phải thọ Thập Thiện Tam Quy để thực hành thập thiện trong đời sống của họ, họ phải biết thiện, ác như thế nào để sửa mình. Cho nên Thầy căn cứ vào giới kinh thêm phần Thập Thiện Tam Quy vào mới thành ra có 6 cấp bậc trong thọ tam quy.
Như vậy kế mới là
4. Bát Quan Trai Tam Quy.
5. Thập Giới Tam Quy. (Giới của Sa di, Sa di ni. Bắt đầu lộ trình của người tu sĩ, bắt đầu là người cắt ái li gia)
6. Cụ Túc Giới Tam Quy. Từ tam quy đó sinh ra cụ túc giới cho nên tỳ kheo, tỳ kheo ni vâng thọ đại giới 248 giới tỳ kheo, 348 giới tỳ kheo ni.
Tam Quy chẳng những là căn bản của tất cả giới mà còn là căn bản của sự tu tập hằng ngày của người phật tử. Tam Quy là gốc sanh ra Phật pháp, cho nên Phật giáo Nam Tông xem Tam Quy rất quan trọng, họ xướng Tam Quy rất trịnh trọng.
Nhưng theo Thầy nghiên cứu việc xướng Tam Quy của Phật giáo Nam Tông chỉ bằng danh từ suông để hành trì thôi, và cũng xướng Tam Quy mê tín để khấn nguyện cho người. Thầy thấy đó chỉ là hình thức vì người thấm nhập Tam Quy thì không thể thực hiện ác pháp cầm súng cầm dao giết người. Còn về mê tín, cũng như phía Bắc Tông, họ nói Tam Quy gia hộ cho mình thế này thế khác. Họxướng Tam Quy có hình thức mê tín để khấn nguyện cho người là làm mất tính cách thiện pháp của Tam Quy. Vì thế tu sĩ Nam tông hành Tam Quy bằng miệng lưỡi, đời sống họ chẳng giống Phật chút nào. Họăn thịt chúng sanh. Họ dựa vào các bộ luật phi luật của người đời sau nên không có giới lí, giới hành rõ ràng, làm cho người tu thiền Nam tông sanh ra các loại thiền ngớ ngẩn, chẳng biết cách thức nhập định. Họ tự kiến giải ra loại thiền Minh Sát Tuệ.Họ thực hành vô thường, khổ, vô ngã, bằng cách ức chế tâm nương theo hành động bụng phồng xẹpcủa bụng theo hơi thở, dựa vào những kiến giải quá tầm thường. Họ dựa vào bài kinh của Phật lấy định Niệm Hơi Thở và định Vô Lậu câu hữu không đúng cách, lấy Tứ Niệm Xứ làm thiền quán sai chẳng rõ trong Tứ Niệm Xứ có 3 tướng nhân tướng, hành tướng và đặc tướng, biến Tứ Niệm Xứ thành loại thiền quán sai bét. Họ chẳng biết Tứ Niệm Xứ là niệm lực, tâm còn niệm thì sao gọi là thiền. Vậy mà họ gọi Tứ Niệm Xứ là trái tim thiền định. Người ngu si biến pháp hành của đạo Phật thành thiền định điên khùng, cho nên không thể nhập được 4 thánh định của đạo Phật, che dấu bằng lập luận vô minh "đời mạt pháp không ai nhập định được”. Họ không nhận ra được định là do li dục li ác pháp mà tâm có định, vì thế mọi pháp hành thiền định của họ toàn là pháp ức chế tâm và nén tâm cho nên tu hành chẳng đi đến đâu, rất uổng.
QUY Y TAM BẢO NHƯ THẾ NÀO?
Sau khi chúng ta đã có khái niệm về quy y Tam Bảo rồi thì phải nên quy y Tam Bảo. Lúc đức Phật còn tại thế thì quy y Tam Bảo không dùng nghi lễ gì hết, như người đệ tử cư sĩ đầu tiên quy y Tam Bảo với đức Phật là cha của Yassa (Gia Du) đã nói 3 lần như sau: "Con nay xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng; cúi xin đức Thế tôn nhận con làm Ưu bà tắc từ nay cho đến trọn đời". (Ưu bà tắc là cư sĩ nam, còn cư sĩ nữ là Ưu bà di). Vì đức Thế tôn là nhất thể Tam Bảo nên có đủ 3 ngôi Phật Pháp Tăng và cha của Yassa chỉ xin quy y sau khi đã nghe đức Phật thuyết pháp. Sau khi nghe 3 lần lời xin thì đức Phật làm thinh tỏ sự bằng lòng chấp nhận lời thỉnh cầu, từ đó người này được xem là thọ quy y Tam Bảo rồi.
Tại sao chỉ có một mình đức Phật mà đức Phật cho thọ Tam Quy? Phật chưa thuyết pháp làm sao có Pháp bảo, Tăng chưa độ làm sao có Tăng bảo. Trước đây Thầy đã giảng từ nơi đức Phật có đủ 3 ngôi Tam Bảo Phật Pháp Tăng:
Phật có khả năng giác chiếu nên gọi là Phật Bảo.
Phật thuyết pháp tự tại vô ngại nên có khả năng hũy trì nên gọi là Pháp Bảo.
Phật không hí luận, tranh luận vì thế gọi là Tăng Bảo.
Do từ một đức Phật có đủ 3 ngôi Tam Bảo, do vậy Gia Du (cha của Yassa) quy y đức Phật mà không thiếu một bảo nào nên đã thành quy y Tam Bảo, còn thiếu thì quy y Tam Bảo chẳng thành. Tăng già đầu tiên của đức Phật là khi độ được 5 anh em Kiều Trần Như thì hóa tướng Tam Bảo mới đầy đủ, còn trước khi chưa độ 5 anh em Kiều Trần Như thì quy y Tam Bảo thì chỉ là quy y chỗ nhất thể Tam Bảo. Nhất thể Tam Bảo là chỉ có mình đức Phật, còn hóa tướng Tam Bảo là đức Phật và 5 anh em Kiều Trần Như, (và sau này chúng tăng tỳ kheo ngày càng đông thì cũng là hóa tướng Tăng Bảo).
Sau đó đức Phật còn truyền tam quy hai người lái buôn và một vị long vương rồi đến 5 anh em Kiều Trần Như đều là chỗ quy y Nhất Thể Tam Bảo, nghĩa là đức Phật độ cho 3 vị cư sĩ đầu tiên là Nhất Thể Tam Bảo, sau đó mới độ năm người tu sĩ là cho 5 anh em Kiều Trần Như cũng là Nhất Thể Tam Bảo. Các vị tu sĩ Kiều Trần Như này cũng phải trải qua quy y Tam Bảo, rồi ngũ giới, thập thiện giới, rồi đến 250 giới, nghĩa là những người tu sĩ này được trở thành tỳ kheo thì cũng phải trải qua các cấp bực đó, chứ không phải họ thọ 250 liền với đức Phật đâu.
Giới bổn mãi 13 năm sau mới ra đời khi chúng tỳ kheo đã phạm giới, phạm pháp, còn trước đó chúng tỳ kheo thanh tịnh, không phạm giới, phạm pháp. Như vậy giới bổn không có giá trị như giới kinh vì giới kinh lưu xuất từ tâm tự tại vô ngại của đức Phật nói pháp. Pháp Bảo là giới kinh.
Trong kinh tạng Nikaya câu nói quy y Tam Bảo thật rất đơn giản và đầy đủ ý nghĩa, chỉ nói như sau: "Nay chúng con xin quy y tôn giả Gotama, quy y pháp và quy y chúng tỳ kheo tăng. Mong tôn giả nhận chúng con từ nay trở đi cho đến mạng chung, chúng con trọn đời quy ngưỡng". Có một câu khác nữa: "Nay con xin quy y Thế tôn, quy y pháp và quy y chúng tỳ kheo tăng. Mong Thế tôn nhận con làm cư sĩ từ nay trở đi cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng". Khi nghe bài thuyết pháp xong rồi, ngộ được lí của đạo Phật rồi, các người này quỳ xuống trước đức Phật và xin cho mình được trọn đời đến ngày mạng chung được quy ngưỡng theo Tam Bảo. Nói như vậy 3 lần. Đó là câu trong kinh dạy quy y Tam Bảo rất tự nhiên đơn giản, thật tâm thật tình, chứ không cuội giống như trong Giới Đàn Tăng theo các tổ, nghĩa là người quy y nhắc lại y lời của vị thầy nói trước. Đó là kiểu quy y cuội như trong Giới Đàn Tăng. Tâm thành của người quy y đâu có cuội như vậy, họ phải tự nhiên nói lên lòng của mình, hay chí ít cũng phải học trước cho thuộc lòng câu nói như thế nào cho hợp lòng mình, chứ không cuội nhắc lại lời của ông thầy quy y cho mình.
Nói 3 lần câu đó là chánh thọ tam quy giới.
SAO LÀ TAM KẾT
Tức là được vị Thầy hứa khả chấp nhận lời quy y đó. Chỗ trọng yếu của quy y là nói lên 3 lần chánh thọ Tam Quy, nhận lấy giới thể vô tác (hạnh sống) của tam quy. Cũng ở chỗ chánh thọ này tuy đơn giản nhưng sự quy y như vậy trong một bầu không khí trang nghiêm vắng lặng và trang trọng tạo cho người quy y Tam Bảo cảm giác như có sự thiêng liêng thâm u huyền diệu biết bao. Lời nói quy y chân thật tự tận đáy lòng của một hai người quy y làm cho họ cảm thấy sự quy y của họ thiêng liêng, huyền diệu vô cùng, làm cho thiện pháp thấm nhuần trong tâm hồn họ. Từ ngày quy y đó họ không muốn ăn thịt chúng sanh. Chứ có đâu như ngày nay đã quy y Tam Bảo rồi mà các cư sĩ vẫn còn ăn nuốt thịt chúng sanh. Họ không thấy Phật pháp là thiện pháp.
Câu nói chánh thọ Tam Quy tuy đơn giản nhưng lời nói rõ ràng mạch lạc; nói ra câu nào, chữ nào cũng nhấn mạnh tự tâm hồn tha thiết hướng về người cha lành tuyệt đối chẳng thôi.
Giới sư đại sư Hoằng Đức nói người xuất gia hay tại gia lúc thọ Tam Quy trọng yếu nhất có hai điểm: thứ nhất là người thọ Tam Quy phải chú ý đến nghĩa của quy y Tam Bảo, thứ hai là ngay lúc thọ quy y, vị thầy chịu trách nhiệm quy y phải giảng nói rõ, trong văn ngôn của mình phải rõ ràng cho người nghe dễ hiểu dễ nhận, bằng chẳng vậy chẳng đắc Tam Quy, hoặc cách xa nghe không rõ cũng chẳng đắc Tam Quy, hoặc tuy nghe mà vẫn còn vài điểm chưa hiểu thông mà không chịu thưa hỏi để giải nghi cũng chẳng đắc Tam Quy.
Nhiều khi vị thầy cho cả năm bảy trăm hay cả ngàn người cùng thọ Tam Quy trong một lễ, có những người trong lễ thọ Tam Quy mà ngủ, không nghe gì cả. Tam Quy tuy là đơn giản nhưng thật sự đắc giới thể Tam Quy chẳng phải dễ dàng đâu vì đắc giới thể Tam Quy thì sống phải giống theo Phật Pháp Tăng. Nếu tự biết không đắc giới thể Tam Bảo thì chẳng ngại gì đến vị bổn sư hoặc vị thầy khác thọ quy y một lần nữa. Nghi thức thọ quy y đại quy mô của tập thể nhiều hơn ba người là chẳng thể tin cậy được người quy y đắc giới thể Tam Bảo. Pháp quy y đó chỉ là gieo trồng căn lành cho họ mà thôi.
Người thọ Tam Quy chỉ cầu một vị thầy thanh tịnh giới hạnh cho quy y ở trước hình ảnh Phật 3 lần, mỗi lần nói lên với tâm thành tha thiết Tam Quy Tam Kết là được.
Trong Tam Quy chính hạnh có tám mục:
1. Người thọ Tam Quy phải dâng cúng hoa quả đèn, hay là những hình thức của lễ tam quy chỉnh tề, rồi đến đảnh lễ một vị thầy thanh tịnh giới hạnh lên tòa quy y (lên chỗ ngồi để làm lễ hộ y cho mình)
2. Vị thầy đó đốt 3 cây hương, quỳ xuống đảnh lễ trước Tam Bảo rồi mới thỉnh chư Phật mười phương ba đời chứng minh cho hôm nay mình (vị thầy) đại diện Phật Pháp Tăng để thọ quy y cho vị đệ tử đó.
3. Vị thầy lên tòa khai thị ý nghĩa của Tam Quy cho vị đệ tử.
4. Người thọ quy y nguyện sám hối những lổi lầm đã làm từ trước để 3 nghiệp thanh tịnh để nhận Tam Quy không phạm không uế. Khi chưa quy y, thân mình ăn thịt, giết hại chúng sanh, có những ác pháp tham sân si của thế gian, cho nên khi được nghe vị thầy khai thị cho mình hiểu ý nghĩa của Tam Quy rồi thì người thọ quy y quỳ trước vị thầy đó xin sám hối, và xin quy y Tam Bảo liền. Nếu tâm mình đầy ác pháp mà chưa sám hối, chưa thanh tịnh thì làm sao nhận thêm 3 pháp thiện vào. Pháp thiện với pháp ác làm sao sống chung nhau được.
5. Thọ Tam Quy, Tam Kết và Tam Thệ. Trong Giới Đàn kinh có giảng rõ Tam Quy, Tam Kết và Tam Thệ. Nhưng Thầy thấy cần thiết là chúng ta thọ Tam Quy và sự chấp nhận của vị thầy đại diện cho 3 ngôi Tam Bảo, là đủ. Còn tam thệ để dành cho phần tôn giáo của người khác. Tam thệ không phải của Phật giáo, chúng ta bỏ tam thệ. Tu thì được phước báu, mà không tu thì quy y thiên thần quỷ vật gì cũng được, muốn làm ác thì ai cấm, đâu bắt buộc người ta ở với mình mà người ta khổ. Cho nên Phật giáo không bắt buộc một tín đồ nào hết, được thì ở tu, mà không được thì cứ ra, chúng ta không có tam thệ.
6. Sau khi quy y xong, vị thầy đứng ra có lời khuyến chúc nói rõ phần nương theo Tam Bảo đem lại kết quả gì cho đời sống của người thọ tam quy. Trong sách nói như sau: Lời khuyến chúc nói rõ công đức thù thắng và người thọ Tam Quy phải vâng làm thực hành cho đúng để được kết quả hữu ích khi bước vào cổng nhà Phật. Tuy lời viết ngắn gọn như vậy nhưng chúng ta phải biết rằng khi vị thầy khuyến chúc nói khi chúng ta thực hành đối với 3 ngôi Tam Bảo để đem đến hạnh phúc của gia đình như thế nào và những người xung quanh được giải thoát an vui như thế nào, cuộc sống của chúng ta an vui như thế nào trong đời sống hiện tại.
7. Sau khi được khuyến cáo, người thọ quy y phải đảnh lễ thầy tỏ lòng tri ân.
8. Người thọ Tam Quy hứa khả vâng lời dạy và đối với Tam Quy Phật Pháp Tăng không biếng trể, nghĩa là hành động Phật Pháp Tăng như thế nào thì mình cố gắng khắc phục cho được ba thiện pháp này.
Đến đây thọ Tam Quy xong.
Theo đạo Phật không có nghĩa là thọ Tam Quy suông mà phải có hành Tam Quy giới, tức là sống thay đổi theo giới sau khi quy y.
Có 4 điều kiện phải hành:
1- Thông hiểu những gì chưa thông hiểu. Đầu tiên là cần phải hiểu Phật pháp thêm, không phải quy y Tam Bảo rồi là đủ mà phải tìm hiểu Phật pháp thêm.
2- Trau dồi những gì cần phải trau dồi. Người quy y Tam Bảo rồi phải ăn chay, nhỏ nhẹ với mọi người trong gia đình. Đó là trau dồi được phần này, nhưng còn trau dồi nhiều cái khác nữa, còn phải tiếp tục trên con đường đem lại an vui hạnh phúc cho mình, cho người rất nhiều nữa.
3- Tu tập những gì cần tu tập.
4- Dứt bỏ những gì cần dứt bỏ. Nếu có ghiện rượu, ghiện thuốc thì phải tự bỏ cho hết.
Ba giới đầu tiên này, người cư sĩ cứ theo 4 điều kiện trên đây mà tu tập. Hằng ngày sống đúng giới hạnh của tam quy chắc chắn sẽ có một đời sống hạnh phúc an vui thiết thực hiện tại không có thời gian.
Đến phần giới hành, Thầy sẽ chỉ dạy tu tập 3 giới đầu tiên này.
NGŨ GIỚI
Từ 3 giới đầu tiên này sanh ra Ngũ Giới. Ngũ giới là gì? Ngũ giới là 5 giới cấm cũng còn gọi là 5 thiện pháp. Kế đến cũng từ 3 giới đầu tiên này sanh ra Thập Thiện. Thập thiện là gì? Là 10 điều lành còn gọi là 10 giới cấm. Kế đến nữa, từ 3 giới đầu tiên này sanh ra Bát Quan Trai Giới. Bát Quan Trai Giới là gì? Là 8 cửa ải phải vượt qua mới thanh tịnh được thân tâm, còn gọi là 8 giới cấm, còn gọi là 8 thiện pháp.
Những giới cấm này đều của hàng cư sĩ tu tập trau dồi những thiện pháp mà thôi. Muốn thành tựu những thiện pháp này, người cư sĩ phải lấy giới hành trau dồi Tứ Vô Lượng Tâm, Tứ Chánh Cần, phải tu tập Thánh Phòng Hộ 6 Căn, phải tu tập Chánh Niệm Tỉnh Thức Định, tu tập Vô Lậu Định. Nghĩa là trong lộ trình của người cư sĩ phải tu tập những pháp định này. Phải lấy giới pháp thực hành Quán Pháp, Tùy Pháp, Hướng Pháp, Tịnh Pháp, nghĩa là lúc bấy giờ người cư sĩ phải học, phải biết cho rõ các pháp hành như thế nào, các giới pháp như thế nào để thực hành. Trong thực hành có các pháp Quán Pháp, Tùy Pháp, Hướng Pháp, Tịnh Pháp (pháp làm tâm thanh tịnh), khi tịnh tâm thì li dục li bất thiện pháp.
Giới luật trong đạo Phật, trên đại thể, gồm có hai loại khác nhau: Tiệm khí giới và Đốn lập giới. Tiệm khí giới (chỉ cho sự tu tập lần lần) chỉ cho tam quy ngũ giới, bát quan trai giới, thập thiện giới là giới tại gia hay giới của người cư sĩ, còn gọi là pháp lành của người cư sĩ.
Không thọ Tam Quy, Ngũ Giới, Bát Quan Trai Giới, Thập Thiện Giới thì sẽ không thọ được 10 giới Sa di. Không thọ 10 giới Sa di hay Sa di ni thì sẽ không thọ được giới Tỳ kheo hay Tỳ kheo ni. Trong quá trình từ Sa di ni tiến vào Tỳ kheo ni còn phải thọ giới pháp của Thức xoa ma na (giai đoạn thử thách).
Do cần phải tuần tự tiến lên từng cấp thiện pháp này cho nên cho nên gọi là Tiệm Khí Giới. 2 chúng tại gia cọng chung 5 chúng xuất gia thành ra 7 chúng đệ tử Phật đều lấy Tiệm Khí Giới để được danh phận theo thứ tự.
Đốn Lập Giới chỉ là Bồ Tát Giới của kinh Phạm Võng và kinh Anh Lạc. Bồ Tát Giới là Giới Biệt Giải Thoát ở ngoài 7 chúng giới (Tiệm Khí Giới). Giới này không phải từ Tam Quy Giới lưu xuất ra, chỉ do các tổ đặt ra. Trong Đốn Lập Giới không cần thọ các giới trên (Tiệm Khí Giới) mà vẫn thọ được Bồ Tát Giới.
Tam Quy lưu xuất ra các giới, thế mà trong Đốn Lập Giới không cần thọ Tam Quy vẫn thọ được Bồ Tát Giới. Đốn Lập Giới là một thứ giới do các tổ chế ra để phá giới luật của đạo Phật mà chẳng ai dám nói. Tam Quy là mẹ sanh ra các giới hay nói cách khác, Tam Quy là nơi sanh ra các pháp lành, còn Bồ Tát Giới không do Tam Quy sanh ra mà do các tổ sanh ra nên không thọ Tam Quy mà thọ Bồ Tát Giới vẫn được. Đó là bằng chứng cho thấy Bồ Tát Giới không phải là giới luật của Phật.
Nội dung của Ngũ giới
1.- Không sát sanh.
2.- Không trộm cắp.
3.- Không tà dâm.
4.- Không vọng ngữ.
5.- Không uống rượu.
Nội dung của Thập Thiện:
1.- Không sát sanh.
2.- Không trộm cắp.
3.- Không tà dâm.
4.- Không vọng ngữ.
5.- Không nói lưỡi hai chiều.
6.- Không nói thêu dệt.
7.- Không nói lời hung ác.
8.- Không tham.
9. Không sân.
10.- Không si.
Nội dung của Bát Quan Trai Giới:
1.- Không sát sanh.
2.- Không trộm cắp.
3.- Không dâm dục. Ở Bát Quan Trai Giới khác với Ngũ giới và Thập Thiện về điều này: trong ngày Bát Quan Trai Giới tâm tư không được nhớ nghĩ vợ con. Không dâm dục là phải hoàn toàn trong sạch. Đây là quan trọng cho người cư sĩ đi vào lộ trình thứ hai của người tu sĩ.
4.- Không vọng ngữ.
5.- Không uống rượu.
6.- Không đeo tràng hoa, hương thơm, không xoa dầu thơm, không ca múa và biểu diễn các bộ môn nghệ thuật.
7.- Không ngồi nằm giường cao rộng lớn.
8.- Không ăn phi thời.
Đó là sự tập luyện để bước vào lộ trình của vị sa di của đạo Phật. Trong Bát Quan Trai Giới có 8 điều giới nhưng bao gồm 9 điều giới đầu của Thập Giới Sa di, chỉ không có điều thứ mười "Không cất giữ tiền bạc của báu" của Thập Giới Sa di. Như vậy trong Bát Quan Trai Giới đem hai điều giới 6 và 7 của Thập Giới Sa di hợp lại thành điều giới thứ 6 của Bát Quan Trai Giới.
Chỗ khác biệt của Bát Quan Trai Giới và Sa Di Thập Giới là chỗ Bát Quan Trai Giới chỉ thọ trì một ngày một đêm trong suốt ngày trai không dâm dục, chẳng giống như Sa Di Giới phải giữ không dâm dục trọn đời, và người Sa di không được cất giữ tiền bạc trong khi người cư sĩ không cấm điều này. Cho nên người thọ Bát Quan Trai Giới chỉ thọ trì 8 giới (tương đương 9 giới của Sa Di) trong một ngày và một đêm và trong một tháng hay một tuần thọ trì một ngày, trong khi người Sa Di thọ trì 10 giới suốt đời, vì người Sa Di là người cư sĩ đã bước vào lộ trình thứ hai của tu sĩ đạo Phật. Có nghĩa là khi người cư sĩ đã tu tập thọ Bát Quan Trai Giới, đã có hướng đi vào lộ trình thứ hai xuất gia, cho nên người Sa Di đã là người cư sĩ tập luyện thuần thục ở thọ Bát Quan Trai.
Lộ trình Sa Di sẽ đi đến quả vị giải thoát cao nhất của nó là Alahán. Bát Quan Trai Giới là phương pháp tập sự của cư sĩ để tiến vào lộ trình thứ hai vượt sanh thoát tử. Nguồn gốc đại họa chính yếu của sanh tử là ở tại hai đại họa dâm dục và ăn uống. Có ăn uống thì mới có dâm dục, không ăn uống thì không dâm dục. Sắc dục và ẩm thực là nguyên nhân biến chúng sanh thành chúng sanh, ăn uống là trợ duyên tăng trưởng của sanh tử, dâm dục là nguyên nhân căn bản của sanh tử. Tất cả chúng sanh đều do chẳng đoạn dâm dục vì thế chẳng lìa sanh tử. Tất cả chúng sanh vì do tham luyến, khoái lạc dâm dục làm trợ duyên cho con cháu sau này bị khổ đau, tự thân cũng bị sợi dây sanh tử trói buộc. Chúng sanh có dâm dục là bẩm sinh, sự giao tiếp hai tánh nam nữ hình thành sự dâm dục phải do sự no ấm. No ấm thuộc về ăn mặc. Ăn trọng yếu hơn so với mặc trong sự sanh dâm dục; vì thế dâm là căn bản của sanh tử mà ăn là trợ duyên cho sanh tử. Nếu vượt ra ngoài dâm dục và ăn uống là liễu sanh thoát tử.
Khi một người nhập Tứ thiền tịnh chỉ hơi thở, các hành đều ngưng, ngồi 7, 8 ngày không còn thấy đói khát là đã vượt ra ăn uống và dâm dục rồi, đó là làm chủ sanh tử. Trong tam giới, cõi trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng của Vô sắc Giới không còn có niệm dâm nhưng chẳng lìa tưởng thực, do thế chẳng ra khỏi sanh tử. Vì vượt qua sanh tử là phải giới không dâm, mà ức chế dâm dục là phải thọ trai giới. Sinh hoạt lộ trình xuất gia xuất thế bắt đầu thực hiện từ chỗ giới dâm và trường chay. Dâm dục do ăn uống đầy đủ mới nổi dậy, chính vì thế trường chay là giới điều thứ 8 không ăn uống phi thời (Phật còn dạy không ăn uống no), như vậy ăn ngày một bữa rất quan trọng cho con đường tu hành của đạo Phật.
Nghe sự giải thích Bát Quan Trai Giới như vầy, quý vị sẽ không hài lòng vì trong Bát Quan Trai Giới có 8 giới mà chỉ giải thích hai giới dâm và ăn. Mục đích thọ Bát Quan Trai Giới là bắt đầu sự tu tập chấm dứt sự luân hồi, cho nên hai giới này rất quan trọng vì thế phải giải thích cho rõ ràng.
Năm giới đầu của Bát Quan Trai Giới khác với Ngũ Giới là ở chỗ giới không dâm và giới không tà dâm. Giới thứ 6 và giới thứ 7 là những giới hành gián tiếp giới dâm, những hành động đó đều là môi giới phóng túng dâm dục, đều thuộc phạm vi dâm. Bởi vậy Bát Quan Trai Giới là giới trừ dâm dục và tiết chế ăn uống.
Bát Quan Trai Giới là một giới hạnh trong Tam Quy mà ra. Ở đây người cư sĩ chỉ sống một ngày một đêm, còn người tu sĩ thì phải hằng sống, lấy đó làm cuộc sống hằng ngày của mình.
Đời sống của người xuất gia mặc y hoại sắc cho nên người tại gia cư sĩ khi thọ Bát Quan Trai Giới cũng phải ăn mặc y phục mộc mạc, thô xấu, không trang điểm như giới thứ 6 và thứ 7 đã dạy. Đó là hạnh sống giải thoát của người tu sĩ đạo Phật.
Trong thời đức Phật tại thế có một bà quyền uy có tiền của địa vị lớn lao trong xã hội, bà tên là Tỳ Xá Sư Mẫu, có một lần đi đến bái kiến đức Phật, khi đến gần cửa tịnh xá Kỳ Viên, bà mới nhớ những trang sức trên thân đều là những vòng hoa anh lạc chiếu sáng ngời. Bà biết rằng đi bái kiến đức Phật mà còn đeo châu ngọc là không nên, nhưng trở về nhà cổi đồ trang sức thì bất tiện vì xa, do thế bà cổi vòng hoa anh lạc bỏ ở gốc cây trong tịnh xá, bà mộc mạc không trang sức đi bái kiến đức Phật. Quý thầy thấy khi đến diện kiến đức Phật là phải như vậy, phải không có trang sức làm đẹp trong phương diện nào.
Đến đây là chúng ta đã hoàn chỉnh lộ trình thứ nhất trong giới luật của đạo Phật, nói cách khác là chúng ta đã tu tập đúng các thiện pháp của đạo Phật.
Chúng ta sẽ qua lộ trình thứ hai, lộ trình của người xuất gia.