Có Năm Cách Sống (Bài 1)
(Trưởng lão Thích Thông Lạc, trích Người Phật Tử Cần Biết 4, TG.2011, tr.75-83)
Nguồn: Sách: Người Phật Tử Cần Biết - Tập 4
LỜI PHẬT DẠY
CÁC LOẠI TƯỞNG
Đức Phật nhắc nhở chúng ta có năm cách sống của một người tu theo Phật Giáo, nhưng trước tiên chúng ta phải tìm hiểu các loại tưởng như Phật đã dạy: “Ta phải sống với tâm không có tưởng”. Vậy bằng cách nào chúng ta sống với tâm không có tưởng? Muốn sống với tâm không có tưởng thì phải hiểu biết có bao nhiêu thứ tưởng.
Tưởng gồm có 33 loại tưởng: 1/ Sắc tưởng 2/ Thinh tưởng 3/ Hương tưởng 4/ Vị tưởng 5/ Xúc tưởng 6/ Pháp tưởng 7/ Vọng tưởng 8/ Mộng tưởng 9/ Giới tưởng 10/ Định tưởng 11/ Tuệ tưởng 12/ Nhãn tưởng 13/ Nhĩ tưởng 14/ Tỷ tưởng 15/ Thiệt tưởng 16/ Thân tưởng 17/ Ý tưởng 18/ Nhãn tưởng thông 19/ Nhĩ tưởng thông 20/ Tỷ tưởng thông 21/ Thiệt tưởng thông 22/ Thân túc tưởng thông 23/ Tha tưởng thông 24/ Không vô biên xứ tưởng định 25/ Thức vô biên xứ tưởng định 26/ Vô sở hữu xứ tưởng định 27/ Phi tưởng phi phi tưởng xứ định 28/ Khí công tưởng 29/ Nội công tưởng 30/ Ngoại công tưởng, 31/ Nhân điện tưởng 32/ Khinh công tưởng 33/ Trọng công tưởng.
Ba mươi ba loại tưởng này do đâu mà có? Do hằng ngày sống trong tâm tư có nhiều ảo vọng, trừu tượng nuôi dưỡng bằng niềm tin, nên tưởng uẩn hoạt động như: Đồng, cốt; hoặc do bệnh tật ngặt nghèo; hoặc do tai nạn đột ngột khiến cho tưởng uẩn hoạt động như các nhà ngoại cảm; hoặc do dùng tưởng tập luyện như các nhà tập Nhân điện, Khí công, Võ công, các nhà Thôi miên, các nhà sư Mật Tông, Thiền Tông, Tịnh Độ Tông, Nam Tông, v.v... những tôn giáo cầu cơ, cầu hồn và các thầy phù thủy đánh thiếp, đi thiếp, v.v...
Sắc tưởng nghĩa là gì? Sắc tưởng là những hình ảnh đã qua của mọi người còn lưu lại từ trường trong không gian do tưởng uẩn bắt gặp. Sắc tưởng là những hình ảnh do tưởng uẩn trong ta biến hóa lưu xuất hiện hình như: Nhà, cửa, sông, núi, đất, đá, ánh sáng, hào quang, người, vật, Thần, Thánh, ma, quỷ, linh hồn người chết, cõi Cực Lạc, Thiên Đàng, Tiên, Phật, Ngọc Hoàng Thượng Đế, Chúa Trời, v.v…
Thinh tưởng nghĩa là gì? Thinh tưởng là những âm thanh do tưởng uẩn trong ta biến hóa lưu xuất hiện hành phát ra âm thanh như: Tiếng nói chư Thiên, tiếng kêu, tiếng hú, tiếng la, tiếng thét, tiếng chuông, tiếng mõ, tiếng khóc, tiếng rên, tiếng tụng kinh, niệm chú, tiếng nói đối đáp trong ta, tiếng gọi tên, tiếng tác ý, v.v… mà chỉ có mình ta nghe, hoặc một vài người nghe được do có tu tập tưởng định, hoặc do hoang tưởng, hoặc do rối loạn thần kinh.
Hương tưởng nghĩa là gì? Hương tưởng là những mùi thơm hay mùi thối do tưởng uẩn trong ta biến hóa lưu xuất hiện hành phát ra mùi hương thơm hay thối như vậy. Mùi hương này nhận được chỉ có người có tưởng hoạt động, hay người tu thiền sai pháp lọt vào định tưởng mà nhận được mùi hương này.
Vị tưởng nghĩa là gì? Vị tưởng là những mùi vị cay, đắng, mặn, ngọt....do tưởng uẩn trong ta biến hóa lưu xuất hiện hành phát ra mùi vị ấy như vậy. Mùi hương này nhận được chỉ người có tưởng hoạt động, hay người tu thiền sai pháp lọt vào định tưởng mà nhận ra được mùi vị này.
Xúc tưởng nghĩa là gì? Xúc tưởng là những cảm giác nơi thân, nóng, lạnh, đau, nhức, ngứa, tê, mệt nhọc, v.v…do tưởng uẩn trong ta biến hóa lưu xuất hiện hành phát ra những cảm thọ như vậy. Xúc tưởng này nhận được chỉ có người có tưởng hoạt động, hay người tu thiền sai pháp lọt vào định tưởng mà nhận được cảm thọ này. Cảm thọ này có ba cách: Thọ lạc Thọ khổ Thọ bất lạc bất khổ Pháp tưởng nghĩa là gì?
Pháp tưởng là những lời nói, câu kinh tiếng kệ có nghĩa lý mơ hồ, trừu tượng, không rõ ràng thường khéo léo xảo luận để lừa đảo người khác do tưởng uẩn trong ta lưu xuất hiện hành phát ra ngôn ngữ như vậy. Pháp tưởng này có được là nhờ có tưởng hoạt động, hay do tu thiền sai pháp lọt vào định tưởng nên pháp tưởng hiện ra.
Vọng tưởng nghĩa là gì? Vọng tưởng là những niệm khởi trong tâm của chúng ta, do thất tình lục dục thúc đẩy ý thức tưởng sinh ra.
Mộng tưởng nghĩa là gì? Mộng tưởng là giấc chiêm bao thực hiện qua sự hoạt động của tưởng uẩn theo tâm trạng thất tình lục dục.
Giới tưởng nghĩa là gì? Giới tưởng là những giới luật của ngoại đạo đặt ra để tu hành. Ví dụ: Giới hạnh của con bò, giới hạnh của con chó, giới hạnh ngồi thiền đau chân cũng phải ngồi cho hết giờ, giới hạnh ngâm mình trong nước lạnh, giới hạnh tu đứng, giới hạnh tu ngồi, giới hạnh tu nằm, giới hạnh tu đứng một chân, giới hạnh ăn quá ít, giới hạnh lõa thể, giới hạnh ăn phân bò...Tất cả những giới hạnh này gọi là giới khổ hạnh do tưởng uẩn nghĩ ra và bảo rằng: Ai giữ gìn sẽ được giải thoát, sau khi chết sẽ được cộng trú với Trời Phạm Thiên. Nhưng sự thật không ai giữ giới này có giải thoát, thường là chịu khổ đau và cũng không cộng trú với Phạm Thiên được.
Định tưởng nghĩa là gì? Định tưởng là một loại thiền định ức chế tâm như: Thiền Đại Thừa, Thiền Đông Độ, Niệm Phật Tịnh Độ Tông, niệm chú Mật Tông, Thiền Minh Sát Tuệ, Lục Diệu Pháp Môn, Quán Niệm Hơi Thở, Sổ Tức Quán, Chăn trâu, Công Án Tham Thoại Đầu, Thiền Tri Vọng, v.v...
Tuệ tưởng nghĩa là gì? Tuệ tưởng là những sự hiểu biết do tưởng uẩn hoạt động nghĩ ra. Tất cả những triết học, những giáo lý của các tôn giáo, những sự mê tín trong dân gian đều do tưởng tuệ của con người.
Nhãn tưởng nghĩa là gì? Nhãn tưởng là cái nhìn thấy của tưởng uẩn không phải bằng nhãn thức (nhục nhãn) của chúng ta.
Nhĩ tưởng nghĩa là gì? Nhĩ tưởng là cái nghe âm của tưởng uẩn không phải bằng nhĩ thức (nhục nhĩ) của chúng ta.
Tỷ tưởng nghĩa là gì? Tỷ tưởng là cái ngửi mùi của tưởng uẩn không phải bằng tỷ thức ( nhục tỷ) của chúng ta.
Thiệt tưởng nghĩa là gì? Thiệt tưởng là cái nếm mùi vị của tưởng uẩn không phải bằng thiệt thức (nhục thiệt) của chúng ta.
Thân tưởng nghĩa là gì? Thân tưởng là cái cảm xúc của tưởng uẩn không phải bằng cảm xúc thân thức (nhục thân) của chúng ta.
Ý tưởng nghĩa là gì? Ý tưởng là cái nghĩ ngợi phân biệt của tưởng uẩn không phải bằng ý thức (ý căn) của chúng ta.
Nhãn tưởng thông nghĩa là gì? Nhãn tưởng thông là một loại thần thông của ngoại đạo thấy mọi vật cách xa ngàn dặm còn gọi là thiên nhãn tưởng thông. Nhĩ tưởng thông nghĩa là gì?
Nhĩ tưởng thông là một loại thần thông của ngoại đạo nghe âm thanh xa ngàn dặm còn gọi là thiên nhĩ tưởng thông.
Tỷ tưởng thông nghĩa là gì? Tỷ tưởng thông là một loại thần thông của ngoại đạo ngửi mùi hương xa ngàn dặm còn gọi là thiên tỷ tưởng thông. Thiệt tưởng thông nghĩa là gì?
Thiệt tưởng thông là một loại thần thông của ngoại đạo nếm được mùi vị cách xa ngàn dặm còn gọi là thiên thiệt tưởng thông.
Thân túc tưởng thông nghĩa là gì? Thân tưởng thông là một loại thần thông của ngoại đạo biến hóa muôn hình, vạn trạng còn gọi là thần tưởng túc thông.
Tha tưởng thông nghĩa là gì? Tha tưởng thông là một loại thần thông của ngoại đạo hiểu biết chuyện quá khứ vị lai của mọi người còn gọi là tha tâm tưởng thông.
Không vô biên xứ tưởng định nghĩa là gì? Là một loại định không vô biên xứ tưởng trong bốn định vô sắc của ngoại đạo.
Thức vô biên xứ tưởng định nghĩa là gì? Là một loại định thức vô biên xứ tưởng trong bốn định vô sắc của ngoại đạo.
Vô sở hữu xứ tưởng định nghĩa là gì? Là một loại định vô sở hữu xứ tưởng trong bốn định vô sắc của ngoại đạo.
Phi tưởng phi phi tưởng xứ định nghĩa là gì? Là một loại định phi tưởng phi phi tưởng xứ tưởng trong bốn định vô sắc của ngoại đạo.
Khí công tưởng nghĩa là gì? Khí công tưởng là người dùng tưởng uẩn điều khiển khí lực.
Nội công tưởng nghĩa là gì? Nội công tưởng là người dùng tưởng uẩn điều khiển nội lực.
Ngoại công tưởng nghĩa là gì? Ngoại công tưởng là người dùng tưởng uẩn điều khiển ngoại lực.
Nhân điện tưởng nghĩa là gì? Nhân điện tưởng là người dùng tưởng uẩn điều khiển điện lực trong thân người.
Khinh công tưởng nghĩa là gì? Khinh công tưởng là người dùng tưởng uẩn điều khiển sức nhẹ như bông.
Trọng công tưởng nghĩa là gì? Trọng công tưởng là người dùng tưởng uẩn điều khiển sức nặng như núi đá.
Tóm lại trên đây là 33 loại tưởng mà Đức Phật đã dạy cho chúng ta đừng tu tập, đừng ham mê, mà luôn luôn phải sống trong ý thức: 1/ Ta phải sống với tâm không có tưởng. Xin các bạn nhớ lời dạy này trong khi tu tập.
Như vậy khi tu tập thiền định có những trạng thái an lạc, có những ánh sáng hào quang và các loại sắc tưởng; có những tiếng nói và những âm thanh kỳ lạ; có những mùi hương thơm cũng như mùi thối; có những mùi vị cam lộ hay những mùi cay đắng; có ngộ những pháp tưởng dù lời Phật dạy, Tổ dạy cũng đều không chấp trước phải bỏ xuống. Dù quý bạn tu tập có lục thông thì như lời Phật dạy các bạn cũng đừng chấp trước, mà hãy buông bỏ sạch. Các bạn đừng cho đó là định tướng mà cứ ôm định tướng đó là các bạn sẽ chết theo Ma. Thiền định mà các bạn tu tập có những trạng thái tưởng lưu xuất thì các bạn nên cảnh giác, coi chừng lạc vào tà thiền, tưởng định mà trở thành bệnh thần kinh (điên khùng). Chứ không có ích lợi gì cho bạn đâu.
Xin các bạn lưu ý, thiền định của Phật không tu tập như vậy mà phải luôn luôn tác ý ly dục, ly ác pháp, xả tâm diệt ngã. Tu tập rất bình thường không ức chế, với một tâm bất động trước các pháp và các cảm thọ, chứ không có định tướng và thần thông nào cả. Cuối cùng chúng tôi xin lưu ý các bạn hãy nên nhớ lời Phật dạy: “Ta phải sống với tâm không có tưởng”.
***