1.- NGỒI THIỀN NHẬP ĐỊNH; 2.- NHÂN QUẢ XINH ĐẸP; 3.- NẾU CON NGƯỜI KHÔNG ĂN THỊT; 4.- PHẬT GIÁO BÀ LA MÔN GIÁO; 5.- NGHE PHÁP KHÔNG ĐƯỢC TRANG ĐIỂM
(Trưởng lão Thích Thông Lạc, trích ĐVXP, tập 7, TG.2011, tr.76-79; 139-142; 219-222; 333-336; 342-343)
Link sách: ĐVXP, tập 7
1.- NGỒI THIỀN NHẬP ĐỊNH
Hỏi: Kính thưa Thầy! Con được theoThầy tu học nhiều năm, chỉ thấy Thầy làm việc nhiều để chúng rảnh rang tu học,
Thầy thì chẳng thấy ngồi thiền nhập định ngày nào hết. Vậy sao mà Thầy nhập định tháng này qua tháng khác được?
Ðáp: Từ khi làm Phật sự giúp đỡ người tu, Thầy không có thời gian ngồi thiền nhập định một vài tháng, chỉ ngồi nhập định 1, 2 giờ khuya để dưỡng sức lo cho chúng.
Tháng 8 cuối năm 1991 Thầy vào thất với chúng tu tập, lúc bấy giờ Thầy mới có dịp nhập định được 7 ngày và 15 ngày để làm gương cho chúng và cũng không còn có thì giờ nhập định lâu hơn, vì phải ở ngoài để lo sự tu tập của chúng. Lỡ chúng tu sai, điên khùng Thầy chịu trách nhiệm nên không dám lơi lỏng.
Nhưng đó là nhập định chơi cho quý Thầy biết mà thôi, chứ nhập định không phải tập ngồi nhiều mà chỉ tập pháp hướng cho có hiệu quả để truyền lệnh nhập định, chứ không phải ngồi lim dim như con cóc từ giờ này đến giờ khác.
Người tu thiền định, muốn nhập định mà không tập luyện pháp hướng tâm, chỉ tập ngồi thiền cho nhiều thì sẽ nhập định con cóc, chứ không có nhập định nào được cả. Vì thiền định của Phật từ giới sinh ra định chứ không phải từ định sinh ra định.
Người muốn nhập các định thì tu tập pháp như lý tác ý (hướng tâm) mới điều khiển nhập được các định. Bởi vì, các loại định đều có sự tịnh chỉ các hành trong thân khác nhau như sau:
1- Sơ Thiền, tịnh chỉ ngôn ngữ.
2- Nhị Thiền, tịnh chỉ tầm tứ.
3- Tam Thiền, tịnh chỉ tưởng (hỷ).
4- Tứ Thiền, tịnh chỉ hơi thở.
Người tu tập pháp hướng tâm chỉ cần ralệnh tịnh chỉ trạng thái nào hoặc hành tướngnào ở định đó, thì trạng thái hay hành tướng ở định đó liền tịnh chỉ (ngưng), nhập vào định đó.
Ðừng hiểu lầm là phải tập ngồi thiền cho nhiều, ngồi nhiều từ từ sẽ nhập định này rồi đến định khác, đó là người không hiểu thiền định. Thiền định không thể tu tập nhập theo kiểu đó được, tu tập theo kiểu đó chỉ rơi vào các loại tà định (tưởng định). Tu như vậy, chẳng ích lợi gì, không bao giờ làm chủ sanh, già, bệnh, chết được, mà ngược lại chỉ nuôi thiền miệng, thiền lưỡi, chỉ nhập thiền tuởng.
Ðiều quan trọng của sự tu tập thiền định là phải tu tập “xả tâm diệt ngã, ly dục ly ác pháp”, nhờ đó tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh mới chỉ tịnh chỉ được các hành thì mới nhập các định, nhất là nhập Tứ Thiền hơi thở phải tịnh chỉ. Do đó, an trú trong định 1, 2 ngày rất dễ dàng mà không thấy đau nhức, mỏi mệt gì cả.
Khi tập luyện pháp hướng có đạo lực thì hành giả muốn nhập định lúc nào cũng dễ dàng và nhập bao lâu cũng được tùy theo loại định. Vì thế, đức Phật mới gọi đó là: “Ðịnh Như Ý Túc”. Cho nên khi tâm ly dục, ly ác pháp xong thì mới tu tập thiền định, còn tâm chưa ly dục, ly ác pháp mà tu thiền định thì đó thiền cóc, thiền ngồi, thiền tưởng.
Cho nên, muốn tu tập nhập định cho đúng thiền của Phật giáo như trên đã nói thì phải tu tập giới luật và giữ gìn giới hạnh cho nghiêm chỉnh không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào thì mới nhập định được. Rất mong quý vị hiểu cho.
2.- NHÂN QUẢ XINH ĐẸP
Hỏi: Kính thưa Thầy! Kiếp này dâng hoa lên cúng dường Tam Bảo, nếu kiếp sau được làm người thì sẽ có thân xinh đẹp, phải không thưa Thầy?
Ðáp: Theo kinh nhân quả phát triển đã dạy: dâng hoa lên cúng dường Tam Bảo, kiếp sau sinh làm người sẽ được thân xinh đẹp. Ðiều này không thực tế, không đúng theo tinh thần từ bi của đạo Phật.
Cây hoa là một loài thảo mộc, đang có một sự sống, thế chúng ta trực tiếp cắt hoa hoặc gián tiếp mua hoa làm cho bông hoa mất sự sống, rồi đem lên dâng cúng dường Tam Bảo thì còn ý nghĩa gì khi cành hoa đẹp lại bị cắt lìa thân mẹ của nó. Rồi chúng ta nghĩ tưởng rằng, dâng cúng hoa như vậy thân sau sẽ đẹp xinh.
Luật nhân quả không cho phép làm điều ác đức này, vì ít hôm cành hoa sẽ rơi rụng, tàn úa, cành hoa sẽ hôi thối, rõ ràng là một sự chết của cành hoa, còn đâu là đẹp nữa. Ai đã làm cho cành hoa tàn úa và đem đến sự chết cho nó? Có phải là người dâng cúng hoa không?
Hành động nhân quả như vậy là hành động ácmà hành động làm ác như vậy thì làm sao có thân sinh ra đẹp đẽ được? Nếu người nào thường cắt hoa dâng cúng Phật thì thân sau phải xấu xí vì có hành động sát hại hoa làm cho hoa mau tàn héo úa (xấu xí).
Như trong kinh Nguyên Thủy Phật dạy: “Ở đây này thanh niên Subha có người đàn bà hay người đàn ông phẫn nộ, nhiều phật ý, bị nói đến một chút thời bất bình, phẫn nộ, sân hận, chống đối và tỏ lộ phẫn nộ, sân hận, bất mãn. Do nghiệp ấy thành đạt như vậy, thành tựu như vậy sau khi thân hoại mạng chung, nếu không sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục, được sanh làm người thì thân sắc xấu xí, con đường ấy đưa đến xấu sắc, này thanh niên Subha tức là phẫn nộ, sân hận, bất mãn”. Ðoạn kinh này được rút ra từ kinh Trung Bộ tập 3 bài kinh Tiểu Nghiệp phân biệt trang 477.
Bông hoa cắt chưng, làm đẹp cho con người, chứ không phải làm đẹp cho chư Phật.
Khi nhìn cành hoa bị cắt nếu là chư Phật thì rất là đau lòng. Cỏ mà đức Phật còn không nỡ giẫm đạp huống là cắt hoa.
Loài người không ý thức được nhân quả nên lấy sự chết của loài hoa làm đẹp cho mình. Là đệ tử của Phật, dù là cư sĩ hay tu sĩ, chúng ta hãy thực hiện lòng từ bi như đức Phật, biết thương xót sự sống của muôn loài.
Loài người lấy sự chết của chúng sanh làm sự sống cho mình, làm đẹp đẽ cho mình, thì bảo sao đời không khổ, trừ khi con người muốn thoát khổ thì hãy chấm dứt những hành động cực ác này. Nếu không chấm dứt, mãi mãi muôn đời thọ lấy tai ương, khổ nạn. Ðó cũng chính là cái vô minh của con người từ muôn kiếp; đó cũng chính là thiếu lòng yêu thương sự sống của muôn loài vạn vật.
Hành động cắt hoa dâng lên cúng dường Tam Bảo là hành động ác đức, chỉ có kinh sách phát triển ngoại đạo là dạy những điều phi đạo đức đó, khiến cho sự cắt hoa chưng cúng trở thành một phong tục quá tàn nhẫn và ác đức. Cho nên, hiện giờ mọi người đến chùa thường dâng hoa cúng Phật thật là đau lòng.
Chúng ta là những người tu theo Phật giáo thì phải lấy lòng thương yêu đối với sự sống của muôn loài trên hành tinh này. Vì có thương yêu sự sống của muôn loài thì mới chính thương yêu mình.
3.- NẾU CON NGƯỜI KHÔNG ĂN THỊT
Hỏi: Kính thưa Thầy, nếu con người không ăn thịt chúng sanh thì trên trái đất này gà, vịt, bò, chó, ngựa, cá tôm, và tất cả loài động vật khác, sẽ sinh sôi nẩy nở chật đất, nhất là gà, vịt, heo, dê, bò, ngựa thì nhà cửa đất đai ở đâu chứa cho hết?
Ðáp: Theo định luật nhân quả, cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không.
Khi người ta càng ăn thịt chúng sanh, thì chúng sanh lại càng sanh ra nhiều hơn nữa.Nếu người ta không ăn thịt chúng sanh thì chúng sanh lại không sanh ra. Tại sao vậy? Vì chúng sanh có sanh ra tức là có diệt mất. Cho nên, có sự tàn nhẫn sát hại và ăn thịt chúng sanh thì chúng sanh phải chịu mọi sự khổ đau sinh ra. Ðó là nhân ác, là những hành động ác của mọi người. Chính nhữnghành động ác đó tạo ra nghiệp quả khổ, và nghiệp quả khổ này chiêu cảm, tương ưng liền sanh ra tất cả loài chúng sanh để trả quả giết hại do mọi nguời tạo tác bằng cách để cho chúng sanh khác giết chúng ta ăn thịt trở lại.
Nếu chúng ta không giết hại và không ăn thịt chúng sanh, thì chúng sanh không sanh ra, đó là nhân quả thiện. Do nhân quả thiện nên không có chúng sanh sinh ra để ăn thịt lẫn nhau trở lại. Nếu con người không ăn thịt chúng sanh thì trên quả đất sẽ không có chúng sanh hung dữ, độc hại, chỉ có chúng sanh hiền lành và số lượng sanh ra rất ít. Tại sao vậy? Khi con người không giết hại và ăn thịt chúng thì tâm của họ ít dục hơn; tâm dục íthơn thì sự sanh sản ít hơn. Do đó, nếu con người không ăn thịt chúng sanh thì trái đất này, không bao giờ có tràn ngập chúng sanh.
Bằng chứng, con người hiện giờ vì ăn thịt chúng sanh nên tâm ác nhiều và tâm dục thì dẫy đầy, nên con người cũng sanh nhiều để thọ lấy quả khổ cùng nhau.
Con người ít dục thì sự sanh sản cũng ít, sanh sản ít thì việc làm ác cũng ít, và chúng sanh sinh ra cũng ít. Với đôi mắt phàm phu của con người, chúng ta không nhìn thấu hết qua lốt nghiệp của mỗi chúng sanh. Ví dụ, một người đang cắt cổ một con gà, tiếng con gà kêu là do người ấy nhẫn tâm vặn tréo hai cánh con gà, đạp dưới chân rồi tiếp tục cắt cổ, con gà giãy giụa với toàn sức lực của nó, nhưng không làm sao thoát khỏi bàn tay hung ác của con người. Người giết con gà ấy đâu có biết rằng, có thể mình đang cắt cổ mẹ mình. Khi còn sống bà thường giết gà cách này để làm thực phẩm ngon cho các con ăn, bây giờ trả quả thì chính các con của bà đã cắt cổ bà để làm thịt bà cho con chúng nó ăn, tức là cháu bà.
Luật nhân quả vay một mạng con gà chết, phải trả 10 mạng con gà ở kiếp hiện tại và còn tiếp tục mang kiếp con gà ở kiếp sau nữa và còn nhiều kiếp sau hơn nữa, tức là phải chịu cắt cổ nhổ lông và nhúng nước sôi 10 lần, 100 lần, 1000 lần. Ở trên đời này, chúng ta làm một điều ác thì phải trả quả 10 lần, 100 lần, 1000 lần, cho nên chúng sanh càng ăn thịt thì loài vật cũng sanh ra nhiều để trả quả. Phầnnhiều những người ăn thịt chúng sanh là họ đang ăn thịt ông bà, cha mẹ, những người thân quyến thuộc của họ đang tái sanh làm kiếp súc sanh trả quả ăn thịt chúng sanh ngày xưa.
Ðức Phật dạy: “được làm thân người là đã vay một món nợ rất nặng. Một món nợ phải trả mười, trả trăm”. Ví dụ, ta ăn một con cá mà phải tái sanh làm một trăm con cá, một trăm lần chết trên chảo dầu sôi nước bỏng, và bị cắt cổ nhổ lông vô số vô lượng lần, chừng nào trả hết quả của kiếp làm người đã giết và ăn thịt chúng sanh thì mới được sinh làm người. Như vậy, thử hỏi trong một đời người, chúng ta đã giết và ăn thịt bao nhiêu chúng sanh? Số lượng cũng khó mà lường được, phải nói là quá nhiều, nhiều không thể đếm được.
Như vậy, muốn làm người rất là khó, phải trả hết nợ máu xương này, rồi mới được đi tái sanh làm người trở lại.
4.- PHẬT GIÁO BÀ LA MÔN GIÁO
Hỏi: Kính thưa Thầy, ở miền Bắc chúng con có một số cư sĩ chuyên làm nghề thầy cúng, khi nhà nào có vận hạn xấu mời các cư sĩ đó đến tụng kinh, các cư sĩ đó bảo phải thổi xôi nấu chè để khi làm lễ phải thỉnh Phật. Thưa Thầy Phật cũng còn ăn chè xôi nữa sao?
Ðáp: Tất cả những người cư sĩ làm nghề tụng niệm đều là những vị Bà La Môn mang danh là Phật giáo của kinh sách phát triển. Sự thật Phật giáo theo kinh sách phát triển hiện nay là Bà La Môn mượn danh Phật giáo, còn Phật giáo chánh gốc thì không giống Phật giáo Bà La Môn chút nào. Phật giáo Bà La Môn tự đặt cho mình cái tên là Ðại Thừa có nghĩa là chiếc xe lớn chở được nhiều người, còn Phật giáo chính gốc thì mang một cái tên Tiểu Thừa có nghĩa là xe chở một người, vì vậy hiện giờ người ta gọi nó là Phật giáo của kinh sách phát triển, còn Phật Giáo Nguyên Thủy chánh gốc thì các Bà La Môn dìm xuống gọi là Phật giáo Tiểu Thừa. (Hòa Thượng Nhất Hạnh, trong quyển sách mới xuất bản, vào tháng 5 - 2001 “Sen Nở Trời Phương Ngoại” đã nói rằng “Phật giáo Ðại Thừa xuất hiện sau thời kỳ Phật giáo Bộ Phái, và những người tự nhận là Ðại Thừa cho tất cả các bộ phái khác như Thượng Tọa Bộ thuộc phái Nguyên Thủy, v.v... cùng một loại Tiểu Thừa” (trang 6).
Khi Phật Giáo của kinh sách phát triển truyền sang đến Trung Hoa, thì một lần nữa nó được thay tên đổi họ do các vị đạo sĩ Tiên Ðạo (Lão Giáo), lại biến Phật Giáo Nguyên Thủy chính gốc xuống hàng thứ ba và Phật Giáo phát triển Bà La Môn xuống hàng thứ nhì, còn Phật Giáo Tiên Ðạo (Lão Giáo) đứng hàng thứ nhất gọi là Phật giáo Tối Thượng Thừa có nghĩa là chiếc xe lớn nhất thiên hạ.
Cho nên, chúng ta phải hiểu Thiền Tông không gì khác hơn là Lão Giáo và trở thành Phật Giáo Tối Thượng Thừa (Trung Hoa), Bà La Môn trở thành Phật Giáo Ðại Thừa (Ấn Ðộ), còn Phật Giáo Nguyên Thủy chánh gốc thì trở thành Phật Giáo Tiểu Thừa.
Các vị cư sĩ tụng niệm là những thầy Bà La Môn chứ không phải cư sĩ đệ tử Phật. Cư sĩ đệ tử của Phật không có tụng niệm, chỉ lo tu tập và trau dồi thân tâm để có một đời sống đạo đức, không làm khổ mình, khổ người, để đem lại cho mình, cho người một đời sống an lạc và hạnh phúc.
Hiện giờ các chùa tổ chức ban hộ niệm do cư sĩ tụng niệm đều là ảnh hưởng của Bà La Môn mà trong kinh phát triển dạy tụng niệm, cúng bái, tế lễ, cúng vong, cúng linh, cúng sao, giải hạn, v.v... Tất cả những sự mê tín đều do kinh sách phát triển tạo ra, tức là của Bà La Môn. ( HT Thanh Từ trong thời pháp tại quận Cam, vào tháng 11, năm 2000 đã nói kinh A Di Ðà xuất hiện vào thế kỷ thứ sáu sau Tây lịch (xem bài Tùy Duyên Nhi Bất Biến, trang 20 tập san Ðất Lành Bộ mới, số 3&4, năm 2001))
Có lần, Thầy đến dự một đám tang của người Trung Quốc, không thấy có ông Thầy chùa nào tụng kinh cả, chỉ có một người cư sĩ mặc áo dài kiểu nhà sư ngồi rung chuông tụng niệm. Như vậy Phật giáo Bà La Môn đã truyền qua Trung Quốc, Việt Nam, Ðại Hàn và Nhật Bản. Nên hình thức cúng bái tụng niệm đều giống nhau.
Trong kinh Nguyên Thủy có nhắc đến sự cúng tế của đạo Bà La Môn. Mỗi lần đạo Bà La Môn cúng bái, tế lễ phải giết hằng trăm ngàn loại thú vật để cúng tế. Ở đây, các vị này đòi cúng chè xôi đó là quá ít. Cúng tế như vậy chỉ có đấng giáo chủ Bà La Môn về thọ dụng chứ đâu phải cúng Phật. Và đức Phật đâu có thọ dụng thực phẩm thế gian. Kinh Phật dạy: “Thiền duyệt vi thực, pháp hỷ sung mãn’’, chứng tỏ đức Phật dùng thiền để sống chứ không phải dùng thực phẩm để sống như chúng ta tưởng.
5.- NGHE PHÁP KHÔNG ĐƯỢC TRANG ĐIỂM
Hỏi: Kính bạch Thầy! Xưa người cư sĩ đến nghe đức Phật thuyết giảng pháp đều cởi bỏ đồ trang sức, có phải vậy không thưa Thầy?
Ðáp: Ðúng vậy, khi đức Phật còn tại thế mọi người đến nghe pháp, nhất là giới phụ nữ, đều cởi bỏ đồ trang sức rồi mới vào được nghe Phật thuyết pháp. Bà Visakha khi đến nghe Phật thuyết pháp, bà quên cởi bỏ xâu chuỗi ngọc ở nhà, khi vừa đến Tịnh Xá bà mới nhớ ra và cởi bỏ ở hốc cây. Sau khi về bà quên lấy, khi ấy ông A Nan gặp và đem về trao cho Phật. Phật bảo hãy đem trả lại cho bà và bà cúng luôn xâu chuỗi ngọc cho Phật.
Thế mới biết hồi Phật còn tại thế, người cư sĩ đi nghe thuyết pháp cũng không được trang điểm. Còn thời nay thì không được như vậy. Tỳ kheo Tăng và Ni còn sửa sang làm đẹp, ăn mặc bằng vải loại tối ưu, xấu không thèm mặc. So sánh trong thời đức Phật, thì Tăng Ni hiện giờ còn thua cư sĩ thời đó. Cho nên, Thập Giới Sa Di, Phật cấm không cho trang điểm, phải mặc vải thô xấu, không nằm giường cao rộng lớn.
Thế mà những giới luật cơ bản này Tăng Ni đều vi phạm hết. Ngày nay, tu sĩ trở thành phú Tăng, chứ không còn là bần Tăng, xả bỏ thế tục.
Người cư sĩ trong thời đức Phật đi nghe Pháp không được trang điểm. Còn thời nay, người phụ nữ đi nghe pháp không những trang điểm mà còn ăn mặc hở hang, bày da hở thịt thật là đau lòng. Vậy mà đi nghe pháp giải thoát mà làm gì? Ði xem, nghe ca, nhạc, kịch thì còn thú vị hơn nhiều.