1.- SAU KHI NHẬP DIỆT, CHƯ PHẬT CÒN TRỞ LẠI THẾ GIAN NỮA KHÔNG?; 2.- VỀ KẾT QUẢ BẢN THÂN
(Trưởng lão Thích Thông Lạc, trích ĐVXP. tập 3, TG.2011, tr.126-130; 164-168)
link sách: ĐVXP. tập 3
1.- SAU KHI NHẬP DIỆT, CHƯ PHẬT CÒN TRỞ LẠI THẾ GIAN NỮA KHÔNG?
Hỏi: Kính thưa Thầy! Ðức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni và các vị Phật xưa kia, sau khi nhập diệt từ bỏ xác thân có trở lại thế gian nữa không?
Ðáp: Ðức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni sau khi nhập diệt từ bỏ sắc thân không còn trở lại thế gian nữa.
Trong kinh Nguyên Thủy thuộc tạng kinh A Hàm, Ðức Phật Thích Ca đã xác định điều này rất rõ ràng. “Ta chỉ còn một kiếp này nữa thôi”. Tại sao Phật không tái sanh lại cõi thế gian này nữa? Chư Phật không tái sanh lại cõi thế gian này nữa, vì cõi thế gian đầy rẫy các ác pháp, con người trên thế gian này có việc gì thì ăn thua đủ, không biết nhẫn nhịn, hung dữ, chửi mắng, mạt sát lẫn nhau, gian xảo, lừa đảo, điêu ngoa, xảo quyệt, giả dối, nhiều chuyện, gian ác, hiểm độc, v.v...
Phật không dám tái sanh lại cõi thế gian này nữa, là vì khí hậu thời tiết khắc nghiệt, lúc nắng, lúc mưa, gió bão bất thường, lại thêm bão lụt, động đất, thủy tai, hỏa hoạn, giặc giã, trộm cướp, giết người chẳng chút lòng xót thương, v.v…
Phật không dám tái sanh lại cõi thế gian này nữa, là vì mang thân tứ đại này giống nhưở tù chung thân, đi đâu cũng không được tự tại, tự do rất là khổ sở.
Phật không dám tái sanh lại cõi thế gian này nữa là vì tâm Phật hết tham, sân, si. Tâm Phật hết tham, sân, si thì không còn tương ưng với chúng sanh thì không thể nào tái sinh lại được, dù Phật muốn sinh làm người lại nhưng không làm sao được nữa.
Phật không dám tái sanh lại cõi thế gian này nữa, là vì mang thân tứ đại này như ở trong ổ bệnh, nóng nực quá chịu không nổi, lạnh quá chịu cũng không xong, mỗi mỗi đều có thể xảy ra gây thương tích làm đau nhức không xiết kể. Thân tứ đại lại vô thường nên thường xảy ra bệnh tật, khi bệnh tật thì khổ đau vô cùng, vô tận. Vì thân tứ đại vô thường, nên không tránh khỏi sự già nua, mà hễ già nua thì tay chân run rẩy, đi đứng không vững vàng, thì thật là khổ sở vô cùng. Vì thân tứ đại vô thường nên sự hoại diệt chắc chắn phải đến, đến trong sự đau khổ tử biệt sanh ly.
Cho nên, khi một đức Phật nhập diệt không tránh khỏi cả một trời đau thương phải không hỡi các con?
Khi còn là một học Tăng, Thầy đọc kinh Niết Bàn, trước giờ phút đức Phật nhập diệt cả Trời Người đều khóc thương thảm thiết, khiến Thầy cũng xúc động khóc theo. Ðây không phải là sự đau khổ tận cùng của sự chia ly hay sao?
Cho nên, đức Phật ra đi, bỏ báo thân này thì không bao giờ trở lại làm thân người nữa, không phải chư Phật sợ khổ đau làm thânchúng sanh, mà chính duyên chúng sanh đã hết. Nếu còn duyên với chúng sanh thì đức Phật không bao giờ nhập Niết Bàn, Ngài sẽ phục hồi sự sống rất dễ dàng, muốn sống bao lâu cũng được. Trong kinh Niết Bàn đã nói điều này rất rõ ràng.
Hết duyên với chúng sanh, có nghĩa là duyên nhân quả đã hết. Mục đích của một người tu theo đạo Phật là phải trả sạch nhân quả, có nghĩa là không còn nợ nhân quả; không còn nợ nhân quả tức là một người sống toàn thiện, vì sống toàn thiện là thoát khổ, cho nên không còn nghiệp lực nhân quả đi tái sanh; không còn nghiệp lực nhân quả đi tái sanh, thì lấy cái gì để đi tái sanh, cái đi tái sanh đã bị diệt rồi và nợ nhân quả cũng hết rồi thì còn duyên nghiệp gì, để Phật đi tái sanh nữa. Mục đích phải đạt của một vị tu sĩ là tu thành Phật, thành Phật để chấm dứt duyên nghiệp tái sanh luân hồi. Khi chấm dứt rồi thì còn lấy cái gì đi tái sanh. Mầm tái sanh đã bị diệt ngay từ lúc hướng tâm đến Lậu Tận Minh. Mầm tái sanh làm người đã dứt thì nợ nhân quả đã hết, nợ nhân quả đã hết thì duyên chúng sanh đã hết, duyên chúng sanh đã hết, thì dù có muốn tái sanh cũng không làm ích lợi cho con người. Vì hết duyên, có thuyết giảng, có dạy đạo chúng sanh cũng chẳng nghe.
Ví dụ: Hiện giờ đức Phật Thích Ca Mâu Ni có tái sanh trở lại dạy người tu hành thì người ta vẫn phỉ báng rằng đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy pháp điên, dạy lỗi thời, dạy không đúng với giáo pháp Ðại Thừa và Thiền Ðông Ðộ, dạy có chứng, có đắc, còn pháp môn Ðại Thừa và Thiền Ðông Ðộ hiện giờ dạy vô chứng, vô đắc, tự tại, vô ngại đói ăn, khát uống, không chấp giới luật.
Do những điều trên đây mà chư Phật nhập diệt rồi thì không bao giờ trở lại cảnh giới thế gian này nữa.
2.- VỀ KẾT QUẢ BẢN THÂN
Hỏi: Kính thưa Thầy! Nương theo sự chỉ dạy của Thầy, con đã y cứ vào đó mà thọ trì tu tập, càng ngày con càng nhận được sự thanh thản, an lạc rõ ràng hơn. Hiện nay trước một loạt các khó khăn và bất an xảy ra thường ngày con đã vững vàng, bình tỉnh hơn, và đã vượt qua được. Nếu so với trước đây thì khó khăn lắm con mới làm chủ được. Tất cả những gì con làm là đều do ánh sáng trí tuệ của Phật, của Thầy chỉ dạy, con hiểu ra rằng chỉ có sống đúng đạo đức nhân bản bằng những giới luật hằng ngày thì ta mới có bản lĩnh và nghị lực để vượt qua được mọi sóng gió của cuộc đời. Tuy kết quả chưa được to lớn nhưng cũng là một sự khích lệ, động viên để con vững bước trên con đường mình đã chọn.
Kính thưa Thầy, trong khi tu tập thực hành có nhiều lúc con phải kìm nén, những giọt nước mắt trước sự tấn công của ác pháp, vì hiện tại con chưa đủ đạo lực để vượt qua. Nhưng qua những lần như vậy con lại cứng cáp hơn, mạnh mẽ hơn. Con luôn tự nhủ nếu mình chùng bước trước mọi ác pháp thì mình sẽ mãi mãi trôi lăn trong khổ đau vô tận. Những lần như vậy con lại nghĩ đến Thầy, đến cô Út với tất cả tấm lòng kính trọng vô biên trước mọi khó khăn, cực nhọc mà Thầy và cô đã trải qua.
Do vậy, trong lúc học đạo làm người có những việc con chưa làm được, còn phạm phải những lỗi lầm không đáng có. Ví dụ, như vẫn còn hay cãi lại mẹ hay lời nói không được đẹp tai, dịu dàng lắm, v.v... Mỗi lần như vậy con thật sự xấu hổ với bản thân. Hôm nay con viết những dòng này kính bạch lên Thầy những việc con chưa làm được mà tự nơi tâm con không thể nói hết được, kính xin Thầy từ bi hoan hỉ tha thứ và chỉ dạy.
Ðáp: Mặc dù con rất cố gắng khắc phục tâm mình, nhưng gặp những pháp cực ác thì không sao làm chủ được. Ðó là nghiệp lực sân hận con đã huân tập nhiều đời, nhiều kiếp, nó đã thành khối. Vì thế, muốn tu tập quét cho thật sạch khối nghiệp lực này thì phải kiên trì, bền chí tu tập với một ý chí sắt đá hằng ngày phải thường nhắc câu pháp hướng “Tâm như đất, tham, sân, si phải chấm dứt”, mỗi lần vấp ngã thì con hãy đứng lên tiếp tục tu tập nữa; mỗi lần vấp ngã là mỗi lần rút ra nhiều kinh nghiệm xả tâm; mỗi lần vấp ngã là mỗi lần giúp con tỉnh giác nhận được ác pháp ngay liền nơi con và thiện pháp nơi người; mỗi lần vấp ngã là mỗi lần pháp hướng tâm hiện ra như một người bạn lành tốt bụng nhắc con, khiến cho tâm con được an ổn ngay liền; mỗi lần vấp ngã là mỗi lần trí tuệ tri kiến giải thoát của con phát triển, nếu con biết cách triển khai. Nhờ đó mà tâm hồn con thanh thản, an lạc và vô sự.
Một người tu theo đạo Phật mà sợ gặp ácpháp, thường tránh né, tìm chỗ an ổn để tu tập, thì khó mà xả tâm, thường bị ức chế tâm. Mục đích của đạo Phật là tâm bất độngtrước các ác pháp. Muốn tâm bất động trước các ác pháp thì con nên nhớ hằng ngày phải trau dồi những pháp sau đây:
1- Pháp hướng tâm “Dẫn tâm vào đạo chứ đừng dẫn đạo vào tâm”, nghĩa là tu tập nhiều chứ đừng học nhiều, học nhiều không tu thì chẳng ích lợi gì, giống như cái tủ đựng kinh sách.
2- Triển khai trí tuệ tri kiến nhân quả “Ðừng thấy mọi sự việc đúng, sai, phải, trái, mà hãy thấy nó thiện và ác”.
3- Ðừng thấy lỗi người mà hãy thấy lỗi mình.
4- Hãy khởi tâm yêu thương những người đang sống trong ác pháp.
5- Hãy khởi tâm tha thứ những người đang sống trong ác pháp.
6- Chúng ta lớn hơn, cao thượng hơn mọi người là nhờ ở chỗ biết nhẫn nhục, tùy thuận và bằng lòng.
7- Chúng ta có được một tâm hồn thanh thản, an lạc và vô sự, đó là nhờ biết buông xả các ác pháp.
8- Chúng ta làm chủ được sanh, già, bịnh, chết và chấm dứt tái sanh luân hồi là nhờ biết ly dục ly bất thiện pháp, biết diệt ngã, xả tâm, biết buông xả các ác pháp, biết giữ tâm bất động trước ác pháp và các cảm thọ và luôn luôn lúc nào cũng biết giữ tâm thanh thản, an lạc và vô sự.
Một cuộc đời tu tập theo đạo Phật mà biết buông xả, tâm bất động trước các ác pháp, thì không có một vật gì quý báu nhất trong đời này mà đem trao đổi được.
Vì biết tâm thanh thản, an lạc và vô sự là một vật vô giá, không có vật quý báu nào trên thế gian này hơn được. Vì thế , chúng ta hãy cố gắng tu tập, tu tập cho bằng được, vì nó rất lợi ích cho chúng ta và cho mọi người trên hành tinh này.