
1.- YỂU TỬ ĐƯỢC TÁI SANH KHÔNG; 2.- SÁU NẺO LUÂN HỒI; 3.- TÂM THANH TỊNH; 4.- THỜ PHỤNG, ĐI LỄ, CÚNG CHÙA
COM_CONTENT_ARTICLE_HITS
(Trưởng lão Thích Thông Lạc, trích ĐVXP, tập 7, TG.2011, tr.136-139; tr.247-251; tr.264-266; tr.310-312)
Link sách: ĐVXP, tập 7
1.- YỂU TỬ ĐƯỢC TÁI SANH KHÔNG
Hỏi: Kính thưa Thầy! Người ta bảo em bé mới sanh hoặc còn tuổi trẻ mà chết thì không được đi đầu thai. Chết như vậy thường không đi đầu thai, sống vơ vẩn làm cô hồn các đảng, có đúng vậy không?
Có em bé mới sanh không may bị chết, người ta bảo em bé đó chưa bị bệnh đậu mùa chết nên được đầu thai làm người ngay, có phải không thưa thầy?
Ðáp: Như các con đã học và biết đạo Phật chủ trương không có linh hồn, mọi pháp đều do duyên hợp mà thành nên không có vật thường còn, bất biến.
Ðạo Phật cũng không chủ trương có một Ðấng Tạo Hóa sinh ra vạn vật, tất cả đều do duyên hợp tùy theo môi trường sống mà vạn vật tùy đó sanh ra.
Ðạo Phật chủ trương theo nghiệp lực do duyên nhân quả tạo ra vạn hữu, tùy theo môi trường sống, cây cỏ vạn vật sinh nở.
Ðạo Phật cũng không chủ trương đi tìm kiếm cái nguyên nhân ban đầu mà chỉ nhắm vào sự đau khổ hiện tại của con người giải quyết cho hết khổ mà thôi.
Ðạo Phật chủ trương chết đây sanh kia tiếp tục luân hồi mãi mãi, vì thế ai tạo nhân yểu tử (sát hại chúng sanh nhiều) thì phải trả nợ yểu tử (chết còn tuổi trẻ) như kinh Tiểu Nghiệp phân biệt trang 475 thuộc Trung Bộ kinh tập 3 dạy: “Ở đây này thanh niên Subha có người đàn bà hay người đàn ông, sát sanh tàn nhẫn, tay lấm máu, tâm chuyên sát hại, đả thương, tâm không từ bi đối với các loại chúng sanh. Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, hoặc bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ địa ngục hoặc đi tái sanh loài người, chỗ nào người ấy sanh ra, người ấy phải đoản mạng, này thanh niên Subha, tức là sát sanh tàn nhẫn, tay lấm máu, tâm chuyên sát hại đả thương, tâm không từ bi đối với các loại hữu tình”.
Theo luật nhân quả ai giết hại, đoản mạng chúng sanh, thì phải chịu yểu tử. Yểu tử có nhiều giai đoạn:
1/ Vừa ở bào thai đã bị trôi thai hoặc 1, 2, 3, 4, 5, 6 tháng bị chết trong bụng mẹ.
2/ Vừa sanh ra chết.
3/ Ðược một tuổi chết.
4/ Hai, ba, bốn, năm tuổi chết. Từ 1 tuổi đến 6 tuổi hoặc từ 10 tuổi đến 11, có khi đến 18 tuổi chết.
Chết vì bệnh đau, chết vì tai nạn giao thông, cọp ăn, chiến tranh, té sông, giếng, hồ, ao, chết vì tự tử, uống thuốc độc, thắt họng, v.v...
Nói chung toàn bộ chết tuổi còn trẻ, đều gọi là chết yểu. Nhưng chết già hay chết yểu đều đi tái sanh luân hồi liền. Nếu đã tạo nhân yểu mạng thì tiếp tục chết mãi cho đến khi trả xong nghiệp yểu tử mới kéo dài tuổi thọ ra được, chứ không có nghĩa chết chưa bị bệnh đậu mùa là được đi tái sanh, còn có bệnh đậu mùa tức là từ 1, 2 tuổi trở lên chết không đi tái sanh, làm cô hồn các đảng hay những hồn ma chết oan uổng vất vưởng cây cao bóng mát. Ðó là những quan niệm sai lầm không đúng luật nhân quả, luật nhân quả chết đây sanh kia không kẽ hở, nối tiếp nhau như ngọn đuốc này vừa tắt thì ngọn đuốc kia bắt đầu cháy ngay liền. Vì thế, Phật giáo gọi là “Vô Thường”.
Chết tức là sống, cho nên người đang sống, tức là người đang chết từng phút từng giây thế mà có ai biết. Ðến khi thân này hoại diệt (chết) thì người ta cho rằng mất, chứ có mất đi đâu, chỉ có thay lốt nghiệp mới. Và vì thế, nên không có linh hồn oan vất vưởng.
2.- SÁU NẺO LUÂN HỒI
Hỏi: Kính thưa Thầy! Xin Thầy giảng cho con hiểu đúng nghĩa của “Sáu nẻo luân hồi: Trời, Người, Atula, ngạ quỷ, súc sanh và địa ngục”.
Ðáp: Sáu nẻo luân hồi theo kiến giải của các nhà học giả thì có sáu cõi, để linh hồn người chết tiếp tục tái sanh, tùy theo việc làm thiện ác của người đó. Ví dụ: Ở cõi Trời, nếu chư Thiên sanh lòng dục, tạo ác pháp, chờ hết duyên chư Thiên sanh xuống làm người. Nếu ở cõi làm người mà làm thiện, ít ham muốn dục, thì sanh trở lại cõi Trời.
Nếu ở cõi làm người, sanh tâm làm ác, thường giận dữ, thích đánh đá, thì khi lìa bỏ thân người, linh hồn tái sanh vào cõi Atula.
Loài Atula ở đó hung dữ vô cùng, chuyên môn đi đánh lộn, hoặc đi đánh cướp nước người khác.
Nếu sanh vào cõi Atula làm thiện ít giận hờn, không đánh đá ai hết, đến khi chết thì sẽ sanh làm người trở lại. Nếu Atula này làm thiện, ít dục, không giận dữ, không đánh đập, không làm khổ mình, khổ người, thì đến khi chết sẽ sanh vào cõi trời. Nếu đã sanh ở cõi Atula mà giận dữ, ích kỷ, bỏn xẻn không dám bố thí thì khi bỏ thân Atula sẽ sanh vào ngạ quỷ.
Con người sanh vào cảnh giới ngạ quỷthường đói khổ, muốn ăn mà không có ăn, muốn uống mà không có uống, quần áo rách rưới, lang thang, nghèo khổ. Nếu cõi ngạ quỷ mà biết bố thí, san sẻ thì được sanh trở lại cõi Atula. Nếu ở cõi ngạ quỷ mà biết bố thí, san sẻ, không giận dữ, làm thiện, ít làm khổ mình, khổ người khác thì sanh làm con người. Nếu ở cõi ngạ quỷ, làm toàn thiện không làm khổ mình, khổ người thì được sanh ngay lên cõi Trời. Nếu ở cõi ngạ quỷ mà tâm ác không trừ, lòng ích kỷ, bỏn xẻn, không bố thí thì đọa xuống địa ngục, chịu đủ thứ cực hành khổ sở.
Cõi địa ngục là nơi con người sanh vào đó chịu đủ thứ mọi cực hình. Nói chung cõi địa ngục là cõi tiếng kêu khóc không hề dứt. Sau khi sanh ở cõi địa ngục, con người ở đó mới tiếp tục sanh làm loài súc vật. Như chúng ta đã thấy các loài súc vật đang sống quanh ta, đó là cõi súc sanh.
Trên đây là cái hiểu của các nhà học giả của kinh sách phát triển, có sáu cảnh giới rõ ràng trời, người, Atula, ngạ quỷ, địa ngục và súc sanh, con người phải tiếp tục trôi lăn mãi mãi ở đó.
Thật ra, sáu nẻo luân hồi là cảnh ở trần gian của chúng ta trên hành tinh này, không có ở nơi nào khác nữa. Tùy theo đặc tính, cách sống, cuộc sống của mọi con người và loài vật trên hành tinh này mà phân chia làm sáu nẻo luân hồi.
Thứ nhất là cõi Trời, là chỉ cho những người đang sống đúng trong mười điều lành,tâm hồn của họ thường thanh thản, an lạc và vô sự, không làm khổ mình, khổ người, không làm điều ác, toàn làm điều thiện, muốn chi có nấy. Ðó là những bậc chân tu, thạc đức đang sống trầm lặng, sống với trí tuệ nhân quả, sống với tâm hồn tha thứ và thương yêu mọi loài chúng sanh.
Thứ hai là cõi Người, Người là những người đang sống đúng năm điều lành không hề phạm phải, còn những người sống không đúng năm điều lành này là cõi khác chứ không phải cõi người.
Thứ ba là cõi Atula, Atula là những người hay sân hận, giận dữ, chuyên môn đi đánh lộn, không biết nhường nhịn và nhẫn nhục ai cả, chỉ biết la hét đánh đập với nhau.
Thứ tư là cõi Ngạ quỷ, Ngạ quỷ là những người nghèo đói, khổ sở không có cơm ăn, áo mặc.
Thứ năm là cõi Súc sanh, Súc sanh gồm có con người và các loài thú vật. Vì những người này hình người mà bản chất sống như loài thú vật, họ chẳng hề sống có một chút đạo đức làm người nào cả. Cho nên, dưới đôi mắt của đức Phật những người này họ là súc sanh (động vật).
Thứ sáu là cõi Ðịa ngục. Ðịa ngục là những người đang bệnh đau, đang khổ sở rên la trên giường bệnh, chúng ta hãy đến nơi các bệnh viện nơi đó là Ðịa ngục.
Tóm lại, sáu cõi luân hồi không phải ở đâu xa mà chính cuộc sống của chúng ta trên hành tinh này, hiện ra đầy đủ sáu cõi.
Sáu cõi này, được xác định thực tế và cụ thể, rất khoa học, không có mơ hồ trừu tượng, mà ai cũng có thể hiểu một cách dễ dàng. Chỉ có những người tu theo kinh sách phát triển sống trong tưởng tri, trong mơ mộng, mới xây dựng sáu nẻo luân hồi ảo tưởng, ngoài cuộc sống của con người.
3.- TÂM THANH TỊNH
Hỏi: Kính thưa Thầy, hôm trước Thầy dạy: trạng thái tâm “định tỉnh, thuần tịnh, nhu nhuyễn, dễ sử dụng, không phiền não, không cấu uế, vững chắc và bình thản là trạng thái của Tứ Thiền?”. Trạng thái này con thấy một phần chỉ về Ðịnh niệm hơi thở và Ðịnh chánh niệm tỉnh giác (tâm định tỉnh), còn phần lớn là nặng về phần đức hạnh, tức là Ðịnh vô lậu, có phải vậy không, thưa Thầy? Nếu như vậy là ngay từ bây giờ chúng con phải luyện rèn đức hạnh vô lậu cho nhuần nhuyễn theo hơi thở chứ không phải tu hơi thở tới Tứ Thiền mới có trạng thái này? Phải không thưa Thầy?
Ðáp: Ðến bây giờ con mới hiểu được ý này là phải chịu mất bốn năm trời, nếu không hiểu được ý này, chắc chắn con còn phải mất thời gian nhiều hơn nữa, mà còn lạc vào thiền của ngoại đạo. Ðã không giải thoát mà còn có thể đưa đến “khẩu đầu thiền” tức là thiền tưởng như Diệu Thiện.
Người tu thiền tâm đạt được định tỉnh, thuần tịnh, nhu nhuyễn, dễ sử dụng, không phiền não, không cấu uế, vững chắc và bình thản, thì người ấy luôn sống trầm lặng, ít nói và không nói cho ai biết mình tu tập như thế nào.
Tâm người ấy thường quay vào trong nên không tham dự chuyện thiên hạ bên ngoài, nên thường sống một mình, nhưng lại hòa hợp với mọi người, ai làm sao cũng được, biết tùy thuận và bằng lòng. Ðó là tâm không phóng dật.
Bốn Thánh Ðịnh đều do Ðịnh vô lậu mà nhập được, ngoài Ðịnh vô lậu không có định nào nhập được. Ðịnh niệm hơi thở và Ðịnh chánh niệm tỉnh giác chỉ là tu tập tỉnh thức để tâm thường ở trong chánh niệm để ngăn chặn và diệt tà niệm và ác pháp, tức là ly dục, ly ác pháp.
Con hỏi một điều đến nay con mới hiểu đúng, từ lâu hiểu sai tu tập sai thành mất thì giờ rất nhiều.
4.- THỜ PHỤNG, ĐI LỄ, CÚNG CHÙA
Hỏi: Kính thưa Thầy! Có Phật tử nói:“Nhà tôi giàu có là nhờ thờ phụng đến nơi đến chốn, đi lễ cúng chùa nhiều, các con tôi làm toàn chức to, ông lớn”. Thưa Thầy như vậy có đúng không?
Ðáp: Không phải nhờ thờ phụng, đi lễ, cúng chùa nhiều mà nhà giàu có, con cháu làm quan to, chức lớn mà chính là nhân quả. Giàu có là nhờ không tham lam trộm cắp, biết san sẻ bố thí cho người bất hạnh, biết giúp đỡ người khốn cùng trong cảnh hoạn nạn, v.v...
Làm quan là nhờ không sát hại chúng sanh, giúp người thế cô, yếu sức, an ủi chia sẻ nỗi khổ đau của mọi người và giúp người nghèo khó học tập đến nơi đến chốn.
Dân chúng Campuchia cất một ngôi chùa vĩ đại Ðế Thiên, Ðế Thích (một trong những kỳ quan thế giới) nhưng nước Campuchia có giàu có hơn ai đâu, vẫn lạc hậu nghèo nàn và hung dữ. Nếu nói: “Nhà tôi giàu có là nhờ thờ phụng đến nơi đến chốn, đi lễ cúng chùa nhiều, các con tôi làm toàn chức to, ông lớn” thì nước Campuchia giàu có nhất thế giới. Phải không quý vị?
Người Phật tử chưa hiểu luật nhân quả nên tưởng mình thờ phụng và đi lễ chùa nhiều là giàu có làm quan. Nhưng không ngờ, đó là một hành động mê tín lạc hậu. Một hành động làm sai đạo đức làm người, bị kinh sách phát triển lừa gạt mà không biết.
Sự thờ phụng đúng cách như thờ tổ tiên, ông bà và nếu có đạo Phật thì nên thờ đức Phật Thích Ca Mâu Ni mà thôi. Thờ nhiều tức là thờ đa thần mê tín. Thờ ông bà tổ tiên là nhớ nguồn gốc của mình. Thờ Phật Thích Ca Mâu Ni là nhớ ơn người chỉ dạy con đường giải thoát không làm khổ mình, khổ người, khổ chúng sanh, tạo nên gia đình hạnh phúc, xã hội yên vui và có trật tự.
Thờ đức Thánh Khổng Tử là nhớ ơn người dạy đạo đức, tam cương, ngũ thường, nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.
Mỗi sự thờ cúng của chúng ta, đều có ý nghĩa sâu xa và tình cảm sâu sắc của tình người.
Thờ Thần Tài, Chúa Tiên, Chúa Xứ, Bồ Tát, Tứ Ðại Thiên Vương, thờ rồng, thờ hổ thì đó là mê tín, thờ cô hồn các đảng cũng là mê tín, thờ cúng đa thần mà không ý nghĩa đạo đức là mê tín.
Thờ cúng cho đúng cách là người chánh kiến, thờ cúng không đúng cách là người tà kiến. Ði chùa, lễ bái cúng dường Phật, cúng dường chư Tăng đúng cách là người chánh kiến; đi chùa, lễ bái, cúng dường không đúng cách là người tà kiến mê tín. Người tu sĩ đệ tử Phật phải sáng suốt và đừng để những tà sư ngoại đạo của kinh sách phát triển lừa đảo, kinh sách đó dựng lên những giáo lý mang đầy những tư tưởng mê tín tà kiến vào đạo Phật chẳng lợi mình, lợi người mà còn tạo nên một truyền thống mê tín cho dân tộc nước này, nước khác và đời này sang đời khác, từ thế kỷ này đến thế kỷ khác. Những điều đó đã chứng minh cho chúng ta thấy những tư tưởng kinh sách phát triển không tốt đẹp cho các thế hệ từ 25 thế kỷ đến như ngày nay.