
1.- TÂM KHÔNG PHÓNG DẬT LÀ PHÁP ĐỆ NHẤT; 2.- TÂM TÁN LOẠN VÀ NHẤT TÂM; 3.- TÁNH THẲNG THẮN; 4.- TÂM KHÔNG PHÓNG DẬT.
COM_CONTENT_ARTICLE_HITS
(Trưởng lão Thích Thông Lạc, trích NLGPD, tập 3, TG. 2010, tr. 226-228; tr. 248-250; tr. 254-256; tr. 287-288)
link sách: NLGPD, tập 3
1.- TÂM KHÔNG PHÓNG DẬT LÀ PHÁP ĐỆ NHẤT
LỜI PHẬT DẠY:
“Ba mươi bảy phẩm trợ đạo, pháp không phóng dật là đệ nhất. “Muốn tu pháp không phóng dật thì phải tu Tứ Ý Ðoạn”.
CHÚ GIẢI:
Tứ Ý Ðoạn tức là Tứ Chánh Cần. Tứ Chánh Cần là pháp ngăn ác diệt ác, sinh thiện tăng trưởng thiện.
Trong cuộc đời tu hành theo Phật thì lúc nào, giờ nào phải thường cảnh giác ngăn và diệt các ác pháp, không cho chúng tác động vào thân, tâm. Khiến cho thân tâm lúc nào cũng thanh thản, an lạc và vô sự. Nhờ thế mà tâm không bị phóng dật, nên đức Phật dạy: “Ðệ nhất pháp tâm không phóng dật là Tứ Ý Ðoạn”. Nhưng tâm không phóng dật là thành tựu đạo giải thoát, tức là viên mãn con đường tu tập. Trước khi vào Niết Bàn Ngài di chúc lại: “Ta thành Chánh Giác là nhờ tâm không phóng dật”.
Trong ba mươi bảy phẩm trợ đạo mà pháp môn Tứ Chánh Cần là pháp môn đệ nhất ngăn ác diệt ác pháp khiến cho thân tâm bất động. Nhờ đó mà tiến tới các pháp cao hơn sâu hơn. Tứ Chánh Cần là nền tảng đạo đức vững chắc nhất của Phật giáo. Cho nên, muốn tu tập Tứ Chánh Cần thì đức Phật đã trang bị cho chúng ta bốn loại định:
1- Ðịnh Sáng Suốt.
2- Ðịnh Vô Lậu.
3- Ðịnh Chánh Niệm Tỉnh Giác.
4- Ðịnh Niệm Hơi Thở.
Trong Ðịnh Niệm Hơi Thở có 18 đề mục tu tập (xin đọc lại Ðịnh Niệm Hơi Thở). Ðịnh Niệm Hơi Thở là một pháp môn rất quan trọng. Nó được xem như là một chiếc “chổi thần” dùng để quét tất cả các chướng ngại pháp trên thân, thọ, tâm, pháp của Tứ Niệm Xứ. Tứ Niệm Xứ mà được viên mãn đều phải nhờ đến cây chổi thần này.
Ðịnh Niệm Hơi Thở được ví như những loại vũ khí tối tân và hiện đại nhất để chiến đấu trong chiến trận sanh tử. Người tu sĩ Phật giáo tu tập Ðịnh Niệm Hơi Thở cũng giống như một binh sĩ được huấn luyện trong trường võ bị.
Sự quan trọng của Ðịnh Niệm Hơi Thở như vậy, nên khi tu tập theo Phật giáo phải tu tập rất kỹ lưỡng về Ðịnh Niệm Hơi Thở để cho nó có đủ năng lực đẩy lùi các chướng ngại pháp trên thân và tâm.
Ông Châu Lợi Bàn Ðặc suốt ngày đêm trong thất chuyên quét tâm, cuối cùng chứng quả A La Hán.
Ông A Nan đi kinh hành quét tâm suốt đêm chứng quả A La Hán.
Tóm lại, quét tâm có phương pháp để tâm bất động. Tâm bất động là tâm không phóng dật. Tâm không phóng dật là đạt được giải thoát.
2.- TÂM TÁN LOẠN VÀ NHẤT TÂM
LỜI PHẬT DẠY:
“Thế nào tâm không tán loạn?
- Quán thân trên thân tinh cần không giải đãi, ghi nhớ không quên để trừ bỏ tham ưu ở đời.
Thế nào gọi là nhất tâm? - Thân hành niệm trong tất cả thời không mất oai nghi”.
CHÚ GIẢI:
Tâm tán loạn là gì? Tâm tán loạn là tâm còn nhiều tham ưu, nên niệm này kế tiếp niệm khác, suy tư lo nghĩ ưu phiền, lúc nào tâm cũng bất an. Muốn đối trị tâm tán loạn thì đức Phật đã dạy: “Quán thân trên thân tinh cần không giải đãi, ghi nhớ không quên để trừ bỏ tham ưu ở đời”.
Vậy quán thân trên thân tinh cần không giải đãi, ghi nhớ không quên, để trừ bỏ tham ưu ở đời là như thế nào?
Câu dạy này trong kinh Tứ Niệm Xứ dạy về tu tập bốn chỗ thân, thọ, tâm, pháp, tức là phương pháp truy quét tâm hay còn gọi là pháp môn đẩy lui các chướng ngại pháp trên thân và tâm để thân tâm được thanh thản, an lạc và vô sự, tức là tâm không tán loạn.
Nhất tâm là gì? Nhất tâm là tâm định trên thân. Tâm định trên thân như thế nào? Tâm định trên thân như Phật đã dạy: “Thân hành niệm trong tất cả thời không mất oai nghi”. Thân hành niệm trong tất cả thời không mất oai nghi là như thế nào? Là đi tôi biết tôi đi, đứng, nằm, ngồi hay hít thở đều biết không quên. Ðó là thân hành niệm. Thân hành niệm là một pháp môn tuyệt vời trong Tứ Niệm Xứ, không những nó là một pháp môn tu tập nhất tâm mà còn là pháp môn tu tập có đủ mười công đức (thần lực siêu việt không thể nghĩ lường).
Qua lời dạy trên đây đức Phật đã trang bị cho chúng ta những pháp tu tập xả tâm rất tuyệt vời, chứ không như kinh sách Ðại Thừa thường dạy chúng ta tu ức chế tâm bằng những pháp môn kiến giải, khiến cho chúng ta không thể ly tham, sân, si được. Do chỗ ức chế tâm mà người tu theo các nhà Ðại Thừa rơi vào danh, lợi, sắc, thực, thùy. Một bằng chứng cho ta thấy tu sĩ Ðại Thừa càng tu tập tâm danh lợi càng nhiều, cho nên chùa to, Phật lớn bắt đầu mọc khắp nơi.
3.- TÁNH THẲNG THẮN
LỜI PHẬT DẠY:
“Thấy cái dở mà không dám chê là hèn kém, là nhút nhát, là dua nịnh. Thấy cái hay mà không dám khen là ganh tị, hẹp hòi, cao ngạo”.
CHÚ GIẢI:
Phật dạy: “Thấy cái dở mà không dám chê là hèn kém, là nhút nhát, là dua nịnh”. Ðúng vậy, khi chúng ta biết kinh sách nào Ðại Thừa và Thiền Ðông Ðộ là không phải giáo pháp của Phật, mà chính do các Tổ biên soạn theo giáo lý của Bà La Môn, với mục đích là dìm và diệt Phật giáo, mà không dám nói ra, lại còn tán dương, a dua, nịnh bợ theo, thì thật là hèn nhát, những người như vậy không xứng đáng là tín đồ Phật giáo. Người tín đồ Phật giáo phải gan dạ, phải thẳng thắn dám ăn, dám nói, chỉ thẳng những cái sai, cái không phải của Phật giáo. Dựng lại những gì của Phật giáo đang bị ném bỏ. Ðừng có a dua theo kinh sách Ðại Thừa mà trở thành kẻ hèn nhát các bạn ạ!?
Người có trí mà không thấy cái sai trong kinh sách phát triển Ðại Thừa và Thiền Ðông Ðộ thì đâu được gọi là người có trí. Như Phật dạy: “Mình ngu mà biết mình ngu là mình có trí, mình ngu mà không biết mình ngu là mình chí ngu”. Cho nên, mình là những tu sĩ và cư sĩ của Phật giáo mà không thấy cái sai của kinh sách phát triển Ðại Thừa thì không thể gọi mình là người có trí. Bởi vì kinh sách phát triển Ðại Thừa có rất nhiều cái sai, chứ đâu phải có một hoặc hai. Chắc các bạn đều thấy biết rất rõ, nhưng các bạn quá sợ hãi trước cái khối lực lượng Ðại Thừa quá đông đảo. Trước một thế lực đông đảo như Ðại Thừa hiện nay, mà dám nói thẳng cái sai của giáo pháp Ðại Thừa là một người tốt, nói để sửa sai chứ không phải nói xấu mà sợ. Phải không các bạn?
Ví dụ: Một Quan Gián Nghị Ðại Phu dám can ngăn nhà vua, là vì lợi ích hạnh phúc cho toàn dân, cho đất nước đó. Một tu sĩ Phật giáo hay một cư sĩ Phật giáo dám nói cái sai của kinh sách Ðại Thừa là vì lợi ích cho Tăng, Ni và tín đồ Phật giáo. Người như vậy mới là người có trí tuệ, người có lòng thương yêu rộng lớn đối với đạo cũng như đời.
Phật dạy: “Thấy cái hay mà không dám khen là ganh tị, hẹp hòi, cao ngạo”. Ðúng vậy, là tu sĩ Ðại Thừa thấy cái đúng của Phật giáo Nguyên Thủy mà không dám khen, là ganh tị, hẹp hòi, là cố chấp, kiến chấp, là không thấy xa, hiểu rộng. Làm con người thì phải có trí tuệ thông minh, phải nhận biết đâu đúng, đâu sai, chứ đâu phải là người đui, người điếc. Thấy người khác hay hơn mình, biết rất rõ mà không dám khen đó là do lòng ganh tị, hẹp hòi, cao ngạo; người như vậy là người xấu, người không đáng cho ta kính trọng.
Tóm lại, hai câu trên đây, chúng ta phải hằng ghi nhớ trong lòng, để mình không trở thành người hèn kém, nhút nhát, lúc nào cũng là người dám ăn, dám nói thẳng một sự thật.
4.- TÂM KHÔNG PHÓNG DẬT
LỜI PHẬT DẠY:
“Này các Tỳ Kheo, phàm có những thiện pháp nào, tất cả những pháp ấy lấy không phóng dật làm căn bản, lấy không phóng dật làm chỗ quy tụ, không phóng dật là tối thượng trong các pháp ấy”.
CHÚ GIẢI:
Một lần nữa đức Phật nói về tâm không phóng dật. Xin các bạn lưu ý: Muốn tâm không phóng dật thì các bạn phải phòng hộ mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý.
Vậy pháp phòng hộ sáu căn là pháp nào?
- Thứ nhất là pháp độc cư.
- Thứ hai là pháp Tứ Chánh Cần.
- Thứ ba là pháp Tứ Niệm Xứ.
- Thứ tư là pháp Thân Hành Niệm.
Biết rõ tâm không phóng dật là pháp tối thượng trong các pháp thiện. Vậy thì muốn ly dục ly ác pháp thì chúng ta phải bằng mọi cách giữ gìn tâm không phóng dật. Bằng mọi cách phải giữ tâm không phóng dật tức là phải biết lấy pháp làm hòn đảo, làm chỗ nương tựa vững chắc cho ta thì tâm sẽ không phóng dật. Cho nên, đức Phật thường nhắc nhở chúng ta: “Hãy lấy giới luật và giáo pháp Ta làm Thầy, làm hòn đảo, làm chỗ nương tựa vững chắc…”. Chính vì chỗ tâm không phóng dật là thiện pháp tối thượng, là sự chuyển hóa nhân quả, là đạo đức không làm khổ mình khổ người, là mục đích tâm bất động của Phật giáo, là Niết Bàn tại thế gian, là tâm thanh thản an lạc và vô sự,là bất động tâm định, là ly dục ly ác pháp...
Cho nên, người tu hành theo Ðạo Phật thì phải lấy tâm không phóng dật làm pháp môn tối thượng. Vậy, trên bước đường tu theo Phật giáo thì chúng ta phải khắc ghi trong lòng lời dạy này: “lấy không phóng dật làm căn bản, lấy không phóng dật làm chỗ quy tụ, không phóng dật là tối thượng trong các pháp thiện ấy”.