
LÒNG YÊU THƯƠNG
COM_CONTENT_ARTICLE_HITS
(Trưởng lão Thích Thông Lạc, trích ĐVXP, tập 4, TG.2011, tr.76-78; tr.159-160; tr.278-281)
link sách: ĐVXP, tập 4
1.- LÒNG YÊU THƯƠNG
Hỏi: Kính thưa Thầy! Nhóm con gồm có hai mươi người, lấy thanh quy của Thầy, gửi ra cho Hương Ðài, chúng con lấy đó sinh hoạt vào ngày chủ nhật hằng tuần, từ 7 giờ đến 9 giờ, đọc giáo lý của Thầy và tập tỉnh thức (hơi thở hoặc đi kinh hành và trong tất cả việc làm).
Chúng con định mời bà Thức ra sinh hoạt có được không thưa Thầy?
Ðáp: Ðược, các con hãy mời bà Thức ra dự, có những bài vấn đạo, các con nên gửi cho ông bà Thức, đừng bỏ ông bà Thức các con ạ! Các con tu tập có kết quả tốt, giải thoát được thân tâm mình, thì hãy cố gắng giúp cho ông bà Thức, từ lâu đã có công với Phật giáo, nhưng vì lầm lạc trên kinh sách phát triển mà gần cả cuộc đời mình chẳng có công đức gì. Nay tuổi đã già, sức đã yếu, sự chết gần kề mà đường chánh pháp còn xa biệt mù.
Lòng thương yêu ấy, không những đối với ông bà Thức, mà còn đối với mọi người, khi họ có duyên, thì các con nên sẵn sàng giúp đỡ họ bằng mọi cách, hoặc cho mượn băng nghe, hoặc cho mượn sách “Ðường Về Xứ Phật”, hoặc cho đọc “vấn đạo”. Tất cả những gì các con có về Phật pháp chơn chánh, đều giúp cho ông bà hiểu thấu suốt đường lối tu tập của đạo Phật, có ích lợi thiết thực như thế nào cho kiếp sống con người, ở hiện tại và mai sau. Nhất là đạo đức nhân quả (đạo đức không làm khổ mình, khổ người), khi các con có tài liệu giáo trình đạo đức nhân quả, thì lại càng tìm mọi cách phổ biến rộng rãi cho đến từng lớp mọi người, để biến cảnh thế gian thành Thiên Ðường.
Hiện giờ con người rất cần đạo đức, vì xã hội đạo đức đang trên đà xuống dóc. Vậy các con nên phổ biến và giúp cho mọi người hiểu biết về đạo đức nhân bản - nhân quả sống không làm khổ mình, khổ người thì lợi ích rất lớn các con ạ!
2.- MƯỜI HAI BÀ MỤ
Hỏi: Kính thưa Thầy! Miền Bắc chúng con nặng về thủ tục ma chay, cưới xin và sanh con ra, phải cúng các bà mụ, lấy bộ kinh Khoa Bà ra tụng. Một bà chúa mụ và 12 bà mụ phụ để các bà dạy cháu bé ăn, ngủ, cười và làm các động tác, như thế có đúng không thưa Thầy?
Ðáp: Không đúng, một đứa bé khi đã sinh ra, nó đã mang theo những thói quen của kiếp trước: ngủ, vui, buồn, cười, khóc, đưa tay, đưa chân, đều do nhân quả đã thành nghiệp lực trong đời sống quá khứ trước kia, nên khi cháu bé ngủ, mới có những hiện tượng như vậy, chứ không phải có bà mụ nào dạy cả, chỉ có nghiệp nhân quả đời trước mà thôi. Nghiệp lực theo nhân quả do duyên vô minh biến ra hành động tạo ra thức, từ thức mới có danh sắc (thân tứ đại và tưởng), có tứ đại mới có hành động nghiệp lực, do hành động nghiệp lực, cháu bé đang ngủ mới có cười, mếu, khóc, giận dữ, giẫy nẩy, đưa tay, đưa chân v.v… Một bà mụ chúa và 12 bà mụ là sự mê tín trong dân gian, không thấy có kinh nào dạy, nếu có thì chỉ có kinh sách phát triển mà thôi. Khi thấy cháu bé đang ngủ, cười, khóc, đưa tay,đưa chân, v.v... cho là 12 bà mụ dạy cháu bé, chứ các con đâu biết rằng đó là nghiệp báo thể hiện sự đau khổ, buồn vui của kiếp người kế tiếp và kế tiếp mãi mãi.
3.- PHƯỚC CHÚNG SANH CHƯA ĐỦ, TÌM MỘT VỊ ALAHÁN RẤT KHÓ
Hỏi: Kính thưa Thầy! Thầy nói đợi cho có 10 vị A La Hán, mà bây giờ kiếm một vị cũng không ra. Nếu không có 9 vị như Thầy thì họ không chịu tin, mà đợi cho có đủ chín vị nữa, thì con coi bộ khó quá, đợi chừng nào mới có vị thứ nhì?
Ðáp: Một người tu chứng trong giai đoạn này làm Phật sự khó có người tin được. Bởi vậy, cần phải có 10 người tu chứng để chỉnh đốn lại kinh sách Phật, thì mọi người mới tin. Vì thế, một người không thể chỉnh đốn lại được.
Phước của chúng sanh chưa đủ, vì thế các vị A La Hán chưa xuất hiện, chứ không phải chúng ta tìm một vị A La Hán khó. Chúng ta cứ sống đúng đức hạnh giới luật của Phật thì các bậc A La Hán sẽ xuất hiện. Chỉ vì chúng ta sống không đúng đức hạnh giới luật của Phật nên chúng ta tìm một vị A La Hán rất khó.
Giới luật là mẹ sanh ra A La Hán. Cho nên, nếu tất cả Tăng, Ni giới luật nghiêm chỉnh thì không những 10 vị A La Hán mà có hàng trăm vị A La Hán xuất hiện. Giới luật ở đâu là có bậc A La Hán ở đó. Bậc A La Hán ở đâu là giới luật ở đó. Như vậy, bậc A La Hán đâu phải khó tìm. Phải không quý vị?
Bậc A La Hán từ con người mà có, chứ không phải ngoài con người mà tìm được bậc A La Hán. Con người giữ giới nghiêm chỉnh, tu tập đúng pháp ngăn ác diệt ác, sanh thiện tăng trưởng thiện, sống không làm khổ mình, khổ người là bậc A La Hán. Xưa, đức Phật còn tại thế Ngài đã xác định: “Giới luật còn là Phật Pháp còn, giới luật mất là Phật Pháp mất”. Câu nói này có nghĩa là: “Giới luật còn là còn bậc A La Hán, giới luật mất là bậc A La Hán mất”.
Quý Phật tử đừng bảo rằng: Một vị A La Hán khó kiếm, chỉ vì Tăng, Ni không giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh nên bậc A La Hán khó kiếm.
Tóm lại, bậc A La Hán xuất hiện ra đời là vì chúng sanh có đủ phước báo thọ hưởng phước vô lậu.
4.- PHÁP SAI, NGƯỜI SAI
Hỏi: Kính thưa Thầy! Con thấy có một số quý Tăng, Ni khi thuyết pháp với tấm lòng rất tốt. Nhưng vì pháp mà quý vị đó học được qua Thầy Tổ ngày xưa như thế nào, thì học hỏi như thế đó. Chưa hẳn là quý vị có tâm ác, lừa đảo Phật tử đâu. Kính xin Thầy giảng dạy.
Ðáp: Con có ý nói pháp sai chứ người không sai. Nếu người không sai thì phải có trí tuệ, có trí tuệ thì phải nhận ra pháp sai. Pháp sai tức là pháp lừa đảo, dối gạt người. Nhận ra pháp sai, mà cứ hành pháp sai, tức là lừa đảo, lường gạt người. Vì thế, người mới vào tu là người tốt. Sau một thời gian tu học pháp sai biến họ trở thành người xấu, hằng ngày phải làm nghề lừa đảo (cúng bái, tụng niệm, cầu siêu, cầu an, v.v...).
Cầu siêu, cầu an là một cái nghề làm giàu có nhiều tiền một cách dễ dàng. Cho nên biết pháp sai, nhưng các thầy không bao giờ bỏ.
Người mới vào tu thì nghèo đến nỗi một đồng xu dính túi còn không có. Nhưng sau khi tu lâu có những kiến giải, họ đứng vào vị trí trụ trì, giảng sư, thì tiền bạc nhiều, danh vọng lớn nên họ không thể bỏ những pháp sai, vì nhờ những pháp sai lừa đảo này mà họ sống trên nhung lụa. Thế nên làm sao họ bỏ được.
Chúng ta không thể lường được những tu sĩ mượn tôn giáo để kinh doanh buôn bán, có khi còn buôn đồ lậu thuế. Những người này là những người không những buôn bán tôn giáo, mà còn buôn bán đồ trái pháp luật. Chỉ có một thời gian năm, ba năm sau, là họ cất chùa rất đẹp, họ sắm xe hơi nhà lầu đàng hoàng, tủ lạnh, ti vi cái gì ngoài đời có là họ cũng có hết.
Tóm lại, pháp sai dẫn người đi vào chỗ sai, pháp lừa đảo, dối gạt người sẽ dẫn người đi vào chỗ lừa đảo, dối gạt. Cho nên, kinh sách phát triển là kinh sách kiến giải của các nhà học giả xưa và nay, là những kinh sách mà mọi người cần phải được lưu ý, vì đó là những kinh sách phi đạo đức, lừa đảo, dối gạt người, biến người tốt thành người xấu, bằng chứng rõ ràng những tu sĩ Phật Giáo hiện giờ từ người tốt trở thành người xấu và đang hành nghề phi pháp.