
1.- THÔNG MINH; 2.- TU HÀNH TRÁNH PHÁP ỨC CHẾ TÂM; 3.- TRIỆU VONG TIẾP LINH; 4.- TỨ CHÚNG CỦA PHẬT
COM_CONTENT_ARTICLE_HITS
(Trưởng lão Thích Thông Lạc, trích ĐVXP, tập 7, TG.2011, tr.148-151; tr.256-257; tr.340-342; tr.359-361)
Link sách: ĐVXP, tập 7
1.- THÔNG MINH
Hỏi: Kính thưa Thầy! Kinh nhân quả dạy mang dầu, nến thắp sáng điện Phật (Tam Bảo) kiếp sau sanh ra làm người được thông minh, lời dạy ấy có đúng không? Xin Thầy dạy bảo.
Ðáp: Người thông minh không phải do cúng dường đèn dầu, nến thắp sáng điện Phật mà người ấy phải chịu khó học tập những điều mình chưa biết. Hiện giờ chúng ta thấy có người học tối (lâu nhớ, lâu thuộc bài), có người nhớ lâu, học mau thuộc ta cho họ thông minh, sự thật tiền kiếp họ đã gieo nhân học tập nên thời nay ta nói họ thông minh, chứ họ đã học sẵn rồi.
Muốn thông minh ở kiếp sau thì kiếp này phải chăm học tập, theo luật nhân quả học tập là gieo nhân thông minh, chứ không phải cúng dường đèn đuốc mà thông minh; đó là lối lừa đảo không thực tế của kinh sách phát triển, chúng ta không nên tin như vậy, tin như vậy chỉ có người vô minh mới tin, chúng ta tin cái gì thì cái đó phải cụ thể và thực tế rõ ràng. Ðời nay cố gắng chăm học tập đời sau thông minh, đó là lẽ đương nhiên, không ai nói ta lừa đảo được. Bây giờ ta u tối phải cố gắng học “có công mài sắt có ngày nên kim”. Còn những người thông minh là do kiếp trước họ đã học rồi, bây giờ nhớ trở lại, chứ không có thông minh gì cả. Ðức Phật dạy: “cây ngả về hướng nào thì bóng ngả về hướng ấy”. Ðúng vậy, khi ta làm một điều gì thì hậu quả của điều đó sẽ đến với ta. Tốt hay xấu là do việc của ta làm ác hay thiện. Còn đốt đèn đuốc làm sáng bàn thờ Phật mà được thông minh thì không đúng.
Chúng tôi xin nêu lên một điều để quý vị được rõ. Hàng ngày quý vị đều đốt cây hương vỏ cây tượng trưng cho năm cây hương giải thoát: “giới hương, định hương, tuệ hương, tri kiến hương và giải thoát tri kiến hương” nhưng quý vị có thấy tâm mình giải thoát chưa? Có hết tham, sân, si chưa?
Tượng trưng là một lẽ và giải thoát là một lẽ, cho nên thắp đèn, đuốc, nến cho sáng thì có ai đốt đèn mà thông minh chưa? Nếu đốt đèn mà siêng năng chăm học thì thông minh là lẽ đúng, nếu đốt đèn để sáng bàn thờ Phật, không học mà thông minh, đó là lối lừa đảo của kinh sách phát triển để các chùa khỏi tốn tiền mua dầu thắp bàn thờ Phật vì có mấy đứa học sinh tối dạ mua dầu đèn thắp sáng. Nhưng chúng cũng phải học chúi đầu chúi mũi mới có thuộc bài, chứ đâu có thắp đèn mà khỏi học bài bao giờ hay chư Phật học bài dùm cho. Ðó là một lối lừa đảo gian xảo của kinh sách phát triển.
Kinh sách phát triển nói về nhân quả có rất nhiều điều vô lý thế mà người Phật tử vẫn tin, tin trong mù quáng vô minh. Tin mà không chịu suy nghĩ. Thắp đèn sáng cúng dường chư Phật là thông minh, học một biết mười, điều này không bao giờ có. Nếu việc làm này có được thì thế gian này không còn người u tối, đần độn, dốt nát và ngu si. Phải không quý vị?
Chỉ cần mua dầu thắp đèn sáng cúng dường chư Phật là thông minh sáng suốt thì ai mà làm không được. Trong cuộc đời này có ai muốn mình không thông minh; có ai muốn minh u tối, dốt nát, ngu si, đần độn; có ai muốn mình thua kém mọi người. Phải không quý vị?
Nếu kết quả chỉ cần mua dầu thắp đèn sáng cúng dường chư Phật là thông minh sáng suốt thì chùa sẽ thắp đèn sáng ngày đêm quanh năm suốt tháng, nhưng hiện giờ đến chùa nơi điện thờ Phật chỉ có một ngọn đèn leo lét mờ mờ ảo ảo, như vậy chứng tỏ lời dạy này không có hiệu quả, chỉ là một trò lừa đảo.
2.- TU HÀNH TRÁNH PHÁP ỨC CHẾ TÂM
Hỏi: Kính thưa Thầy! Trong đời sống của người cư sĩ con nhận thấy mình phải tập bớt ăn bớt ngủ. Về ăn, con nên giảm bữa ăn sáng trước hay bỏ bữa ăn tối trước, như thế nào tốt hơn? Khi đã quen hai bữa mà không yếu sức khỏe, thì có thể giảm xuống một bữa ngay tại đời sống cư sĩ không? Con đang chuẩn bị để tăng dần “hành trang” thuận lợi cho giai đoạn sống ở tu viện. Kính xin Thầy chỉ dạy.
Ðáp: Muốn sống một đời sống phạm hạnh thì hãy sống đúng lời dạy của đức Phật, nhưng muốn sống đúng lời dạy của đức Phật thì phải hết sức tránh sự ức chế thân tâm. Giáo pháp của đức Phật là giáo pháp xả tâm, nếu không khéo tu sai lệch sẽ bị ức chế tâm. Phần đông, tu sĩ hiện giờ tu sai lệch rơi vào pháp ức chế tâm mà không biết. Sự giảm thiểu bớt ăn, bớt ngủ, tức là phải thay thế bằng một việc làm khác!
Ví dụ: hàng ngày lúc 9 giờ ta đi ngủ, bây giờ ta chỉ cần thức thêm 5 phút, 10 phút. Trong khi thức thêm thì ta nên tập tỉnh thức và xả tâm, trong khi đi kinh hành, vừa đi vừa nhắc xả tâm “Quán ly tham tôi biết tôi đi kinh hành”. Mới đầu chỉ tập thức thêm 5 phút, rồi tăng dần lên 15 phút, cho tới 30 phút. Ðó là cách thức tập bớt ngủ.
Ăn cũng vậy, mỗi sáng, mọi người đều có điểm tâm. Ta có thể bớt bữa sáng, ăn buổi trưa và chiều. Bữa ăn trưa hoặc chiều cả gia đình có thể ăn cùng một lúc. Muốn cho gia đình đầm ấm yên vui và hạnh phúc, thì buổi ăn là buổi tập họp gia đình, cố gắng sắp xếp để mọi người đều hiện diện trong bữa cơm, ta không nên vì sự tu tập mà làm mất sự sum họp gia đình. Vậy trong 3 bữa ăn, con nên khéo léo để tạo hoàn cảnh sum họp gia đình yên vui và hạnh phúc. Chỉ một hành động nhỏ như vậy mà không cân nhắc kỹ, khiến bữa ăn trong gia đình buồn tẻ. Ðạo Phật là đạo trí tuệ, không làm khổ mình, khổ người, tạo cảnh tu tập cho mình mà luôn luôn làm cho mọi người vui, tức là tu thiền định xả tâm.
3.- TRIỆU VONG TIẾP LINH
Hỏi: Kính thưa Thầy! Lúc lâm chung, theo chúng con nghĩ, vong linh vẫn còn trong nhà, khi mời thầy cúng đến làm lễ phải triệuvong tiếp vong rồi mới tụng kinh. Như vậy có đúng không thưa Thầy?
Ðáp: Theo đạo Phật khi một người chết, tức là thân tứ đại tan rã, mà thân tứ đại tan rã thì thân ngũ uẩn cũng không còn sót một thứ gì, nghĩa là tất cả đều hoại diệt sạch, không có vong linh và thần thức nào còn, chỉ còn lại hành động thiện ác, tức là “nghiệp lực” và nghiệp lực tiếp tục tái sanh luân hồi.
Cho nên, đối với đạo Phật không có triệu linh và tiếp linh, vì có linh hồn đâu mà triệu và tiếp. Cái không có người ta tưởng ra cho có, thì đó là mù quáng vô minh không hiểu biết. Người Phật tử không nên nghe theo lời dạy vô minh này.
Tất cả thế giới hữu hình có con người và vạn vật cỏ cây, đất đá núi sông, dưới đôi mắt của đức Phật chỉ là những cảnh huyễn giả, những cảnh tưởng tri không có thật. Cảnh hữu hình còn như vậy thì cái thế giới vô hình làm sao có thật được mà cầu mà cúng, mà triệu linh, tiếp linh. Phải không quý vị?
Nếu thế gian này có thật thì phải có một vật hằng còn. Nhưng dòng lịch sử của loài người chưa chứng minh có một vật gì hằng còn, tất cả đều hoại diệt theo thời gian năm tháng.
Cho nên, những việc làm của các nhà phát triển kinh sách Bà La Môn là việc làm mê tín dị đoan, lừa đảo con người. Vậy chúng ta là những tử đệ tử của Phật, mà lại đi nghevà làm theo những lời dạy không đúng sự thật, thì chúng ta có xứng đáng là đệ tử của Phật nữa không? Người tín đồ của Phật giáo không nên nghe và làm theo những việc mê tín dị đoan, ngu si để bị người khác lừa đảo thì quá dại dột.
4.- TỨ CHÚNG CỦA PHẬT
Hỏi: Kính thưa Thầy! Trong giới luật của Phật nếu đệ tử của Phật giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh và khép mình trong giới luật triệt để thì được xếp vào bốn hàng tứ chúng (cư sĩ nam, cư sĩ nữ, tỳ kheo Tăng và tỳ kheo Ni) như vậy có bằng phẩm Bát Bộ Thiên Long không?
Ðáp: Bốn chúng đệ tử của Phật là Tăng, Ni, cư sĩ nam và cư sĩ nữ đều phải giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh mới gọi là đệ tử Phật, còn Tăng, Ni và cư sĩ mà không giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh thì gọi là đệ tử của Bà La Môn giáo, tức là Phật giáo phát triển.
Bốn chúng đệ tử Phật không thể gọi là Bát Bộ Thiên Long được.
Bát Bộ Thiên Long gồm có:
1- Thiên Chúng gồm sáu cõi trời dục giới, bốn trời tứ thiền sắc giới, bốn trời vô sắc giới.
2- Long Chúng (rồng) gồm có tám vị Long Vương.
3- Dạ Xoa là những quỷ thần.
4- Càn Thát Bà là thần âm nhạc ở cõi trời Ðế Thích.
5- A Tu La là thần quả báo (thích đánh nhau).
6- Ca Lâu La (Thần kim xí điểu)
7- Khẩn Na La là giống thần đầu ngườithường ca hát ở cõi trời Ðế Thích.
8- Ma Hầu La Già là thần mãng xà (thần rắn).
Trong kinh Nguyên Thủy đức Phật đã xác định Bát Bộ Thiên Long là tưởng tri, chớ không phải liễu tri. Vậy Bát Bộ chẳng phải là thế giới trời, người, quỷ, thần mà do tín ngưỡng Ấn Ðộ đã xây dựng từ xưa trước khi có đạo Phật.