TU TỨ BẤT HOẠI TỊNH KHỎI TU ĐỊNH VÔ LẬU
(Trưởng lão Thích Thông Lạc, trích ĐVXP. tập 2, TG.2011, tr.72-74)
link sách: ĐVXP. tập 2
Hỏi: Kính thưa Thầy! Khi tâm còn tham, sân, si, mạn, nghi, con tu Tứ Bất Hoại Tịnh thì tâm con được giải thoát rồi, thì con khỏi tu Ðịnh Vô Lậu được không?
Ðáp: Ðược, muốn tu Tứ Bất Hoại Tịnh thì con phải tu Ðịnh Vô Lậu, tu Ðịnh Vô Lậu tức là thể hiện pháp môn Tứ Niệm Xứ, thể hiện Tứ Niệm Xứ tức là trên thân, thọ, tâm và pháp mà tu tập, sống và làm việc giống như thân, thọ, tâm, pháp của đức Phật nhưng muốn tu tập cho được tốt thì con phải tù y theo đặc tướng thân, thọ, tâm và pháp của các con mà niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng và niệm Giới được triển khai mạnh, quét sạch tất cả các lậu hoặc, diệt ngã, xả tâm, ly dục, ly ác pháp.
Tu như vậy gọi là tu Ðịnh Vô Lậu câu hữu (kết hợp) với pháp Tứ Bất Hoại Tịnh, tức là tu Ðịnh Vô Lậu thân, thọ, tâm và pháp để sống và làm đúng như đức Phật đang sống và đang hành. Ðúng như pháp mà đức Phật đã dạy không được làm sai lời dạy của pháp. Ðúng như đời sống chúng Thánh Tăng đang sống đang hành và đúng như giới luật đã dạy không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào cả.
Tứ Bất Hoại Tịnh là bốn pháp hay là bốn đối tượng gương hạnh thanh tịnh của đạo Phật, để làm bốn chỗ chúng ta lấy Thân, thọ, tâm và pháp của mình nương theo đó giữ gìn tu tập, sống đúng đời sống giải thoát của bốn chỗ này, khiến cho thân tâm chúng ta thanh tịnh, nên đức Phật gọi pháp môn này là Tứ Bất Hoại Tịnh.
Tứ Bất Hoại Tịnh có nghĩa là bốn pháp tu tập giúp cho thân tâm thanh tịnh, thân tâm thanh tịnh tức là sự giải thoát của đạo Phật, sự giải thoát của đạo Phật có nghĩa là tâm ly dục ly ác pháp, tâm ly dục ly ác pháp có nghĩa là không làm khổ mình, khổ người. Không làm khổ mình, khổ người là một đạo đức nhân bản của đạo Phật, một đạo đức tuyệt vời biến cảnh thế gian này thành cảnh Cực Lạc, Thiên Ðàng.
Trong kinh sách Nguyên Thủy Ðức Phật dạy tu Tứ Bất Hoại Tịnh là có bốn cách niệm :
1. Niệm Phật
2. Niệm Pháp
3. Niệm Tăng
4. Niệm Giới