1.- DÙNG TƯỞNG TU TẬP; 2.- BỜ BÊN NÀY, BỜ BÊN KIA
(Trưởng lão Thích Thông Lạc, trích NLGPD 2, TG. 2010, tr. 117-121; 208-219)
link sách: NLGPD 2
1.- DÙNG TƯỞNG TU TẬP
LỜI PHẬT DẠY:
“Này các Tỳ Kheo, có mười sáu tưởng này được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến quả lớn, lợi ích lớn, thể nhập vào bất tử, lấy bất tử làm cứu cánh. Thế nào là mười sáu tưởng?
1- Tưởng bất tịnh
2- Tưởng vô thường
3- Tưởng chết
4- Tưởng khổ trên vô thường
5- Tưởng vô ngã trên khổ
6- Tưởng đoạn tận
7- Tưởng ly tham
8- Tưởng đoạn diệt
9- Tưởng vô ngã
10- Tưởng nhàm chán trong các món ăn
11- Tưởng không hoan hỷ đối với tất cả thế giới
12- Tưởng xương trắng
13- Tưởng trùng ăn
14- Tưởng xanh bầm
15- Tưởng nứt nẻ
16- Tưởng trương phồng
Này các Tỳ Kheo, mười sáu tưởng này được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến quả lớn, thể nhập vào bất tử, lấy bất tử làm cứu cánh”. (Tăng Chi Kinh tập 4 trang 380)
CHÚ GIẢI:
Trong pháp tu hành của Phật, chúng ta được phép dùng tưởng để tu tập. Nhưng chúng ta phải hiểu khi dùng tưởng có ích lợi về việc ly dục ly ác pháp trên thân tâm của chúng ta, chứ không phải dùng tưởng xuất hồn, tưởng hào quang, ánh sáng, tưởng Nhân điện, tưởng Khinh công, Khí công, Nội công, tưởng Phật Tánh, tưởng Cực Lạc, Thiên Ðàng, tưởng thế giới siêu hình, tưởng trí tuệ Bát Nhã tánh không, tưởng Chân Không diệu hữu...
Pháp tưởng của Phật dạy là một loại tưởng có như thật. Ý thức không thể thấu suốt quá khứ và vị lai, nó chỉ xác định được trong hiện tại. Vì thế, nó không thể chỉ có lấy thời gian hiện tại mà xác định được vô thường của các pháp. Muốn xác định được sự vô thường của các pháp, thì phải lấy thời gian hiện tại và quá khứ của mọi vật mà so sánh. Cho nên, muốn biết được thân vô thường thì chúng ta nhớtưởng về thân quá khứ (bằng tưởng thức) mà so sánh lại thân hiện tại (bằng Ý thức). Nhờ đó chúng ta mới nhận ra thân chúng ta có nhiều sự thay đổi. Sự thay đổi ấy là sự vô thường. Cho nên, mới gọi là tưởng thân vô thường. Có nghĩa là ngay trong hiện tại thân chúng ta thường thay đổi liên tục từng sát na đi qua (trong từng giây). Tưởng vô ngã, tưởng chết... tưởng xương trắng, tưởng trùng ăn, v.v... đều dùng tưởng uẩn mà quán xét như trên đức Phật đã dạy thì chúng ta sẽ thấy các pháp vô thường, vô ngã, bất tịnh, ... như thật.
Những loại quán tưởng đức Phật đã dạy trên đây là những loại quán tưởng các pháp thấy như thật, chứ không phải là những loại quán tưởng mơ hồ, ảo giác, trừu tượng như kinh sách Ðại Thừa và Thiền Tông phát triển dạy.
Những loại quán tưởng này dùng tưởng uẩn để quán xét sự thật của kiếp người, khiến cho chúng ta thấu suốt và thấy rõ bản chất thật của các pháp trên thế gian này. Nhờ đó, chúng ta không bị chúng lừa đảo và mê hoặc.
Mười sáu đề mục quán tưởng trên đây, nếu chúng ta chịu khó tu tập, làm cho tích tập, làm cho sung mãn thì có lợi ích rất lớn cho cuộc sống của chúng ta, nó giúp cho thân tâm được an lạc và hạnh phúc. Và cuối cùng, tâm có thể nhập vào bất tử, lấy bất tử làm cứu cánh.
Trên đây là lời Phật dạy, các bạn có tin chăng? Nếu các bạn tin thì các bạn cứ quán tưởng theo từng đề mục, khi đề mục này có kết quả thì các bạn quán tưởng đến đề mục khác và cứ tu tập như thế cho đến viên mãn 16 đề mục thì các bạn sẽ thấy tâm tham, sân, si của các bạn không còn nữa, chừng đó các bạn đã nhập vào bất tử tâm định.
Sự quán tưởng 16 đề mục trên đây là để tu tập Ðịnh Vô Lậu. Ðịnh Vô Lậu là một loại định quán tưởng tuyệt vời để đi đến chứng Thánh quả A La Hán.
Xin các bạn lưu ý: Vì pháp quán tưởng này dùng để tâm nhàm chán các pháp thế gian và nhờ đó mới diệt ngã xả tâm, ly dục ly bất thiện pháp hoàn toàn, chứ không nhưpháp môn của Ðại Thừa và Thiền Tông dùng tưởng pháp (thấy các pháp như mộng, như huyễn) để tránh né và đểức chế tâm cho hết vọng tưởng, cuối cùng rơi vào định tưởng (chẳng niệm thiện niệm ác), mà tâm chẳng ly tham đoạn ác pháp.
Qua 16 đề mục quán tưởng để tâm nhàm chán, nhờ có nhàm chán tâm mới xa lìa tham, sân, si mạn, nghi. Theo pháp quán tưởng này các bạn cứ suy ngẫm lại có đúng không? Chúc các bạn thành công tốt đẹp trên pháp hành này.
2.- BỜ BÊN NÀY, BỜ BÊN KIA
LỜI PHẬT DẠY:
“1- Tà kiến, này Bà La Môn, là bờ bên này, Chánh kiến là bờ bên kia.
2- Tà tư duy là bờ bên này, Chánh tư duy là bờ bên kia.
3- Tà ngữ là bờ bên này, Chánh ngữ là bờ bên kia.
4- Tà nghiệp là bờ bên này, Chánh nghiệp là bờ bên kia.
5- Tà mạng là bờ bên này, Chánh mạng là bờ bên kia.
6- Tà tinh tấn là bờ bên này, Chánh tinh tấn là bờ bên kia.
7- Tà niệm là bờ bên này, Chánh niệm là bờ bên kia.
8- Tà định là bờ bên này, Chánh định là bờ bên kia.
9- Tà trí là bờ bên này, Chánh trí là bờ bên kia.
10- Này Bà La Môn, Tà giải thoát là bờ bên này, Chánh giải thoát là bờ bên kia.
Này Bà La Môn, đây là bờ bên này, đây là bờ bên kia”.
“Ít người giữa nhân loại,
Ðến được bờ bên kia
Còn số người còn lại
Xuôi ngược chạy bờ này
Những ai hành trì pháp
Theo Chánh pháp khéo dạy
Sẽ đến bờ bên kia…”. (Tăng Chi Bộ, Chương Mười Pháp, Phẩm Đi Xuống, Kinh (IV) (117) Sangàrava)
CHÚ GIẢI:
Theo Phật giáo xác định cho chúng ta thấy hai lộ trình:
1- Lộ trình đau khổ.
2- Lộ trình hết đau khổ.
Lộ trình đau khổ là bờ bên này, lộ trình hết đau khổ là bờ bên kia. Tà là đau khổ, chánh là hết khổ đau; ác là đau khổ, thiện là hết khổ đau.
Ðọc đoạn kinh trên đây, chúng ta xét thấy sự giải thoát của Phật giáo rất rõ ràng và dễ dàng không có khó khăn. Bởi vì cần có chánh tri kiến hiểu biết thiện và ác là giải thoát ở ngay đó, như bờ bên này và bờ bên kia.
v Đức Phật dạy: “Tà kiến, này Bà La Môn, là bờ bên này, Chánh kiến là bờ bên kia”. Vậy, Tà kiến và Chánh kiến là gì?
Tà kiến là thấy đúng, thấy sai, thấy phải, thấy trái, thấy trắng, thấy đen, thấy tốt, thấy xấu, v.v.. do đó, thường ở bờ bên này chịu nhiều khổ đau.
Chánh kiến là thấy nhân, thấy quả. Do thấy nhân quả như thật nên ở bờ bên kia không còn khổ đau. Chúng tôi thường khuyên mọi người: “Chớ nhìn mọi việc đúng sai phải trái mà hãy nhìn nó là thiện ác thì cuộc đời các bạn sẽđược an vui và hạnh phúc ngay liền”.
v Đức Phật dạy: “Tà tư duy là bờ bên này, Chánh tư duy là bờ bên kia”. Vậy, Tà tư duy và Chánh tư duy nghĩa là gì?
Muốn hiểu rõ lời dạy này thì phải hiểu nghĩa tư duy. Tư duy là sự suy nghĩ.
Tà tư duy là suy nghĩ một điều gì, điều đó làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai. Nói cho rõ ràng hơn là sự suy nghĩ làm cho chúng ta buồn khổ, phiền não, tức giận căm ghét, thương nhớ, lo sợ, âu sầu, v.v.. Sự suy nghĩ như vậy là không giải thoát mà đức Phật dạy: “Tà tư duy là bờ bên này”. Bờ bên này là bờ đau khổ, địa ngục. Vì thế, Ðạo Phật không chấp nhận những sự tư duy như vậy, đó là những tư duy của người không có trí còn sống trong mê mờ ngu si.
Chánh tư duy là sự suy nghĩ một điều gì mà điều đó không làm khổ mình, khổ người, khổ cả hai. Chánh tư duy là một sự suy nghĩ làm cho chúng ta không buồn phiền, không làm cho ta tức giận, không làm cho ta lo lắng sợ hãi, không làm cho ta bất toại nguyện, v.v… Sự suy nghĩ như vậy, mang đến cho chúng ta một tâm hồn an vui và hạnh phúc biến cảnh thế gian thành cõi Cực Lạc, Thiên Ðàng. Cho nên, đức Phật dạy: “Chánh tư duy là bờ bên kia”. Bờ bên kia tức là bờ giải thoát.
Nếu cuộc sống mà chúng ta khéo Chánh tưduy như vậy, thì lúc nào tâm hồn cũng thanh thản, an lạc và vô sự, không còn một ác pháp nào tác động được thân tâm thì chúng ta đã chứng quả A La Hán, đâu còn gì mà tu tập nữa.
Phải không các bạn? Cho nên, bờ bên kia là bờ của những bậc A La Hán ở.
v Ðức Phật dạy: “Tà ngữ là bờ bên này, Chánh ngữ là bờ bên kia”. Vậy, Tà ngữ và Chánh ngữ nghĩa là gì?
Tà ngữ là lời nói ác. Lời nói ác có bốn:
1- Nói lời hung dữ
2- Nói lời đâm thọc
3- Nói lời lật lọng
4- Nói lời không thật
Người nào còn nói những lời ác ngữ là còn ở bờ bên này, bờ bên này là bờ đau khổ. Chính lời ác khẩu là sự đau khổ của người có lời nói ấy, khi ta nói lời tà ngữ ấy là địa ngục mở cửa đón ta.
Chánh ngữ là những lời nói thiện. Lời nói thiện có bốn:
1- Không nói lời hung dữ
2- Không nói lời đâm thọc
3- Không nói lời lật lọng
4- Không nói lời không thật
Lời nói không làm khổ mình, khổ người là lời nói thiện, lời nói ấy là chánh ngữ, nếu ai đã từng nói những lời nói này là người ở bờ bên kia, bờ giải thoát, như vậy chứng quả A La Hán đâu phải khó. Phải không các bạn?
v Ðức Phật dạy: “Tà nghiệp là bờ bên này, Chánh nghiệp là bờ bên kia”. Vậy, Tà nghiệp và Chánh nghiệp là gì?
Tà nghiệp là những hành động làm khổ mình, khổ người, khổ cả hai. Nếu ai có những hành động như vậy là người ấy đang mở cửa địa ngục, đang ở bờ bên này, bờ khổ đau.
Chánh nghiệp là những hành động không làm khổ mình, khổ người, khổ cả hai. Chánh nghiệp là những hành động mở cửa Thiên Ðàng cho chúng ta bước vào. Ai từng có những hành động này là ở bờ bên kia. Bờ bên kia là bờ giải thoát, bờ giải thoát là bờ vô lậu. Như vậy, chứng quả A La Hán đâu phải khó khăn. Phải không các bạn?
v Ðức Phật dạy: “Tà mạng là bờ bên này, Chánh mạng là bờ bên kia”. Vậy, Tà mạng và Chánh mạng nghĩa là gì?
Tà mạng là nuôi mạng sống không chân chánh có nghĩa là ăn uống và ngủ nghỉ phi thời, ăn uống không tiết độ, ăn uống những thức ăn độc vào thân, ăn uống thích món ngon vật lạ, cao lương mỹ vị. Người ăn uống phi thời như vậy là mở cửa địa ngục, là ở bờ bên này. Ở bờ bên này là bờ đau khổ.
Chánh mạng là ăn uống không phi thời, ăn uống có tiết độ, ăn để sống chứkhông phải ăn cho ngon, ăn cho bổ mập, ăn những cao lương mỹ vị. Chánh mạng không bao giờ ăn thịt chúng sanh. Chánh mạng là nuôi mạng sống không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh. Chánh mạng là ở bờ bên kia, bờ giải thoát, bờ vô lậu. Như vậy chứng quả A La Hán đâu phải khó. Phải không các bạn?
v Ðức Phật dạy: “Tà tinh tấn là bờ bên này, Chánh tinh tấn là bờ bên kia”. Vậy, Tà tinh tấn và Chánh tinh tấn nghĩa là gì? Tinh tấn có nghĩa là siêng năng. Tà tinh tấn là siêng làm điều ác, luôn luôn làm khổ mình, khổ người, khổ tất cả chúng sanh. Người siêng năng làm điều ác là người mở cửa địa ngục cho mình là người ở bờ bên này, bờ đau khổ.
Chánh tinh tấn là hằng ngày siêng ngăn ác diệt ác pháp, luôn luôn sinh thiện tăngtrưởng thiện pháp. Người nào luôn luôn sống Chánh tinh tấn như vậy là người mở cửa Thiên Ðàng, là người ở bờ bên kia, bờ giải thoát, bờ không còn khổ đau. Như vậy, chứng quả A la Hán không có khó khăn, không có mệt nhọc. Phải không các bạn?
v Ðức Phật dạy: “Tà niệm là bờ bên này, Chánh niệm là bờ bên kia”. Vậy, Tà niệm và Chánh niệm nghĩa là gì?
Tà niệm là pháp môn của ngoại đạo, người tu tập theo pháp của ngoại đạo như: tụng kinh, niệm chú, niệm Phật bắt ấn, ngồi thiền ức chế tâm, tụng kinh cầu siêu, cầu an, cúng sao giải hạn, trừ tà yểm quỷ, v.v… Người nào chuyên tu hành những pháp môn ấy là mở cửa địa ngục, sẽ lọt vào thế giới tưởng, sẽ bị bệnh thần kinh điên khùng, là người ở bờ bên này, bờ bên này là bờ đau khổ, bờ không giải thoát.
Chánh niệm là pháp môn Tứ Niệm Xứ, người nào tu pháp môn này sẽ có giải thoát ngay liền, họ đang ở bờ bên kia, bờ không còn đau khổ, bờ không còn lậu hoặc, chỉ trong vòng 7 ngày, 7 tháng, 7 năm là viên mãn. Như vậy, chứng quả A La Hán đâu có gì khó khăn. Phải không các bạn?
v Ðức Phật dạy: “Tà định là bờ bên này, Chánh định là bờ bên kia”. Vậy, Tà định và Chánh định nghĩa là gì?
Tà định là những thiền định của ngoại đạo, như Bốn Thiền Vô Sắc: Không Vô Biên Xứ Tưởng, Thức Vô Biên Xứ Tưởng, Vô Sở Hữu Xứ Tưởng, Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Tưởng, Thiền Tri Vọng, Thiền Công Án, Thiền Minh Sát Tuệ, v.v... những loại thiền định này không làm chủ sanh, già, bệnh, chết, không chấm dứt tái sanh luân hồi. Nó là những Tà định là ở bờ bên nay, bờ đau khổ, bờ địa ngục không giải thoát.
Chánh định là Tứ Thánh Ðịnh, pháp môn thiền định của Phật giáo. Người nào tu tập Tứ Thánh Ðịnh là đang ở bờ bên kia, bờ giải thoát. Tứ Thánh Ðịnh là pháp môn làm chủ sanh, già, bệnh, chết, nhưng muốn nhập được Tứ Thánh Ðịnh là phải có Tứ Như Ý Túc. Người có Tứ Như Ý Túc là người ở bờ bên kia. Như vậy, chứng quả A La Hán đâu phải khó khăn. Phải không các bạn?
Ðức Phật dạy: “Tà trí là bờ bên này, Chánh trí là bờ bên kia”. Vậy, Tà trí và Chánh trí nghĩa là gì?
Tà trí là tri kiến không có giới luật, tri kiến không có giới luật là tri kiến ác, ác với mình, với người và ác cả hai, tri kiến không giới luật là tri kiến làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai. Người có tri kiến này là người khổ đau, người ở bờ bên này, người ở trong địa ngục.
Chánh trí là tri kiến có giới luật như đức Phật đã dạy: “Tri kiến ở đâu thì giới luật ở đó, giới luật ở đâu thì tri kiến ở đó. Giới luật làm thanh tịnh tri kiến, tri kiến làm thanh tịnh giới luật”. Nếu một người sống có tri kiến và giới luật như vậy, là ở bờ bên kia, bờ giải thoát. Như vậy, chứng quả A La Hán đâu phải khó khăn như mọi người nghĩ. Phải không các bạn?
Ðức Phật dạy: “Này Bà La Môn, Tà giải thoát là bờ bên này, Chánh giải thoát là bờ bên kia”. Vậy, Tà giải thoát và Chánh giải thoát là gì?
Tà giải thoát là tu tập cầu mong gặp Tổ, gặp Phật, có thần thông biến hóa tàng hình, biết chuyện quá khứ vị lai, ngồi thiền sinh hỷ lạc, ngồi thiền thấy xuất hồn, ngồi thiền thấy hào quang ánh sáng, nghe âm thinh trong tai, nghe mùi hương thơm ngào ngạt, nghe vị ngọt trong cổ, v.v.. Ðó là Tà giải thoát, nên tâm còn tham sân si ngút ngàn, vì thế luôn luôn lúc nào cũng ở bên bờ bên này, bờ đau khổ.
Chánh giải thoát là tâm bất động trước các pháp ác và các cảm thọ, tâm thanh thản, an lạc và vô sự, tâm không phóng dật đó là ở bờ bên kia, bờ giải thoát, tâm vô lậu. Như vậy, tu chứng quả A La hán đâu phải khó khăn.Phải không các bạn?
Ðoạn kinh này xác định có 10 pháp ở bờbên kia hay nói cách khác là đoạn kinh này dạy chúng ta nên chọn lấy một pháp trong 10 pháp này để sống đúng lời dạy thì luôn luôn ở bờ bên kia tức là chứng quả A La Hán. Cho nên, tóm lược bài pháp này bằng những câu kệ xác định bờ bên này và bờ bên kia. Ðức Phật dạy: “Này Bà La Môn, đây là bờ bên này, đây là bờ bên kia”.
“Ít người giữa nhân loại
Ðến được bờ bên kia
Còn số người còn lại
Xuôi ngược chạy bờ này
Những ai hành trì pháp
Theo Chánh pháp khéo dạy
Sẽ đến bờ bên kia…”
Người ở đời vì vô minh lầm chấp cho các pháp thế gian là thật có, nên không dám buông bỏ, vì thế mà chạy xuôi, chạy ngược, chịu khổđau vô cùng vô tận, chứ không phải chứng quả A La Hán của Phật là khó. Khó là do không buông xả dục và các pháp.