In bài này

CÁCH TU ĐỊNH NIỆM HƠI THỞ

Lượt xem: 20045

(Trưởng lão Thích Thông Lạc, trích ĐVXP, tập 9, TG.2011, tr.206-210)
link sách: ĐVXP, tập 9

Hỏi: Kính bạch Thầy! Xin Thầy chỉ rõ cách tu Ðịnh Niệm Hơi Thở và Chánh Niệm Tỉnh Giác Ðịnh.

Ðáp: Cách tu Ðịnh Niệm Hơi Thở có 19 giai đoạn tu tập:

1/ Hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra.

2/ Hít vô dài tôi biết tôi hít vô dài, thở ra dài tôi biết tôi thở ra dài.

3/ Hít vô ngắn tôi biết tôi hít vô ngắn, thở ra ngắn tôi biết tôi thở ra ngắn.

4/ Cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô, cảm giác toàn thân tôi biết tôi thở ra.

5/ An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra.

6/ Cảm giác tâm hành tôi biết tôi hít vô, cảm giác tâm hành tôi biết tôi thở ra

7/ An tịnh tâm hành tôi biết tôi thở vô, an tịnh tâm hành tôi biết tôi thở ra.

8/ Quán thân vô thường tôi biết tôi hít vô, quán thân vô thường tôi biết tôi thở ra.

9/ Quán thọ vô thường tôi biết tôi hít vô, quán thọ vô thường tôi biết tôi thở ra.

10/ Quán tâm vô thường tôi biết tôi hít vô, quán tâm vô thường tôi biết tôi thở ra.

11/ Quán các pháp vô thường tôi biết tôi hít vô, quán các pháp vô thường tôi biết tôi thở ra.

12/ Quán ly tham tôi biết tôi hít vô, quán ly tham tôi biết tôi thở ra.

13/ Quán ly sân tôi biết tôi hít vô, quán ly sân tôi biết tôi thở ra.

14/ Quán từ bỏ tâm tham tôi biết tôi hít vô, quán từ bỏ tâm tham tôi biết tôi thở ra.

15/ Quán từ bỏ tâm sân tôi biết tôi hít vô, quán từ bỏ tâm sân tôi biết tôi thở ra.

16/ Quán đoạn diệt tâm tham tôi biết tôi hít vô, quán đoạn diệt tâm tham tôi biết tôi thở ra.

17/ Quán đoạn diệt tâm sân tôi biết tôi hít vô, quán đoạn diệt tâm sân tôi biết tôi thở ra.

18/ Với tâm định tỉnh tôi biết tôi hít vô,với tâm định tỉnh tôi biết tôi thở ra.

19/ Với tâm giải thoát tôi biết tôi hít vô, với tâm giải thoát tôi biết tôi thở ra

Ðây là 19 giai đoạn tu tập về Ðịnh Niệm Hơi Thở, còn nếu tu tập cho trọn vẹn là phải 40 giai đoạn.

Hiện giờ con nên tu tập giai đoạn thứ nhất của Ðịnh Niệm Hơi Thở trong 1 tháng, khiến cho tâm nhu nhuyễn thuần thục quen dần với hơi thở và với phương pháp này. Vì từ xưa đến nay người ta tu tập hơi thở bằng cách quán niệm hơi thở nên thường ức chế tâm để cho hết vọng tưởng.

Bắt đầu tu con ngồi kiết già hoặc bán già, lưng thẳng, hai bàn tay để chồng nhau lên trên hai bàn chân, hai ngón tay cái đụng đầu vào nhau, khi thân ngồi yên lặng con cảm giác toàn thân được yên ổn, con như lý tác ý: “Ý thức phải tập trung biết hơi thở ra biết hơi thở vô”. Hai mắt con bắt đầu tập trung nhìn chóp mũi, con vừa hít vô vừa nhắc tâm: “Hít vô tôi biết tôi hít vô”, sau khi hít vô xong, con vừa thở ra vừa nhắc tâm: “Thở ra tôi biết tôi thở ra”. Một hơi thở đầu con nhắc tâm như vậy và 4 hơi thở kế tiếp con không nhắc, vẫn để tâm tự nhiên biết hơi thở ra và hơi thở vô, xong 5 hơi thở con đứng vậy đi kinh hành, trước khi đi kinh hành con nhắc tâm: “Ði kinh hành ý thức phải biết đi kinh hành”, bắt đầu đi kinh hành con chú ý bước chân đi và đi rất tự nhiên, đi theo thói quen đi hằng ngày của mình, không nên đi chậm quá mà cũng không nên đi nhanh quá, đinhư người vô sự, trong khi đi con thầm đếm mỗi bước đi là một số 1, 2, 3, 4, cho đến 20 bước, mỗi 5 bước là con hướng tâm một lần: “Tôiđi kinh hành tôi biết tôi đi kinh hành”,đúng 20 bước thì con ngồi trở lại, y như lúc ban đầu con ngồi tu hơi thở.

Con nên lưu ý: “giai đoạn tu tập này mục đích là tập luyện sự tỉnh thức, sự tinh cần và nghị lực chứ không phải tu tập cho hết vọng tưởng”.

Sau khi tu tập 1 tháng cho thuần thục Thầy sẽ dạy tiếp giai đoạn 2, còn nếu bây giờ Thầy dạy hết 19 đề mục Ðịnh Niệm Hơi Thở này thì con chỉ học để hiểu chứ tu hành bị rối rấm như cuộn tơ. Vì thế, Thầy bảo rằng: nếu có cơ sở sống đúng phạm hạnh Thầy trực tiếp dạy các con tu tập, chứ viết ra thành sách các con hiểu để mà hiểu còn tu tập thì không phải dễ.

Về hơi thở phải tu tập từng đề mục cho thuần thục, khi thuần thục đề mục này xong thì mới tu tập đề mục khác, chứ không phải tu một lần luôn cả 19 đề mục. Nếu tu tập như vậy là tu sai pháp.

Ðịnh Niệm Hơi Thở là pháp môn có lợi ích rất lớn trong vấn đề tu tập xả tâm trên Tứ Niệm Xứ để hộ trì và bảo vệ chân lý. Nếu không có Ðịnh Niệm Hơi Thở thì không thể nào tu tập Tứ Niệm Xứ được và cũng không thể nào tu tập pháp xả Tứ Vô Lượng Tâm được.

Bởi vậy Ðịnh Niệm rất cần thiết và hộ trợ trên bước đường về xứ Phật. Xin quý vị hãy tu tập kỹ lưỡng, đừng coi thường loại thiền định này.