In bài này

Nơi Có Chỗ Mẹ Nằm

Lượt xem: 3784

(Trưởng lão Thích Thông Lạc, trích Lòng Yêu Thương, T.2, TG.2010, tr.175-181)

Nguồn: Sách: Lòng Yêu Thương - Tập 2

Một người con hiếu tức là người con biết thương cha mẹ, biết giúp đỡ cha mẹ những việc làm nặng nhọc, chăm sóc cha mẹ khi đau ốm bệnh tật. Phải giặt giũ quần áo mùng màn, chiếu chăn; phải ẫm bồng hoặc dìu dắt cha mẹ đi vệ sinh hoặc tắm rữa, phải đút cho cha mẹ từng muỗng cơm hay cháo để người ăn cho được, nhất là còn phải tự tay làm những thức ăn ngon để cha mẹ ăn cho được. Ðêm đêm phải canh chừng khi cha mẹ ngủ để cha mẹ yên tâm nghỉ ngơi, khi cha mẹ buồn rầu lo lắng một điều gì thì phải hết lời khuyên cha mẹ và giúp đỡ cha mẹ hiểu để không còn lo lắng nữa. Khi cha mẹ mất rồi dù muốn báo hiếu như thế nào thì các người cũng không còn nữa. Lúc bấy giờ có ăn năn cũng chẳng ích lợi gì.

Tôi có một người anh mà mẹ tôi rất thương, ngày chúa nhật mỗi tuần lễ từ TP Hồ Chí Minh anh về thăm mẹ một lần, nên mỗi ngày chúa nhật nào mẹ cũng lo một mâm cơm canh và nhất là món cá kho. Vào ngày đó bà thường nhìn ra cổng trông chờ anh về cho đến khi trời đứng bóng mới thôi. Khi anh về thăm mẹ lúc mẹ còn làm được lặt vặt như nấu cơm,kho cá để dọn một mâm cơm canh cho anh. Lần nào cũng vậy, mẹ tôi tuy già yếu lụm cụm vẫn phải vào bếp nấu nướng cái này, cái kia cho anh ăn. Tuy vậy anh không hề quan tâm tình yêu thương của mẹ đối với anh. Anh chỉ lo cho vợ con bằng cách ra sau vườn của mẹ tìm hái trái cây như cam, quít, bưởi hay trái hồng xiêm, mãng cầu ta, mãng cầu xiêm để mang về.

Anh tôi thật vô tình chẳng bao giờ để ý Lòng Yêu Thương của mẹ đối với anh. Khi mẹ bệnh anh cũng chẳng ngó ngàng gì tới, anh thường về cho có mặt rồi đi hái trái để đem về cho vợ và con cái.

Khi mẹ bệnh nằm liệt một chỗ hai vợ chồng anh về thăm chỉ đứng ở xa chớ không dám lại gần, vì anh chị cho mẹ bị bệnh lao. Cho đến khi mẹ mất anh cũng chẳng tỏ ra thương khóc chút nào, cho nên khi mẹ mất chúng tôi đã chôn cất mẹ xong đến ngày thứ hai anh mới về. Từ đó về sau ít khi anh về thăm, và đến giờ chúng tôi cũng chẳng biết anh ở đâu.

Khi mẹ mới phát bệnh chúng tôi đưa mẹ đến bệnh viện Chợ Rẫy khám bệnh và xin anh chị cho mẹ ở nhờ nhà anh chị để tiện việc đi bệnh viện, nhưng ở trong nhà anh chỉ có ít hôm là anh chị đã đưa mẹ đến ở nhờ nhà của một người miền Bắc. Bà Hai người miền Bắc rất tốt bụng, vui lòng cho mẹ tôi ở tạm. Sau hơn 10 ngày tôi thấy bất tiện nên đưa mẹ về Trảng Bàng nuôi dưỡng cho đến khi mẹ mất. Ðọc bài NƠI CÓ CHỖ MẸ NẰM, nhớ lại ngày xưa, tôi rất xúc động, nước mắt cứ tuôn trào mà không cầm giữ được.

“Nếu tôi có bất cứ quyền phép nào bay ngược thời gian, trở lại ngày thơ bé còn có mẹ trên đời, tôi sẽ làm, như em trai tôi đã làm đối với mẹ, là mãn nguyện lắm rồi.

Thời đó, gia đình tôi gồm có năm người, ba, mẹ và ba anh em tôi. Nhưng từ khi anh tôi lên rừng kháng Pháp, nhà bỗng dưng trống hẳn. Cả bốn người cứ ngóng về anh, như bốn con sông đều trút lòng mình ra biển cả. Cạn kiệt nhất là mẹ tôi. Mẹ cứ nằm mơ thấy anh vết đạn đầy mình. Chẳng bao lâu người ngã bệnh.

Ba tôi làm thợ hớt tóc thấy khó khăn, chuyển qua làm nghề thợ mộc cũng không hơn gì. Còn mẹ, bắp vế phải sưng to, căng cứng. Mẹ cắn răng, âm thầm chịu. Chúng tôi, cơm ăn còn chẳng đủ, lấy tiền đâu thuốc thang cho mẹ, đành nhìn mẹ thảm thương cầu nguyện trời Phật.

Lúc đó, gia đình tôi như dòng sông đến khúc quanh, phải chia đôi để bớt đi nguồn nước: em trai tôi theo mẹ lên sống nương nhờ anh Giáo – anh gọi mẹ tôi là cô ruột, tôi theo ba lên che tạm cái chòi bên miếu nhỏ ngay trước mặt chợ phường sống qua ngày.

Tôi cứ ngày ngày lên xóm tỉnh cũ thăm mẹ và em. Hai người ở trong một chái bếp thấp lè tè, suốt ngày un khói. Biết làm sao được, dù anh Giáo hết lòng đùm bọc, nhưng căn nhà đâu có rộng như lòng anh! Mẹ, chỗ sưng đã chín mùi, mủ đã chảy, mẹ bớt đau, tôi mừng. Quần áo mẹ do một tay em tôi giặt. Em lúc nào cũng quanh quẩn bên mẹ để chờ được sai bảo. Chín tuổi mà trông em nhỏ như chú bé lên sáu, nhỏ con như không còn nhỏ hơn được nữa.

Ban đầu mủ chảy ra từ bắp vế mẹ có lẫn cả máu. Mùi hôi ít. Mủ có dính vào quần cũng dễ giặt. Lâu dần trong mủ có lợn cợn cả xương mủn, vì mẹ bị bệnh mạch lươn đục ruỗng. Mủ có màu xanh đùng đục! Ðứng gần đã thấy khó chịu, huống gì phải còng lưng xuống dí mũi vào để giặt rửa.

Tôi thăm mẹ có phần lơ là đi. Mãi đến khi ba tôi mê một bà hàng xóm goá chồng, đêm nào cũng đánh tứ sắc, riết rồi đeo luôn. Tôi tức lắm, ngỡ chính mình bị bội phản chứ không phải là mẹ, bèn bỏ về với mẹ.

Ðến lúc này tôi không còn cớ gì sanh nạnh với em được nữa, phải giặt quần áo cho mẹ để em còn đi học, nghĩ tới là rùng mình. Mủ ngấm nước như một bãi lầy gớm ghiếc, bốc mùi hôi nồng nặc, xộc thẳng lên óc, khiến tôi tối tăm mặt mày. Tôi phải đứng thẳng người, lấy chân vừa chà lên chỗ nhầy vừa xối nước. Mặt nghếch lên trời, mùi hôi khó tới. Còn cái quần của mẹ sạch hay không cũng mặc. Rồi tôi ung dung đem đi phơi, coi như xong…

Một hôm, tôi bịt mũi, nhón tay…, thằng em đến giật phăng cái quần, hầm hầm ra giếng. "A, trúng kế của anh rồi, em ơi!" Em lộn quần ra trước, ngâm kỹ, giặt cẩn thận, tỉ mỉ từng chút. Xong xổ sạch cả chục nước. Em không phơi ngay mà đem quần nhúng nước, rồi cứ để nguyên vậy giũ mạnh! Chi vậy không biết? Hoá ra em muốn quần mẹ khi khô không bị nhăn vì vắt kỹ (chúng tôi làm gì có tiêu chuẩn để ủi).

Và cứ vậy, từ sau khi em tức giận vì thấy tôi lơ là trong việc giặt quần cho mẹ, em giành làm hết mọi việc để hầu mẹ - chu đáo, tận tụy từ việc cơm nước, tiêu tiểu trong gần sáu năm liền cho đến ngày mẹ mất.

Sáu năm, mẹ tôi chống chọi với cái chết vì em! Mẹ không nở bỏ em bơ vơ một mình. Bây giờ trong ba anh em chúng tôi, em là người thành đạt nhất. Em đậu thẳng vào đại học, ra trường là kỹ sư công chánh từ năm 1968.

Sau 1975, tôi nghèo túng vì tài sản mất sạch khi từ Pleiku chạy về Sài Gòn, em vẫn kiên quyết ở lại, trong khi nhiều bạn bè cùng trang lứa vội vã ra đi. Vì em không nỡ rời xa nắm đất nơi có chỗ mẹ nằm, phải không em?”.

LÒNG YÊU THƯƠNG MẸ của một người con cần phải làm những gì khi mẹ già yếu hay bệnh tật. Bài NƠI CÓ CHỖ MẸ NẰM đã nói lên Lòng Yêu Thương MẸ của người con làm tròn bổn phận thật là tuyệt vời. Chúng ta hãy theo gương hạnh này mà nuôi dưỡng cha mẹ khi người già yếu. Câu chuyện tuy không có gì đặc sắc nhưng nó nói lên Lòng Yêu ThươngMẹ bằng những hành động YÊU THƯƠNG, mà mỗi người ai cũng có cha mẹ lúc còn sống ít ra cần phải dùng những lời êm ái ngọt ngào đối với cha mẹ, không được nói năn những lời thô lỗ nặng nhẹ cha mẹ.

Trên đời này rất cần Lòng Yêu Thương, nhưng mọi người dường như đã đánh mất nó. Nên dù là những người thân trong gia đình nhưng ai sống chết mặc ai, họ chẳng quan tâm tới, chỉ biết mình mà thôi.

***