• phattuvandao3
  • toduongtuyetson
  • vandao2
  • tamthuphattu
  • ttl3
  • vandaptusinh
  • thanhanhniem1
  • ThayTL
  • huongdantusinh
  • amthat2
  • amthat3
  • quetsan
  • chanhungphatgiao
  • tranhducphat
  • phattuvandao1
  • tinhtoa1
  • amthat1
  • ttl1
  • lailamtoduong1
  • benthayhocdao
  • daytusi
  • tinhtoa2
  • khatthuc1
  • lopbatchanhdao
  • thanhanhniem2
  • thanhanhniem3
  • Thầy Thông Lạc vấn đáp đạo cho các Phật tử
  • Tổ đường Tuyết Sơn
  • Thầy Thông Lạc giảng đạo cho các Phật tử
  • Thầy Thông Lạc trả lời tâm thư Phật tử
  • Thầy Thông Lạc tại Hòn Sơn Thánh Tích
  • Bên Thầy Thông Lạc học đạo
  • Thầy Thông Lạc dẫn dạy "Thân Hành Niệm" cho các Phật tử
  • Thầy Thông Lạc
  • Thầy Thông Lạc dẫn dạy cho các tu sinh
  • Thầy Thông Lạc đi khất thực
  • Thầy Thông Lạc đi khất thực
  • Thầy Thông Lạc quét dọn sân
  • Thầy Thông Lạc viết sách
  • Tranh đức Phật
  • Phật tử vấn đạo Thầy Thông Lạc
  • Thầy Thông Lạc đang ngồi tĩnh tọa
  • Am thất
  • Thầy Thông Lạc
  • Thầy Thông Lạc lai lâm tổ đường
  • Bên Thầy Thông Lạc học đạo
  • Thầy Thông Lạc dẫn dạy tu sĩ
  • Thầy Thông Lạc đang ngồi tĩnh tọa
  • Thầy Thông Lạc đi khất thực
  • Thầy Thông Lạc dẫn dạy "Thân Hành Niệm" cho các Phật tử
  • Thầy Thông Lạc dẫn dạy "Thân Hành Niệm" cho các Phật tử
In bài này

Thiền Xả Tâm

Lượt xem: 11204

(Trưởng lão THÍCH THÔNG LẠC, trích NLGPD.1, TG.2011, tr.109-117)

Nguồn: Sách: Những Lời Gốc Phật Dạy - Tập 1


LỜI PHẬT DẠY

“Giữ thân được nhẹ nhàng

Giữ tâm khéo giải thoát

Không còn các sở hành

Chánh niệm không tham trước

Biết rõ được chánh pháp

Không tầm tu thiền định

Không phẫn nộ vọng niệm

Không thuỳ miên giải đãi

Như vậy vị tu sĩ

Sống giữa nhiều chướng ngại

Ðã vượt năm bộc lưu

Lại gắng vượt thứ sáu

Như vậy tu thiền tư (xả)”

CHÚ GIẢI:

Trong thời đại chúng ta nói đến tu thiền thì ai cũng đều hiểu là phải ngồi bán già hay kiết già rồi tập trung gom tâm, giữ tâm không vọng tưởng. Như Tịnh Ðộ Tông trong kinh Di Ðà dạy: “Thất nhật nhất tâm bất loạn chuyên trì danh hiệu A Di Ðà Phật”, tức là bảy ngày đêm niệm Phật A Di Ðà không có niệm vọng tưởng xen vào câu niệm Phật thì khi lâm chung được đức Phật A Di Ðà rước về cõi Cực Lạc Tây phương. Thiền Tông trong kinh Pháp Bảo Ðàn dạy: “chẳng niệm thiện niệm ác bản lai diện mục hiện tiền” tức là kiến tánh thành Phật. Trong kinh sách Ðại Thừa Kim Cang dạy: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, có nghĩa là đừng nên trụ tâm vào bất cứ một chỗ nào thì tâm kia là Phật. Pháp An Ban Thủ Ý, Lục Diệu Pháp Môn của các Tổ dạy đều đếm hơi thở hoặc tùy hơi thở ra vô để ức chế tâm không cho vọng tưởng xen vào.

Từ xưa cho đến ngày nay, người ta đã tu tập thiền ức chế tâm như vậy, nhưng kết quả không thấy ai giải thoát cả, chỉ huyền thoại những câu chuyện lừa đảo chúng ta mà thôi. Cho nên một Thiền sư Việt Nam, Ngài Thường Chiếu, nói về Thiền Ðông Ðộ, cho đó là bọn đại bịp, một con chó sủa một bầy chó sủa theo. Biết tu không kết quả nhưng chẳng có Thầy Tổ nào dám nói thật cho chúng ta biết.

Ðến ngày nay, chúng ta vẫn còn chịu ảnh hưởng quá sâu đậm, nên ngồi lại tu thiền người nào cũng gom tâm tập trung, chỉ mong diệt sạch vọng tưởng. Ðó là một tập khí (thói quen), mọi người không thể bỏ được.

Ngược lại, Ðạo Phật dạy thiền xả tâm “Ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp”, chứ không phải ngồi bán già, kiết già ức chế tâm như vậy.

Qua bài kệ trên đây chúng tôi xin hỏi quý vị, quý vị cứ thành thật mà trả lời: “Khi ngồi bán già, hoặc kiết già mà cố chịu đựng khi hai chân bị đau hoặc tê hoặc nóng, đó là ác pháp hay là thiện pháp? Ðây có phải là tự mình làm khổ mình chăng? Khi tập trung gom tâm đầu nặng hay nhức đầu mà cố kéo dài chịu trận, đây là thiện pháp hay là ác pháp? Ðây có phải tự mình làm khổ mình chăng? Ðức Phật dạy ngăn ác diệt ác pháp, mà tự làm khổ mình thì có ngăn ác diệt ác pháp không? Xin quý vị trả lời.”

Trong bài kệ đức Phật dạy: “giữ thân được nhẹ nhàng”, tức là thân khinh an, thân khinh an ở đây thân có đau, tê, nóng không quý vị?

Câu kệ thứ hai: “giữ tâm khéo giải thoát”. Ở đây tâm hữu sự hay vô sự? Nếu bảo rằng vô sự thì sao tâm Thiền Tông, Ðại Thừa lại làm việc quá nhiều (gom tâm tập trung vào hơi thở, dùng câu niệm Phật, khởi nghi tình đến nỗi nặng đầu, v.v...). Khéo giữ tâm giải thoát có nghĩa là tâm thanh thản, an lạc và vô sự.

Câu kệ thứ ba: “Không còn các sở hành”. Ở đây, chúng ta cần phải hiểu nghĩa sở hành. Vậy sở hành nghĩa là gì? Sở hành nghĩa là bản tính thói quen của một con người.

Khi tu tập khéo giữ gìn tâm bằng cách dùng ý thức tri kiến ly dục, ly ác pháp thì tâm sẽ được thanh thản, an lạc và vô sự. Do tâm được thanh thản, an lạc và vô sự, nên không còn các sở hành tức là thói quen không còn, hay nói cách khác là tập khí không còn.

Thiền Tông hay Ðại Thừa khi tu hành kiến tánh thành Phật rồi mà tâm tham, sân, si, mạn, nghi vẫn còn thì họ bảo rằng “Bồ Tát vẫn còn tập khí”. Ðó cũng là lời nói lừa mình, lừa người của kinh sách Ðại Thừa. Còn Phật giáo Nguyên Thủy thì đức Phật xác định “Không còn các sở hành”, tức là không còn tập khí (thói quen).

Câu kệ thứ tư: “Chánh niệm không tham trước”. Vậy tham trước nghĩa là gì? Tham trước có nghĩa là do tâm tham muốn dính mắc các pháp. Toàn câu kệ “Chánh niệm không tham trước” có nghĩa là tu tập Tứ Niệm Xứ nên tâm đã khắc phục được những tham ưu trên thân, thọ, tâm và pháp. Nhờ đó, mà tâm không còn phóng dật.

Câu kệ thứ năm: “Biết rõ được chánh pháp”. Biết rõ được chánh pháp tức là biết cách tu tập của pháp Tứ Niệm Xứ.

Câu kệ thứ sáu: “Không tầm tu thiền định”. Ở đây đức Phật dạy: Biết cách tu tập của pháp Tứ Niệm Xứ thì không cần phải đi tìm pháp tu tập thiền định nào khác nữa.

Câu kệ thứ bảy: “Không phẫn nộ vọng niệm”. Người tu tập theo thiền xả tâm của Tứ Niệm Xứ thì vọng niệm đến càng tốt, vì có đối tượng dùng pháp tác ý trong chánh tư duy. Nhờ có tu tập như vậy tri kiến giải thoát sẽ hiện bày. Do tri kiến giải thoát hiện bày thì sở hành và tham trước không còn. Sở hành và tham trước không còn thì tâm không phóng dật; tâm không phóng dật thì thành chánh giác. “Nhờ tâm không phóng dật mà Ta thành Chánh Giác”, đây là lời di chúc của đức Phật đã xác định lúc sắp nhập Niết bàn.

Người tu hành hiện nay ngồi hoặc đi kinh hành thấy không vọng niệm là cho mình tu tập có kết quả tốt, còn có vọng niệm xen vào là cho tu tập xấu, không tốt. Ðó là một quan niệm hết sức sai lầm trong vấn đề tu tập để làm chủ sanh, già, bệnh, chết. Ðối với Phật giáo thì vọng niệm là một đối tượng để tu tập Ðịnh Vô Lậu. Có tu tập Ðịnh Vô Lậu thì mới chứng quả A La Hán vô lậu. Phải không các bạn?

Bởi vậy câu kệ dạy: “Không phẫn nộ vọng niệm” xác định được pháp tu không ức chế tâm. Xin các bạn lưu ý câu kệ này, nó giúp các bạn tu tập đúng pháp.

Câu kệ thứ tám: “Không thùy miên giải đãi”. Vậy thuỳ miên, giải đãi nghĩa là gì? Thùy miên là buồn ngủ; giải đãi là lười biếng. Khi biết cách tu tập Tứ Niệm Xứ thì phải thiện xảo phá cho sạch buồn ngủ và lười biếng, vì trạng thái buồn ngủ và lười biếng thuộc về tâm si nên rất khó dẹp, phải kiên trì, bền chí đi kinh hành Chánh Niệm tỉnh giác hoặc tu tập pháp môn Thân Hành Niệm thì mới có hy vọng dẹp bỏ được.

Câu kệ thứ chín: “Như vậy vị tu sĩ”. Câu này đức Phật xác định nếu vị tu sĩ tu tập được như trên, thì dù bất cứ ở nơi đâu chẳng còn lo sợ các ác pháp, vì tu tập như vậy thì không có ác pháp nào tác động vào tâm được, tâm luôn luôn bất động.

Câu kệ thứ mười: “Sống giữa nhiều chướng ngại”. Câu này lại chỉ rõ hơn, không còn sợ chướng ngại nào tác động vào tâm tư họ được, có nghĩa là người tu sĩ tu tập được như vậy dù sống giữa nhiều chướng ngại pháp mà tâm vẫn thanh thản, an lạc và vô sự một cách tự nhiên.

Câu kệ thứ mười một: “Ðã vượt năm bộc lưu”. Khi người tu sĩ tu tập như vậy, dù sống giữa nhiều chướng ngại mà tâm vẫn bất động, đó là đã vượt những bộc lưu. Chúng ta cần phải hiểu nghĩa bộc lưu trong câu kệ thứ mười. Vậy bộc lưu là gì? Bộc lưu là dòng thác. Ở đây có năm bộc lưu, tức là năm dòng thác:

1- Dục bộc lưu
2- Hữu bộc lưu
3- Kiến bộc lưu
4- Vô minh bộc lưu
5- Ái bộc lưu.

Dòng thác là chỉ cho sức mạnh của nước từ trên cao đổ xuống khó có ai vượt qua. Như vậy, người tu sĩ Ðạo Phật phải vượt qua năm dòng thác này mới tìm thấy sự chân thật giải thoát. Vậy nghĩa của năm dòng thác này là gì?

Dục bộc lưu: là dòng thác dục tức là sức mạnh của lòng tham muốn.

Hữu bộc lưu: là dòng thác của các vật sở hữu tức là sức mạnh dính mắc của các vật sở hữu.

Kiến bộc lưu: là dòng thác kiến chấp tức là sức mạnh của kiến chấp.

Vô minh bộc lưu: là dòng thác ngu si không thấy như thật các pháp tức là sức mạnh của ngu si khiến cho chúng ta thấy các pháp không như thật.

Ái bộc lưu: là dòng thác thất tình: hỷ, nộ, ái, ố, ai, lạc, dục tức là sức mạnh của bảy thứ tình, người tầm thường không thể vượt qua được.

Khi vượt qua năm bộc lưu này còn chưa đủ giải thoát rốt ráo, nên đức Phật dạy câu kệ thứ mười hai: “Lại gắng vượt thứ sáu”. Câu kệ này xác định người tu sĩ phải vượt qua sáu bộc lưu. Vậy bộc lưu thứ sáu là gì? Bộc lưu thứ sáu là tưởng bộc lưu, tưởng bộc lưu là dòng thác tưởng tức là sức mạnh của tưởng dục (tưởng lực). Tưởng dục gồm có 18 loại hỷ tưởng và bốn định vô sắc, bốn định vô sắc gồm có: Không Vô Biên Xứ Tưởng, Thức Vô Biên Xứ Tưởng, Vô Sở Hữu Xứ Tưởng, Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ.

Người vượt qua được sáu bộc lưu này là do tu thiền quán tức là Ðịnh Vô Lậu, chứ không phải thiền ức chế tâm cho hết vọng tưởng.

Vì thế, đến câu kệ thứ mười ba đức Phật đã xác định cho chúng ta thấy: “Như vậy tu thiền tư”. Tu như vậy tức là tu thiền tư. Vậy thiền tư là gì? Thiền tư là thiền quán, quán bằng ý thức tri kiến. Thiền tư còn gọi là Ðịnh Vô Lậu, là thiền xả tâm, tu tập bằng sự tư duy quán xét. Thiền tư phải tu tập bằng ý thức để ly dục ly ác pháp. Muốn tu tập Thiền tư thì phải dùng Ðịnh Vô Lậu, Ðịnh sáng suốt, Ðịnh Chánh Niệm Tỉnh Giác, Ðịnh Niệm Hơi Thở, Tứ Niệm Xứ, Thân Hành Niệm và pháp Như Lý Tác Ý.

Tóm lại, thiền xả tâm là một thứ thiền tu hành bất cứ trong oai nghi nào cũng đều giữ gìn thân được khinh an, an lạc và tâm được thanh thản và vô sự.

Thiền xả tâm là một thứ thiền, tu hành có giải thoát ngay liền, càng tu càng thấy thân tâm nhẹ nhàng, an ổn, sống một đời sống trọn đầy đạo đức làm người, không làm khổ mình, khổ người và cũng không làm những điều mê tín, lừa đảo người khác.

Xin quý vị đọc lại bài kệ thiền xả tâm của đức Phật trên đây rồi suy tư từng câu đã giảng thì quý vị sẽ rõ và không còn nghi ngờ gì nữa.

***

Đang có 33 khách và không thành viên đang online

Lượt xem
451
Các bài viết
1441
Số lần xem các bài viết
8819491