In bài này

1.- BỨC TÂM THƯ; 2.- BỒ TÁT QUAN THẾ ÂM

Lượt xem: 3654

(Trưởng lão Thích Thông Lạc, trích ĐVXP.2, TG.2011, tr.50-55; tr.297-299)
link sách: ĐVXP.2

1.- BỨC TÂM THƯ

Chơn Như, ngày 09 tháng 10 năm 2004.

Kính gửi: Huệ Ân, Chơn Thành, Thanh Quang, Từ Quang, Tâm Ðức, Từ Ðức, Tâm Nhẫn, Ðức Thông (Hiến), Liễu Huệ, Minh Ðức, Liễu Ðạo, các cụ và các bác.

Trong những ngày gặp gỡ Phật tử ở Hà Nội Thầy rất bồi hồi và lo lắng thân tứ đại của các bác, các cụ đã báo động thời gian còn lại không bao lâu nữa. Rồi đây kẻ ở người đi và đi mãi mãi, nhưng đi về đâu các bác, các cụ có biết không?

Huệ Ân, Chơn Thành, Thanh Quang, Từ Quang, Tâm Ðức, Từ Ðức, Tâm Nhẫn, Ðức Thông, Liễu Huệ, Minh Ðức, Liễu Ðạo, các cụ và các bác, các con còn nhớ lời Thầy dạy chăng? Tâm thanh thản, an lạc và vô sự là nơi các con về khi bỏ thân tứ đại này. Nơi đó mãi mãi không còn tái sinh luân hồi nữa; nơi đó không còn khổ đau các con ạ! Nơi đó là nơi chư Phật ba đời đều an trú.

Trước kia trong những ngày ra Bắc Thầy gặp các con trong chiếc thân tứ đại, nhưng hôm nay và ngày mai sẽ gặp các con trong trạng thái thanh thản, an lạc và vô sự, các con có biết không? Nếu các con giữ gìn được trạng thái ấy, bằng không thì Thầy trò khó mà gặp nhau các con ạ!

Muốn giữ được tâm thanh thản, an lạc và vô sự là một việc làm đâu phải dễ, nếu không ngay từ bây giờ, lúc thân tứ đại còn khỏe mạnh, còn sức lực mà không tu tập thì đến khi thân tứ đại già nua, mỏi mòn, yếu đuối thì tu tập và rèn luyện tâm thanh thản an lạc và vô sự làm sao được nữa.

Nghiệp lực tác động rất mạnh khi nó đến thăm các con, lúc bây giờ các con không còn sức chịu đựng, tinh thần không sáng suốt, nhiều khi nó làm cho các con hôn mê không còn biết gì cả, sống mà như chết. Giờ phút ấy các con còn gì nữa hỡi các con!? “Nghiệp tương ưng luân hồi” hết một kiếp người rồi mãi mãi... Ôi! Một sự luân hồi đầy khổ đau, nào ai biết phải không các con?

Các con cứ hình dung tưởng tượng từ khi chết đến khi tái sinh nằm trong bụng mẹ là một chuỗi dài khổ đau vô cùng, vô tận của kiếp người. Chết thì trăn trở rã rời cơ thể, đau nhức, mệt nhọc... Sinh thì nằm co trong bụng mẹ ngâm mình trong chất nhơ bẩn, uế trược, chật chội, cựa quậy khó khăn vô cùng. Ðó là một cuộc tái sinh luân hồi khổ như vậy, thế mà mọi người nào ai có biết sự khổ đau này các con ạ!

Muốn chấm dứt tái sanh luân hồi thì ngay từ bây giờ các con phải siêng năng tận lực tu tập rèn luyện trước “các chướng ngại pháp vui cũng như buồn đều phải buông xuống cả”. Buông xuống như thế nào đây? Buông xuống bằng pháp hướng tâm, phải theo pháp hướng tâm như lý tác ý mà buông xuống: “Tâm thanh thản, an lạc và vô sự, các pháp thế gian là pháp sinh diệt, là pháp khổ đau phải chấm dứt ngay liền”.

Khi tác ý như vậy xong thì con nên tác ý tiếp để dẫn thân, tâm vào chỗ không đau khổ, nếu tâm đang bị chướng ngại thì các con nên tác ý câu này: “An tịnh tâm hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh tâm hành tôi biết tôi thở ra”, rồi im lặng hít thở vô thở ra năm lần rồi lại tác ý như trước. Nếu thân các con bị bệnh đau thì con nên tác ý câu này: “An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra” rồi im lặng hít vô thở ra năml ần rồi lại tác ý như trước.

Tâm thanh thản, an lạc và vô sự là pháp duy nhất để đối trị mọi nghiệp chướng đang vây quanh các con.

Từ Quang, Từ Ðức, Tâm Nhẫn, Ðức Thông, các cụ và các bác, các con hãy nhớ khi thân các con còn mạnh khỏe hay lúc đau ốm thì phải siêng năng tu tập đừng bỏ qua một thời gian nào, dù là một phút, một giây, một sát na ngắn ngủi, vì thời gian tuổi đời của các con còn lại rất quý:

“Tấc bóng thời gian một tấc vàng
Tấc vàng tìm được không gì khó
Tấc bóng thời gian khó hỏi han”.

Hãy giao mọi việc cho các con, các cháu, chúng nó đều trưởng thành, trở nên người gánh vác mọi việc tốt đẹp. Còn phần các con là hãy tự lo cho mình, hãy tự thắp đuốc lên mà đi, hãy cứu mình, vì thời gian còn lại quá ít.

Những thời gian còn lại chỉ đủ để các con luyện tập chuẩn bị cho mình có đầy đủ nội lực khi giặc sinh tử đến thăm.

Khi luyện tập và giữ gìn tâm thanh thản, an lạc và vô sự thì nó có một nội lực rất mạnh, một sức đề kháng kinh khủng, nó sẽ giúp cho các con đẩy lùi mọi chướng ngại pháp như: bệnh tật, phiền não, tai nạn, lo rầ u, thương ghét, giận hờn v.v.. nó còn giúp cho các con giữ gìn tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ.

Khi nghiệp đến với các con thì chỉ cần tác ý: “Tâm thanh thản, an lạc và vô sự, tất cả các pháp đều vô thường hãy đi đi! Không được ở trong thân tâm ta nữa”. Tác ý như vậy phải bền chí, phải kiên cường, phải gan dạ, đầy đủ nghị lực chiến đấu đôi khi chỉ cần tác ý ba bốn lần thì chúng sẽ không còn tác động vào thân tâm các con được nữa, nhưng các con phải nhớ kỹ khi muốn đẩy lùi các chướng ngại pháp thì phải giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh, vì giới luật là thiện pháp, chúng sẽ chuyển tất cả nghiệp báo khổ đau nhiều đời của các con. Trong khi đó để trợ lực với giới luật thì dùng pháp như lý tác ý, các con sẽ đẩy lùi tất cả chướng ngại pháp và không còn một ác pháp nào tác động vào thân tâm các con được.

Trước lúc từ giã cõi đời này chỉ có pháp môn này giúp các con thoát khổ và chấm dứt luân hồi sinh tử mà đức Phật thương xót chúng sanh để lại cho chúng ta ngày nay: “Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỳ kheo, có như lý tác ý, lậu hoặc chưa sanh thì không sanh, lậu hoặc đã sanh thì đoạn diệt”.

Một pháp bảo quý báu vô giá không có vàng bạc, châu ngọc, kim cương đem so sánh được, các con nhớ kỹ.

Các con hãy nhớ ôm chặt pháp như ôm phao qua biển, để vượt sóng gió ba đào của kiếp làm người, để đến bờ bên kia. Buông pháp là buông phao các con sẽ chìm xuống đáy biển sanh tử luân hồi mãi mãi muôn đời, muôn kiếp. Từ đây Thầy trò không còn gặp nhau mãi mãi các con ạ!

Thăm và chúc các con mạnh khỏe tu tập xả tâm tốt, luôn luôn giữ gìn tâm thanh thản, an lạc và vô sự, chúc các con thành công vĩ đại.

Kính thư,

Thầy của các con

2.- BỒ TÁT QUAN THẾ ÂM

Hỏi: Kính thưa Thầy! Có nhiều kinh nói: “Thế thế thường hành Bồ Tát Ðạo” là chỉ cho những vị Bồ Tát phát tâm nhập thế tu hành. Vậy chư vị Bồ Tát, vì nguyện tu hành thành Phật mà xuống cõi ta bà này để độ chúng sanh không? Nhưng sao Thầy bảo Bồ Tát Quan Thế Âm do tưởng tượng chứ không có thật. Vậy xin Thầy hoan hỷ chỉ dạy cho con hiểu ý này?

Ðáp: “Thế thế thường hành Bồ Tát Ðạo” câu nói này của kinh điển phát triển (Ðại Thừa). Bồ Tát là vị tu hành chưa xong mà thể hiện độ chúng sanh, chẳng khác một người mù mà dẫn dắt một đám người mù, cũng như người chưa biết lội mà cứu người chết đuối, thì làm sao mà cứu được, chỉ có chết chung nhau cả đám mà thôi. Có người bảo rằng cứ theo kinh sách có sẵn của đức Phật mà cứ giảng ra có sai đâu. Kinh sách là pháp môn chết nên nó không chỉ cho chúng ta kinh nghiệm được, vì thế mà các giảng sư học giả dạy đạo cho người tu là giết người, bằng chứng Thầy Tổ của chúng ta đã chết một cách đau khổ bởi tu theo học giả.

Bồ Tát Quán Thế Âm là một sản phẩm của kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn. Thể hiện phá luật nhân quả, phi đạo đức và phi giáo lý của đạo Phật. Bồ Tát chỉ là một tưởng tượng của người tu chưa chứng đẻ ra, để an ủi mình, để che đậy việc phá giới luật, để kinh doanh Phật pháp, để làm giàu trên xương máu của tín đồ, để đưa tín đồ đến chỗ mê tín, lạc hậu, luôn luôn chỉ biết cầu cạnh dựa nương vào tha lực , làm mất hết nghị lực tự lực cứu mình thoát cảnh trầm luân.

Câu nói: “Thế thế thường hành Bồ Tát Ðạo” có nghĩa là đời đời nguyện làm Bồ Tát độ chúng sanh như Bồ Tát Quán Thế Âm độ hết nạn khổ của chúng sanh mới thành Phật, Bồ Tát Ðịa Tạng độ hết tội nhân dưới địa ngục thì mới thành Phật. Chúng ta mới nghe lời nguyện ước này thật là vĩ đại, nhưng càng suy ngẫm chúng ta mới thấy là lời nói lừa đảo những tín đồ mê tín. Nạn khổ của chúng sanh do đâu mà có? Có phải do hành động ác của chúng sanh đã tạo ra không? Tội nhân dưới địa ngục có phải do làm ác của chúng sanh không? Muốn thoát nạn khổ và muốn không làm tội nhân nữa thì chỉ có duy nhất là tự chúng sanh đó đừng làm việc ác nữa, còn độ theo kiểu hai vị Bồ Tát này khiến cho chúng sanh làm ác thêm và thế gian này càng thêm rối loạn vì nạn trộm cướp và những kẻ hung dữ náo loạn gây rối trật tự an ninh.

Bồ Tát trong kinh Nguyên Thủy chỉ là một người mới tu hành chưa chứng đạo, cho nên chẳng dám dạy ai tu hành cả. Ðức Phật răn nhắc điều này: “Tu chưa chứng đạo mà dạy người là giết người”.

Bồ Tát trong kinh phát triển là Bồ Tát tham danh, tu chưa tới đâu chỉ học trong mấy bộ kinh rồi tưởng giải ra làm lệch ý Phật đẻ ra kinh sách phát triển dạy người tu hành mê tín trừu tượng ảo giác, khiến người tu hành theo Phật giáo mà thành tu pháp môn ngoại đạo.

Cho nên, quý Phật tử cần phải đề cao cảnh giác những hạng Bồ Tát danh lợi này.

Việc làm của hai vị Bồ Tát Quan Thế Âm và Bồ Tát Ðịa Tạng giống như con dã tràng xe cát, giống như người lấp biển.

Bồ Tát Quan Thế Âm và Bồ Tát Ðịa Tạng là hai vị thần của Bà La Môn, nó là một sản phẩm tưởng tượng hý luận của ngoại đạo tạo sự mê tín phi đạo đức trong dân gian mà hầu hết mọi người đều mê lầm.