In bài này

VỊ TỲ KHEO NHÂN TỪ

Lượt xem: 3114

(Trưởng lão Thích thông Lạc, trích Đạo Đức Hiếu Sinh, tập 1, TG. 2012, tr. 145-155)
link sách: Đạo Đức Hiếu Sinh, tập 1

Có một vị tỳ kheo đến khất thực tại một nhà kia. Người nữ thí chủ đang giặt đồ, tháo chiếc nhẩn đặt cạnh chỗ ngồi, chủ đứng lên, vào nhà lấy thực phẩm cúng dường.

Lúc ấy, có một con ngỗng đi ngang qua nuốt chiếc nhẩn vào bụng. Vị tỳ kheo thấy, nhưng không nói gì. Một lát sau, người thí chủ đi ra không thấy chiếc nhẫn, bèn hỏi nhà sư:

- Thưa sư! Sư có thấy chiếc nhẫn con để đây không?

Vị tỳ kheo im lặng không đáp. Người thí chủ sanh nghi hỏi dồn:

- Con mới để đây. Tại sao lại mất?

Vị tỳ kheo vẫn im lặng.

Cả hai vợ chồng người chủ nhà không thể nén nổi lòng tức giận, bèn mắng chửi, đánh đập vị tỳ kheo. Nhưng vị tỳ kheo vẫn thản nhiên cam chịu, không nói một lời, chỉ biết im lặng như Thánh. Lúc ấy, người nhà chạy lên thưa với chủ rằng:

- Không biết vì sao mà con ngỗng của nhà tự nhiên ngã lăn ra chết ngoài sân kia.

Nghe lời nói xong, vị tỳ kheo mới thong thả trả lời:

- Khi nãy sư thấy con ngỗng nuốt chiếc nhẫn.

Người chủ liền bảo người nhà đem mổ bụng con ngỗng thì tìm được chiếc nhẫn.

Hai vợ chồng người chủ nhà hối hận bèn thưa với vị tỳ kheo:

- Bạch sư! Sao hồi nãy sư không nói cho con biết, để đến nỗi con xúc phạm đến sư, con rất lấy làm xấu hổ, mong sư cho con sám hối?

Vị tỳ kheo trả lời:

- Gia chủ nghĩ cũng phải, nhưng tôi không trách gì, nếu tôi nói ngay thì con ngỗng sẽ bị giết vì lời nói của tôi, việc ấy tôi không bao giờ dám làm cả, dầu có hại đến danh dự hay tánh mạng tôi cũng đành lòng kẻo con vật chết vì lời nói của tôi. Ðây cũng là nhân quả của sư thôi, thí chủ đừng quá hối hận và buồn bã, xem như sư đã trả nợ nhân quả kiếp trước vậy. Sư xin thành thật cảm ơn thí chủ cúng dường.

Sau khi nhận bát cơm cúng dường xong, nhà sư cáo biệt trở về tịnh xá với vẻ ung dung thanh thản, an lạc như không có một việc gì xảy ra.

NHỮNG CÂU HỎI

Câu hỏi 1: Bị chửi mắng, mạ lị, mạt sát, vì nghi ngờ lấy chiếc nhẫn, vị tỳ kheo làm thinh không trả lời là đạo đức gì?

Trả lời câu hỏi 1:

Trong khi bị người chủ nhà chửi mắng, mạ lị, mạt sát không tiếc một lời nào, vì nghi ngờ vị tỳ kheo lấy chiếc nhẫn của mình, nhưng vị tỳ kheo vẫn làm thinh không nói một lời nào cả. Ðó là đức hiếu sinh nhẫn nhục ý hành.

Sự nhẫn nhục của vị tỳ kheo này rất tuyệt vời. Tại sao vị tỳ kheo này nhẫn nhịn được như vậy? Nhẫn được như vậy vì Ngài có lòng thương yêu chúng sinh rộng lớn như đất trời. Nhờ lòng yêu thương ấy nên Ngài mới làm thinh một cách kiên cường, anh dũng, trong khi bị người khác mạ lị, mạt sát thậm tệ bằng những lời lẽ thô ác, không những chạm đến cá nhân sư rất nặng, mà còn chạm đến Phật pháp rất lớn. Dũng cảm im lặng như Thánh, Ngài không minh oan một lời nào cả, rất tuyệt vời của đức hạnh hiếu sinh nhẫn nhục mà không thể có một đức hạnh nào hơn được. Tình thương yêu thật tuyệt vời và cao thượng không thể nghĩ lường đối với sự sống của con ngỗng. Danh dự có nghĩa gì phải không quý vị? Mạng sống của con ngỗng mới đáng nói lên. Ở bài này chỉ có giá trị của sự sống, ngoài ra không có giá trị nào hơn được.

Bởi, nếu không có đạo đức hiếu sinh nhẫn nhục thì ngay lúc người chủ nhà hỏi: - Sư có thấy chiếc nhẫn của tôi đểở đây không? Nếu nhà sư đã nói ngay liền: "Con ngỗng nuốt chiếc nhẫn", thì đâu có sự gì phải nói nữa. Phải không quý học viên?

Vì thương con ngỗng, nên nhà sư làm thinh chịu đựng, mới để người khác nghi ngờ và chửi mắng mình một cách tệ hại làm mất thể diện người tu sĩ Phật giáo. Mặc cho người chủ nhà chửi mắng bao nhiêu, nhưng lòng yêu thương chúng sinh không cho phép nhà sư nói ra sự thật.

Ðức hiếu sinh im lặng như Thánh thật tuyệt vời. Nếu không có lòng thương yêu, chắc không ai có thể nhẫn nhục được như thế.

Bởi vậy, muốn lập đức hạnh nhẫn nhục thì chỉ có lòng thương yêu là pháp đệ nhất. Mong rằng quý học viên tu học đạo đức hiếu sinh thấm nhuần được đức hạnh thương sự sống của muôn loài thì hành tinh này sẽ bình an và hạnh phúc biết bao.

Câu này chúng ta có thể dùng đạo đức hiếu sinh nhân quảchuyển hóa để trả lời cũng được, nhưng lại lạc đề, làm mất ý nghĩa bài học.

Câu hỏi 2: Bài học này dạy đạo đức gì?

Trả lời câu 2:

Bài học này dạy gương hạnh ÐẠO ÐỨC HIẾU SINH NHẪN NHỤC của một vị tỳ kheo.

Một vị tu sĩ Phật giáo mà không giữ được hạnh từ bi (đức hiếu sinh) thì không xứng đáng là tu sĩ Phật giáo. Vị tỳ kheo này rất xứng đáng là tu sĩ Phật giáo, là người đã chứng giới luật, sống với lòng từ bi. Chỉ có giới luật mới giúp cho người tu sĩ ly dục ly ác pháp, mới có tâm từ bi rộng lớn như vậy, mới nhẫn nhục im lặng như Thánh tuyệt vời.

Trong khi bị người khác mạ lị mạt sát những lời nói thậm tệ, nhưng vẫn an nhiên tự tại im lặng, người tu sĩ như vậy mới xứng đáng là tu sĩ Phật giáo.

Câu hỏi 3: Người chủ nhà mất chiếc nhẫn tức giận nghi ngờ vị tỳ kheo lấy là người thiếu đức hiếu sinh có đúng không? Người nghi ngờ như vậy có đáng thương không?

Trả lời câu 3:

Người chủ nhà mất chiếc nhẫn nghi ngờ cho vị tỳ kheo lấy, nhưng không chịu suy nghĩ kỹ lại bồng bột, nông nổi tức giận mắng chửi vị tỳ kheo thậm tệ, đó là tạo tội ác rất lớn đối với người tu sĩ Phật giáo đầy đủ giới luật như nhà sư này.

Người có tâm nghi ngờ người này như thế này, người khác như thế kia là người đang ở trong ác pháp tự làm khổ mình, khổ người mà không biết. Thật đáng thương! Quý học viên cứ xét: người sinh tâm nghi ngờ là người phải chịu khổ đau trước, và người bị nghi ngờ thì buồn tủi đau khổ sau, có đúng như vậy không?

Người còn tâm nghi ngờ là người không có đức hiếu sinh, không có lòng thương yêu người khác, chỉ biết có của cải, tài sản; chỉ biết thương của cải, tài sản của mình; chẳng biết thương ai cả, xem vàng bạc của cải là trọng hơn người.

Người xưa nói: "Ðồng tiền như phấn thổ, nhân nghĩa tợ thiên kim". Nhưng ngược lại, người đời xem tiền bạc rất lớn, còn tình người như đất cát. Cho nên đụng tới tiền bạc là người ta nghi ngờ thế này thế khác, thật là tâm lượng nhỏ hẹp.

Người có tâm nghi ngờ là người thường đau khổ nhất thế gian, người nghi ngờ hay làm điều ác, tạo nhân quả không lành. Vì thế tâm nghi ngờ của họ đã làm cho họ khổ đau. Khi họ mở miệng ra nói những điều ác khẩu. Người nghi ngờ thường chịu nhân quả bệnh tật lặt vặt nay đau bệnh này, mai đau bệnh khác, không lúc nào thân họ được bình an và vô sự.

Người chủ nhà nghi ngờ vị tỳ kheo lấy chiếc nhẫn của mình là một điều nghi oan cho người tu hành thì tội rất nặng. Người có tâm nghi ngờ là người đã đánh mất đức hiếu sinh. Mất đức hiếu sinh thì người ấy đầy dẫy sự khổ đau.

Người có tâm nghi ngờ rất đáng thương, vì họ chưa hiểu biết ngũ triền cái; chưa biết luật nhân quả thiện ác; chưa thông suốt đạo đức hiếu sinh lòng thương yêu sự sống trên hành tinh này; chưa hiểu trên đời này chỉ có lòng yêu thương mới xóa tan những phiền não khổ đau; mới đem lại sự bình an cho muôn loài; mới biến cõi thế gian thành cõi Cực Lạc, Thiên Ðàng.

Câu hỏi 4: Tâm nghi ngờ là một ác pháp làm khổ mình, khổ người và làm tăng thêm tội lỗi có đúng không? Nó có phải là thiếu đạo đức hiếu sinh không?

Trả lời câu hỏi 4:

Ðúng vậy, tâm nghi ngờ là một ác pháp làm khổ mình, khổ người, và làm tăng thêm những tội lỗi. Chính tâm nghi ngờ đã làm cho đời sống tăng thêm bất an, sống luôn luôn lo lắng, sợ hãi người này người kia, họ lại nói xấu, bịa chuyện vu oan, giáng họa cho người, v.v... Tâm nghi ngờ là một ác pháp, nó đánh mất lòng hiếu sinh của con người, vì có tâm nghi ngờ thì đức hiếu sinh không còn. Lòng nghi ngờ là một tính rất xấu, cực ác. Nó là một tính trong năm tính xấu ác của ngũ triền cái mà đức Phật đã dạy: 1- Tính tham; 2- Tính sân; 3- Tính si; 4- Tính mạn và 5- Tính nghi. Tính nghi là tính cuối cùng trong năm tính này. Nó cũng ác độc ghê gớm lắm, thường làm cho người ta khổ đau nhiều nhất.

Như trên quý học viên đã thấy tính nghi của vợ chồng người chủ nhà mất của: vừa nghi ngờ, vừa sân giận, vừa nói lời hung ác chửi mắng mạ lị mạt sát, vừa nói lời không đúng sự thật, nói oan cho người. Một tính nghi mà sinh ra nhiều thứ tội lỗi như vậy. Chúng ta là những phật tử không nên nghi ngờ, cần phải từ bỏ và tránh xa tâm nghi ngờ. Người hay nghi ngờ người khác là người tự làm khổ mình, tạo thêm tội ác nói xấu người. Bởi vì tâm nghi ngờ là tâm không thể hiểu đúng sự thật  thường bị sai, dù nghi đúng cũng mang đến sự khổ đau cho mình. Cho nên ai có tính hay nghi ngờ thì hãy mau mau buông xuống, nếu không buông xuống thì trước hại mình, sau hại người và làm mình khổ, người khác khổ.

Tâm nghi ngờ thường làm mất lòng thương yêu của chúng ta, hễ có nghi ngờ là có tâm không ưa, không thích. Không ưa, không thích là có sự khổ đau.

Câu hỏi 5: Kết luận bài này dạy chúng ta không nên nghi ngờ, vì nghi ngờ là một ác pháp làm khổ mình, khổ người. Có đúng không?

Trả lời câu hỏi 5:

Kết luận bài này dạy chúng ta không nên nghi ngờ, vì nghi ngờ là một tính xấu ác làm khổ mình, khổ người, nên cần phải khắc phục từ bỏ tính nghi ngờ của mình và tránh xa những người có tâm tính nghi ngờ.

Chúng ta đừng nghi ngờ bất cứ ai trong cuộc đời này làm những điều mờ ám như: gian tham, trộm cắp, cướp giựt, giết người hay làm bất cứ một việc ác hại nào khác. Họ làm ác không thể nào trốn tránh khỏi quả đau khổ; không thể nào tránh luật pháp Nhà nước được, riêng chúng ta phải giữ tâm mình không nghi ngờ ai hết. Nếu tâm vừa khởi nghi là dẹp xuống liền, đừng để ôm ấp trong lòng.

Dẹp xuống liền bằng cách nào? Dẹp xuống liền bằng cách tư duy suy nghĩ: đức Phật dạy có năm điều ác trong tâm của mọi người, đó là: tham, sân, si, mạn, nghi. Năm tâm ác này chỉ có lòng yêu thương là diệt sạch ngay liền. Cho nên khi thấy ai đang ở trong ác pháp thì chúng ta khởi lòng yêu thương họ, khi yêu thương họ thì tâm tham, sân, si, mạn, nghi trong lòng chúng ta liền xả sạch.

Lòng yêu thương là đệ nhất pháp xả tâm, nếu ai sống với lòng thương yêu tròn đầy thì người ấy là bậc A La Hán. Bởi đức hiếu sinh là một giới luật ly dục, ly ác pháp đệ nhất, xin quý học viên lưu ý.

Ví dụ: Thấy hai người đang nói chuyện gì về mình, nhưng mình không biết họ đang nói gì về mình nên sinh tâm nghi ngờ họ nói xấu mình, thì ngay khi mình nghi ngờ như vậy là mình đã làm khổ mình, nếu không biết xả tâm nghi ngờ thì tâm nghi ngờ sinh ra tâm không ưa thích, tâm ghét. Từ tâm không ưa thích nó tự làm khổ mình, khổ người. Cho nên chúng ta cần phải sáng suốt, không nên để tâm nghi ngờ xen vào làm cho cuộc sống bất an, từ người tốt trở thành người xấu, người ác.

(Khi đọc lại bài này, quý tu sinh sẽ thấy tác giả viết bài này có chủ đề nêu cao đức nhẫn nhục hiếu sinh. "SỰ IM LẶNG NHƯ THÁNH" của vị tỳ kheo là tác giả đã đạt được mục đích viết bài, còn trả lời nhưtrả lời khác trên đây thì lạc đề, lấy đề phụ làm đề chánh của bài.

Bài học này ở lớp NGŨ GIỚI, nên câu hỏi và câu trả lời chỉ nhắm vào chủ đề của bài, chứ không phải như bài học ở lớp THẬP THIỆN. Cái sai là không hiểu chủ đề của bài, lại luận về đạo đức là đi lạc đề chính, biến thành mất giá trị.

Trả lời đúng với chủ đề thực hiện đức hiếu sinh ở góc độ ÐỨC NHẪN NHỤC HIẾU SINH NHÂN QUẢ, thì nên im lặng như Thánh là đúng chủ đề.

Bài này đưa ra là dạy về đức nhẫn nhục hiếu sinh nhân quả, chứ không phải dạy đạo đức chuyển hóa nhân quả hiếu sinh, cho nên không thể trả lời theo đức hiếu sinh chuyển hóa nhân quả. Bài này không phải mục đích dạy về chuyển hóa nhân quả.

Bài học đạo đức nhẫn nhục hiếu sinh ở đây là để chúng ta noi theo gương nhân từ của vị tỳ kheo này, phải tập im lặng như Thánh để thực hiện đức hiếu sinh nhẫn nhục. Trong cuộc sống của chúng ta có nhiều việc xảy ra, bất cứ một việc gì, nếu người ta ở trong ác pháp là họ sẽ chửi mắng, mạ lị, mạt sát và đánh đập chúng ta nữa mà không cần chúng ta phân bua phải trái, trắng đen, v.v... cho nên chúng ta không phải lúc nào cũng dùng đạo đức hiếu sinh chuyển hóa nhân quả được. Có lúc cần nói thì nói, có lúc không cần nói thì phải im lặng để làm một bài học giá trị đạo đức cho những người tính quá nóng nảy nông nổi thiếu suy tư.

Chủ đề bài học "Thầy Tỳ Kheo Nhân Từ" có hai đức hạnh giá trị:

1- Vị tỳ kheo im lặng như Thánh tức là thực hiện đức hiếu sinh nhẫn nhục.

2- Khi biết rõ sự việc, người chủ nhà rất hối hận về sự nghi ngờ, tức giận nông nổi của mình, tức là đức hiếu sinh ăn năn hối lỗi.

Cho nên bài học "Thầy Tỳ Kheo Nhân Từ" có giá trị đạo đức rất lớn là lột trần và làm nổi bật hai đức hạnh HIẾU SINH NHẪN NHỤC và HIẾU SINH ĂN NĂN HỐI LỖI. Còn trả lời cách khác thì lạc đề, làm mất giá trị của bài học này.

Bài học "Thầy Tỳ Kheo Nhân Từ" này có hai cách trả lời:

1- Im lặng như Thánh đó là đức hiếu sinh nhẫn nhục ý hành.

2- Tôi là đệ tử Phật phải giữ gìn các giới luật: 1- Giới sát sinh; 2- không tham lam trộm cướp; 3- không nói dối. Ðó là đức hiếu sinh khẩu hành chuyển đổi nhân quả, ở lớp khác.

Hai câu trả lời này đều đúng nhân quả, nhưng câu 1 ở trên đúng chủ đề của bài học là nhẫn nhục; còn câu dưới chuyển đổi nhân quả là lạc đề.

Trong khi thi mà tu sinh trả lời như câu 2 là thi rớt, các tu sinh có biết không?

Khi trả lời câu hỏi thì phải hiểu rõ chủ đề bài học. Chưa hiểu rõ chủ đề bài học mà trả lời là sai.

Muốn trả lời không sai về đạo đức nhân bản - nhân quả thì phải hiểu rõ nhân quả trong ba thời gian: quá khứ, hiện tại và vị lai. Không những hiểu như vậy mà còn phải hiểu rõ những từ trường tương ưng nhân quả của người còn đang sống (hiện tại nghiệp), của người sắp chết (cận tử nghiệp).

Thầy thấy các tu sinh hiểu nhân quả còn lờ mờ chưa rõ ràng, giống như những người mù rờ voi, kẻ hiểu chỗ này người hiểu chỗ kia, ai cũng cho mình là hiểu đúng, rồi sinh ra tranh luận hơn thua làm mất ý nghĩa đạo đức hiếu sinh mà mình đang tu học, làm lạc đề bài học, khiến cho những người khác chưa thông suốt đạo đức nhân bản - nhân quả, nghe dao động tâm, không biết nghĩa nào đúng, nghĩa nào sai, nhất là ý kiến của các tu sinh làm mất giá trị bài học.

Những bài học đạo đức hiếu sinh này còn học lại ở những lớp học cao hơn, chừng đó các tu sinh đã thông suốt đạo đức nhân bản - nhân quả, mới đủ tri kiến hiểu biết dẫn chứng tất cả đức hiếu sinh ở từng góc độ nhân quả của bài học, nhờ đó biết áp dụng đức hiếu sinh ấy vào đời sống hằng ngày của các tu sinh, còn bây giờ các tu sinh hãy nhắm vào chủ đề của bài học, đừng góp ý lạc đề làm mất thì giờ vô ích mà nuôi lớn thêm bản ngã. Những câu trả lời của các tu sinh về đạo đức nhân bản - nhân quả hiếu sinh hiện giờ giống như những người mù rờ voi này vậy. Người rờ cái tai cho con voi là cái thúng; người rờ cái ngà cho con voi là cán cày; người rờ cái đuôi cho con voi là cây chổi; người rờ cái chân cho con voi là cây cột.)