In bài này

NIẾT BÀN

Lượt xem: 3988

(Trưởng lão Thích Thông Lạc, trích NLGPD, tập I, TG. 2010, tr. 180-184)
link sách: NLGPD, tập I

LỜI PHẬT DẠY:

“Hãy cầu vui Niết Bàn
Bỏ dục không nhiễm uế
Kẻ trí tự rửa sạch
Mọi cấu uế nội tâm”.
(Pháp Cú Kinh, 88)

CHÚ GIẢI:

Tất cả các pháp trên thế gian đều vô thường, mà pháp vô thường là pháp khổ. Pháp khổ từ dục sinh ra. Dục là uế nhiễm, bất tịnh. Do đó, chúng ta cần phải bỏ tất cả dục; dục hết là tâm bất động; dục hết là hết khổ, là tâm an vui.

Trên thế gian không có pháp nào mang đến cho chúng ta chân hạnh phúc trọn vẹn, chỉ vì điên đảo mà chúng ta chạy theo các pháp vô thường tìm hạnh phúc trong đó, cũng giống như chúng ta tìm lông rùa, sừng thỏ, có nghĩa là tìm hạnh phúc trong các pháp vô thường thì không bao giờ có được.

Vì thế, đức Phật dạy: “Hãy cầu vui Niết Bàn”. Vậy Niết Bàn là cảnh giới gì đây? Sao đức Phật lại bảo chúng ta hãy cầu vui Niết Bàn?

Thưa các bạn! Niết Bàn không phải là một cảnh giới, cũng không phải là một thế giới siêu hình, cũng không phải cõi Thiên Ðàng, Cực Lạc hay bất cứ một cõi Trời nào, cũng không phải bản thể vũ trụ, Phật Tánh.

Niết Bàn là một trạng thái tâm hết tham, sân, si. Cho nên, trong bốn chân lý của Ðạo Phật gọi nó là “Diệt Ðế”. Diệt Ðế là một trạng thái tâm không còn dục, không còn ác pháp; tâm bất động trước các pháp và các cảm thọ; tâm thanh thản an, lạc và vô sự. Trong tâm bất động như vậy, nó có một niềm vui an lạc mà không có dục. Vì nó mang cho mọi người một chân hạnh phúc như vậy nên đức Phật dạy: “Hãy cầu vui Niết Bàn”. Nhưng muốn cầu vui Niết Bàn thì phải làm sao?

Thưa các bạn! Muốn cầu vui Niết Bàn thì đây là một con đường mà mọi người đều phải bước đi bằng trí óc và đôi chân của mình, chứ không có người nào đi thay cho mình được. Ðó là con đường Bát Chánh Ðạo. Con đường Bát Chánh Ðạo chia ra làm ba cấp tu tập:

- Cấp I thuộc về Giới Luật.

- Cấp II thuộc về Thiền Ðịnh.

- Cấp III thuộc về Trí Tuệ.

Mỗi cấp đều có pháp học và pháp hành.

Sau khi học và hành đúng, có nghĩa là phải trải qua ba cấp và tám lớp học, thì tâm người ấy mới vô lậu hoàn toàn, chứng quả A La Hán.

Sự tu học của Phật giáo cũng giống như chương trình học thức ngoài đời gồm có ba cấp:

1- Tiểu học

2- Trung học

3- Ðại học

Mỗi cấp đều có nhiều lớp học, cuối năm học mỗi lớp đều có thi chuyển lớp. Cuối mỗi cấp đều có thi chuyển cấp hay thi tốt nghiệp của cấp đó. Ví như: Tiểu học có bằng Tiểu học; Trung học có bằng Trung học; Ðại học có bằng Ðại học. Trong các cấp tu hành của Phật giáo cũng vậy:

- Cấp I Giới Luật. Khi học hết cấp này trọn vẹn thì được “cấp bằng” Nhập Lưu (Tu Ðà Hoàn), còn chưa học hết cấp thì tùy ở sự hiểu biết, tu tập và giữ gìn giới luật được nhiều hay ít, ít thì Hướng Lưu; nhiều thì Dự Lưu.

- Cấp II Tứ Thánh Ðịnh. Tu học hết cấp này trọn vẹn thì mới được “cấp bằng” Bất Lai, còn chưa trọn vẹn thì chỉ có “chứng chỉ” Thất Lai (Tư Ðà Hàm) cao hơn một chút nữa thì có “chứng chỉ” Nhất Lai (A Na Hàm).

- Cấp III Trí Tuệ Tam Minh. Tu học hết cấp này thì tâm vô lậu hoàn toàn được “cấp bằng” Niết Bàn (A La Hán).

“Cấp bằng” cao nhất trong Ðạo Phật là Niết Bàn. Vì thế, đức Phật dạy: “Hãy cầu vui Niết Bàn”. Xem thế, chúng ta thấy rất rõ con đường tu theo Phật giáo, tu tới đâu có kết quả tới đó. Kết quả là sự giải thoát đúng như thật trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Tu ít kết quả ít, tu nhiều kết quả nhiều, nhưng phải tu tập đúng pháp, đúng cách, cũng giống như chương trình học ngoài đời vậy, học tới đâu biết tới đó, học ít biết ít, học nhiều biết nhiều.

Muốn đạt được Niết Bàn theo như lời Phật dạy:

“Bỏ dục không nhiễm uế
Kẻ trí tự rửa sạch
Mọi cấu uế nội tâm”

Thưa các bạn! Ðọc ba câu kệ trên đây, chúng ta xét thấy pháp môn tu hành của Ðạo Phật rất đơn giản và cũng không khó hiểu. Phải không các bạn? Nhưng làm được việc này là một kỳ công. Vậy bỏ dục không nhiễm uế phải làm sao?

Muốn bỏ dục không nhiễm uế, hay tự rửa sạch mọi cấu uế nội tâm thì các bạn cần phải tu tập Tứ Chánh Cần, Tứ Niệm Xứ và Thân Hành Niệm, tức là hằng ngày phải ngăn ác diệt ác pháp, ly dục ly bất thiện pháp. Ðó là những phương pháp rửa sạch mọi cấu uế ở nội tâm. Tuy lời nói trong kinh Pháp Cú đơn giản nhưng tu hành phải tận lực, nếu không tận lực tu tập thì khó đạt được kết quả như ý mong ước.

Ðiều mà các bạn cần nên lưu ý: đó là tu tập Tứ Chánh Cần, Tứ Niệm Xứ, Thân Hành Niệm, các bạn không thiện xảo là bị ức chế tâm. Và ức chế tâm là các bạn không xả tâm. Không xả tâm thì dục không bao giờ hết. Cho nên phải lưu ý và quan tâm khi hành pháp.