In bài này

PHÁP MÔN THÂN HÀNH NIỆM

Lượt xem: 6347

(Trưởng lão Thích Thông Lạc, trích MCĐPTPMN, TG. 2007, tr. 07-15)
link sách: MCĐPTPMN

Thân Hành Niệm là một pháp môn mà chúng ta cần phải nghiên cứu kĩ lưỡng, vì nó là một pháp môn quan trọng nhất trong đời sống tu hành của chúng ta, nếu chúng ta không chịu khó nghiên cứu kĩ lưỡng thì chúng ta sẽ hối hận sau này:

- Hối hận thứ nhất chúng ta chỉ biết lí thuyết suông để khéo nói dối khiến cho thiên hạ tưởng mình tu chứng đạo.

- Hối hận thứ hai là không nắm vững các pháp hành, vì thế tu tập không có kết quả, cuối cùng chỉ uổng phí một đời tu hành mà chẳng ra gì.

Bởi pháp môn Thân Hành Niệm là pháp môn duy nhất trong 37 phẩm trợ đạo của Phật giáo để chúng ta tu tập đi đến kết quả cuối cùng là sự chứng đạo. Nếu không có pháp môn này thì chúng ta không bao giờ tu hành chứng đạo được.Vậy chúng ta hãy lắng nghe Đức Phật dạy:

“Tôi nghe như vầy, một thuở nọ Thế Tôn trú ở Savatthi, (nước Xá-vệ) Jetavana (Rừng Kỳ-Đà), tại tịnh xá ông Anathapindika (Cấp Cô Độc). Rồi một số đông Tỳ-kheo, sau buổi ăn, sau khi đi khất thực trở về, đang ngồi tụ họp trong hội trường, câu chuyện này được khởi lên giữa chúng Tăng:

– Thật vi diệu thay, chư Hiền giả! Thật hi hữu thay, chư Hiền giả! Thân Hành Niệm, khi được tu tập và làm cho sung mãn, có được quả lớn, có được công đức lớn, như đã được Thế Tôn, bậc Tri giả, Kiến giả, bậc A-La-Hán, Chánh Đẳng Giác tuyên bố. Và câu chuyện này giữa các Tỳ-kheo ấy đã bị gián đoạn.

Thế Tôn vào buổi chiều, từ thiền tịnh độc cư đứng dậy, đi đến hội trường, sau khi đến ngồi lên chỗ soạn sẵn. Sau khi ngồi, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Ở đây, này các Tỷ-kheo, các ông hiện nay đang ngồi bàn vấn đề gì? Câu chuyện gì của các ông bị gián đoạn?

– Ở đây, bạch Thế Tôn, sau khi ăn xong, sau khi đi khất thực trở về, chúng con ngồi tụ họp tại hội trường, và câu chuyện sau này được khởi lên: "Thật vi diệu thay, chư Hiền giả! Thật hi hữu thay, chư Hiền giả! Thân Hành Niệm này được tu tập, được làm cho sung mãn, có quả lớn, có công đức lớn, đã được Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-La-Hán, Chánh Đẳng Giác tuyên bố." Bạch Thế Tôn, câu chuyện này của chúng con chưa bàn xong thời Thế Tôn đến.

- Và này các Tỷ-kheo, Thân Hành Niệm tu tập như thế nào, làm cho sung mãn như thế nào có quả lớn, có công đức lớn?”

Đó là một đoạn kinh để giới thiệu pháp môn Thân Hành Niệm và từ đây về sau Đức Phật dạy chúng ta cách thức tu tập Thân Hành Niệm.

Đọc đoạn kinh giới thiệu pháp môn Thân Hành Niệm chúng ta cảm nhận được pháp môn Thân Hành Niệm quan trọng như thế nào trong sự tu tập cầu giải thoát của chúng ta. Bởi vậy chúng ta phải cẩn thận nghiên cứu rất kĩ càng về pháp môn này để sau khi thực hành đều mang lại kết quả tốt đẹp.

Tại sao Đức Phật lại biết lấy Thân Hành làm pháp môn tu tập để dẫn đến kết quả làm chủ sinh, già, bệnh, chết?

Như chúng ta ai cũng biết mọi hành động trong thân chúng ta đều tạo ra nhân quả thiện ác, nếu do hành động thiện của chúng ta thì chúng ta hưởng phước báu, còn ngược lại hành động chúng ta tạo ác thì chúng ta phải gặt lấy những điều đau khổ.

Do xét thấy được những điều này nên Đức Phật lấy Thân Hành làm pháp môn tu tập, vì vậy mới có tên là pháp Thân Hành Niệm, tức là lấy Thân Hành làm niệm để tu tập, mà Thân Hành là niệm có sẵn rất tự nhiên trong thân của mọi người, do đó lấy Thân Hành tự nhiên làm niệm tu tập thì không bịức chế ý thức. Còn ngược lại những người không biết vận dụng Thân Hành làm niệm nên bịức chế ý thức, vì vậy rơi vào thiền Tưởng của ngoại đạo: Không Vô Biên Xứ Tưởng, Thức Vô Biên Xứ Tưởng, Vô Sở Hữu Xứ Tưởng và Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ.

Khi bị rơi vào các loại định Tưởng này thì không bao giờ li dục li ác pháp. Cho nên tâm Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi cũng không bao giờ quét sạch được.

THỰC HÀNH PHÁP MÔN THÂN HÀNH NIỆM

Muốn chứng đạt chân lí Tâm Vô Lậu chúng ta hãy nghiên cứu kĩ pháp môn Thân hành Niệm, một pháp môn độc nhất vô nhị của Phật giáo mà không có một tôn giáo nào có. Pháp môn Thân Hành Niệm lấy thân hành làm đối tượng tu tập nhiếp tâm và an trú tâm.

Trong pháp môn Thân Hành Niệm có 13 pháp tu tập, nhưng trước khi muốn tu tập thì phải làm sao kết hợp 13 pháp này trở thành một pháp duy nhất, nhưng phải có sự tu tập kết hợp liên tục như trong kinh Thân Hành Niệm đã dạy:

“Này các Tỷ-kheo, Thân Hành Niệm được thực hành, được tu tập, được làm cho sung mãn, được làm như cỗ xe, được làm như thành căn cứ địa, được làm cho kiên trì, được làm cho tích tập”. (Kinh Trung Bộ tập I).

Theo như lời dạy trên đây thì 13 pháp này được làm như cỗ xe, được làm như căn cứ địa, được làm cho kiên trì, được làm cho tích tập thì chúng ta tu tập sẽ chứng đạt chân lí không khó khăn, không có mệt nhọc. Nói thì dễ nhưng làm như cỗ xe, như căn cứ địa, được làm cho kiên trì, được làm cho tích tập là phải làm sao? Làm như thế nào?

Theo kinh nghiệm của chúng tôi, muốn làm được những điều này thì phải có ý chí kiên cường; phải gan dạ, phải bền lòng không được chùng bước trước mọi khó khăn, trước mọi gian nan thử thách. Đó là một công phu bằng máu và nước mắt của chính mình. Đây là một cuộc chiến đấu với giặc sinh tử, vì chúng ta không muốn làm những người nô lệ cho giặc nên phải dốc cho hết sức lực ra chiến đấu tận cùng. Một đất nước muốn dân tộc nước đó sống được độc lập tự do hạnh phúc thì toàn dân nước đó đều phải ra chiến trường chiến đấu đuổi giặc.

Giặc sinh tử cũng vậy, nếu ai muốn làm chủ sự sống chết thì phải nhất định không đầu hàng, không làm nô lệ cho giặc sinh tử thì con đường tu tập mới có được kết quả tốt đẹp. Còn những người sợ khó, sợ cực nhọc, sợ chết nên bỏ cuộc không dám tu tập nữa. Những người này cũng giống như khi giặc ngoại bang sang xâm chiếm nước ta, có một số người Việt Nam chạy theo giặc làm tay sai cho chúng trở lại hại người Việt Nam. Đó là những kẻ cõng rắn cắn gà nhà mà lúc bấy giờ người ta gọi những người này là Việt gian.

Những người chiến đấu với giặc sinh tử cũng vậy có những người không chịu khó tu tập làm chủ sự sống chết, chỉ tu tập cho lấy có, thường thích sống chạy theo dục lạc thế gian, ăn ngủ phi thời, không chịu khó đi kinh hành, chỉ thích ngồi mà ngồi nhiều thì hôn trầm thùy miên vô kí sẽ tấn công, và như vậy họ ngồi giống như con gà mổ thóc. Do tâm niệm lười biếng này, có một số người trở lại chê Phật pháp. Cho Phật giáo là yếm thế tiêu cực, chớ họ đâu biết biết rằng Phật giáo là một tôn giáo tích cực trong cuộc sống để mang lại sự an vui cho mình cho người và tất cả chúng sinh.

Do hiểu biết những lời dạy của Đức Phật, chúng ta nên lưu ý qua các bài kinh mà Đức Phật giảng dạy, nhất là bài kinh Thân Hành Niệm được các Tỳ kheo trong thời Đức Phật khi gặp nhau thường ca ngợi pháp môn này hết mức:

“Thật vi diệu thay, chư Hiền giả! Thật hi hữu thay, chư Hiền giả! Thân Hành Niệm, khi được tu tập và làm cho sung mãn, có được quả lớn, có được công đức lớn, như đã được Thế Tôn, bậc Tri giả, Kiến giả, bậc A-La-Hán, Chánh Đẳng Giác tuyên bố.”

Khi chúng ta có tu tập mới thấy kết quả của pháp môn này thật là vi diệu, khiến cho hôn trầm, thùy miên, vô kí, ngoan không và loạn tưởng được dẹp sạch.

Bởi trong 13 pháp tu tập này, nếu chúng ta chọn lấy một pháp nào cho phù hợp với khả năng và đặc tướng của mình thì sự tu tập mới thấy kết quả ngay liền. Bằng không chọn kĩ sẽ tu tập sai pháp, sai đặc tướng và khả năng thì không có kết quả mà còn bị rối loạn hô hấp hay các cơ bắp, sinh ra đau nhức hay mệt mỏi và nhiều chứng bệnh khác nữa. Nhất là hôn trầm, thùy miên, vô kí lại tăng trưởng nhiều hơn. Cho nên tu tập không được tu tập quá sức, phải tu tập theo thời khóa biểu của người mới vào tu viện tu tập, không nên tu tập theo những người tu tập lâu năm. Tu tập không nên tranh hơn thua với bất cứ một người nào cả mà phải tu tập trong khả năng của mình, nhất là không nên tự tăng giờ tu tập theo ý muốn của mình, không nên tự kiến giải ra cách thức tu tập mà phải theo kinh nghiệm của người đã tu tập trước làm chủ sinh, già, bệnh, chết.

Pháp môn Thân Hành Niệm là một pháp môn đệ nhất phải giải thoát trong các pháp môn của Phật giáo, tu là có kết quả ngay liền nên Đức Phật dạy:

“Pháp Ta không có thời gian, đến để mà thấy.”

Vì vậy, pháp tu tập có kết quả ngay liền thì phải thưa hỏi kĩ lưỡng từng hành động tu  rồi mới tu. Pháp môn Thân Hành Niệm tuyệt vời trong lộ trình tu tập giải thoát. Vì vậy xin quí vị vui lòng cẩn thận, khi muốn tu tập pháp môn Thân Hành Niệm:

- Điều thứ nhất, quí vị nên chọn cho mình một vị thầy đã tu chứng đạo.

- Điều thứ hai, quí vị nên xin thân cận với người thiện hữu tri thức này.

- Điều thứ ba, mỗi hành động trước khi được tu tập đều được trình lên cho thiện hữu tri thức biết.

- Điều thứ tư, khi tu tập có kết quả hay không kết quả đều thưa hỏi kĩ lại với người thiện hữu tri thức.

- Điều thứ năm, khi tu tập có chướng ngại pháp gì đều phải thưa trình với người thiện hữu tri thức.

- Điều thứ sáu, khi tu tập có kết quả tốt đẹp nào thì cũng nên thưa trình với người thiện hữu tri thức.

- Điều thứ bảy, khi người thiện hữu dạy như thế nào thì tu tập như thế nấy, đừng nên tự kiến giải ra pháp tu hành mới mà lọt vào tà thiền của ngoại đạo.

- Điều thứ tám, lấy người thiện hữu làm thước đo sự tu tập của mình, đừng tự mãn cho mình tu là đúng, trong khi tu tập sai mình không thể nào biết mình tu sai mà chỉ có người thiện hữu tri thức mới biết mình tu sai.

- Điều thứ chín, khi mình tu tập sai mà người thiện hữu dạy mình sửa thì nên sửa ngay liền, không nên tu tập theo lối cũ mà phải tu tập theo người thiện hữu tri thức hướng dẫn.

– Điều thứ mười, khi tu tập chỉ cần tu hành đúng pháp, đừng cầu mong phải đạt pháp này pháp kia, nhất là đừng ngồi thiền nhập định một hai giờ hoặc biết chuyện quá khứ vị lai hoặc thị hiện thần thông biến hóa tàng hình, v.v… Trong khi tu hành chỉ cần biết tâm mình Bất Động hay đang Bị Động là đủ sức tỉnh giác làm chủ thân tâm mình.

Trước khi tu tập mình phải hiểu rõ thế nào là tâm Bất Động và như thế nào là tâm Bị Động?

Một người đang giữ gìn Tâm Bất Động, có người nói xấu hoặc chửi mắng mình. Mình nghe thấy không sót một lời nói nào nhưng mình vẫn thản nhiên, đó là tâm Bất Động. Tâm Bất Động là pháp giải thoát thực tế và cụ thể của Phật giáo mà Đức Phật thường dạy chúng ta tu tập: “Pháp Ta không có thời gian, đến để mà thấy.”

Thật là pháp giải thoát tuyệt vời và vi diệu, người nào tu tập có giải thoát ngay liền. Bởi vậy người có đầy đủ phước duyên mới gặp được chánh pháp này. Nếu gặp Chánh pháp này thì phải nói, đó là người đã gieo căn lành nhiều đời nên đời này mới gặp được Chánh pháp giải thoát của Phật như vậy.

Chúng ta hãy nhìn xem những người gặp được Chánh pháp và tu tập theo Phật giáo thì giống như một hạt nước của biển cả, còn những người chưa gặp Chánh pháp của Phật như cát sa mạc trùng trùng lớp lớp không biết bao nhiêu người kể sao cho hết.

Người giữ gìn được tâm Bất Động thì khổ đau biến mất, chỉ còn lại sự thanh thản, an lạc và vô sự trong tâm. Đó là cảnh giới Cực Lạc, Thiên Đàng mở cửa. Và như vậy cảnh giới Thiên Đàng và Cực Lạc không có ở trên Trời, cũng không có ở trong cõi Phật mà chỉở trong lòng con người.

Ngược lại người nào không muốn giải thoát lìa Tâm Bất Động thì ngay đó tâm tham lam, sân, si, giận hờn, phiền não nổi lên ngút ngàn, v.v…

Từ chỗ tâm tham, sân, si, mạn, nghi không làm chủ được nó thì muôn ngàn ác pháp bên ngoài tấn công vào thân tâm khiến tâm Bị Động. Khi tâm Bị Động thì chúng ta phải chịu biết bao nhiêu sự khổ đau. Và vì thế chúng ta đã rơi xuống các tầng địa ngục.

Cho nên địa ngục không phải ở bên ngoài hay dưới lòng đất mà ở ngay trong tâm của mọi người. Do hiểu biết như vậy nên Đức Phật dạy chúng ta hãy giữ gìn Tâm Bất Động, Thanh Thản, An Lạc và Vô Sự.

Đối với Phật pháp chúng ta không tu tập thì không có giải thoát, mà hễ có tu tập là có giải thoát ngay liền. Pháp của Phật là pháp rất thực tế, cụ thể như vậy, nên chúng tôi xin khuyên quí vị hãy lo tu tập cứu mình trong biển khổ sinh tử luân hồi.

Nhất là các pháp trong thế gian này đều vô thường nó sẽ không chờ đợi một ai. Hôm nay chúng ta còn gặp nhau, nhưng ngày mai hay vĩnh viễn chúng ta sẽ không còn bao giờ gặp nhau nữa.

Do biết các pháp vô thường như vậy, nên trong cuộc sống chúng ta hãy thương yêu nhau hơn, đừng tìm cách hại nhau mà nhân quả không tha thứ cho một ai, nếu thời tiết nhân duyên đến thì có trốn đâu cũng không khỏi.